Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái những năm gần đây đã và đang được UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm, đầu tư. Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng gắn với Hệ thống khai thác giếng cổ tại xã Gio An đã được đầu tư ở một số hạng mục như hệ thống đường kết nối liên thôn, liên xã, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, điểm quét mã QR,… đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch.
Giếng Bà (Ảnh: H.A)
Vào những ngày đầu năm mới, với sự liên hệ của chị Lê Thị Hà Giang – Giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh – một người con Quảng Trị nặng lòng với du lịch quê hương, đã kết nối các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát, tìm hiểu về Hệ thống khai thác giếng cổ Gio An để xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Đoàn khảo sát gồm có đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gio Linh, UBND xã Gio An, huyện Gio Linh và các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng (Công ty TNHH Mastery, Công ty CP Làng Sinh Thái, Công ty CP Defarm). Sau khi làm việc, trao đổi về nội dung, mục đích chuyến đi, Đoàn tổ chức khảo sát 03 loại hình cơ bản trong Hệ thống 14 Giếng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Điểm đầu tiên Đoàn chúng tôi đến khảo sát là Giếng Trạng (thôn An Nha), đại điện cho loại hình giếng có các máng giúp dẫn nước và chùa Long Phước (hay Long Phước Tự) – tuy gọi là chùa nhưng không thờ Phật, đây là Miếu thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Điểm tiếp theo Đoàn đến là cụm 03 giếng: Giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn), đại diện cho loại hình giếng có lối kiến trúc sắp xếp đá để ngăn dòng, lấy nước từ sườn núi. Và điểm cuối cùng là Giếng Pheo (thôn Tân Văn), đại diện cho lối xây dựng bằng cách xếp các bi đá tròn lên nhau, dòng nước tuôn trào từ trong các miệng giếng.
Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu các điểm giếng, được tận mắt chứng kiến sự công phu, kỳ vĩ và sáng tạo của người Chăm Pa khi xây dựng nên Hệ thống giếng cổ nơi đây, tuy thời gian đã làm xuống cấp, hư hỏng nhưng nét kiến trúc cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Anh Trần Hà Tâm, Công ty CP Làng Sinh Thái trao đổi với Đoàn “Hệ thống khai thác Giếng cổ Gio An là một công trình dẫn thủy có từ ngàn năm gắn liền với những yếu tố lịch sử của dân tộc. Công ty chúng tôi rất quan tâm đến các yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm linh trong từng điểm giếng và các huyền tích được lưu truyền. Chính vì vậy, chúng tôi rất muốn đầu tư vào đây để bảo tồn, phục dựng, khai thác các giá trị lịch sử văn hóa của Hệ thống các điểm giếng để mỗi khi đến đây, du khách có thể tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm hết những giá trị mà người xưa để lại cho nơi này”.
Ruộng rau xà lách xoong ở Giếng cổ Gio An (Ảnh: H.A)
Anh Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Công ty tư vấn và đầu tư Mastery chia sẽ “Việc khảo sát các điểm giếng tại Hệ thống Giếng cổ Gio An mang lại rất nhiều sự thú vị, xen lẫn thán phục sự sáng tạo của các bậc tiền nhân; để phát huy, khai thác hết giá trị của Hệ thống khai thác Giếng cổ gắn với du lịch cộng đồng tại xã Gio An cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chung tay của người dân địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Và công ty Mastery hứa hẹn sẽ nghiên cứu, xác định hiện trạng, phân tích, đánh giá tiềm năng từ đó xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch, tour, tuyến kết nối điểm tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng, từ đó, chung tay cùng Nhân dân và chính quyền địa phương làm du lịch cộng đồng."
Hy vọng thời gian tới nhiều doanh nghiệp quan tâm, xúc tiến đầu tư để đưa du lịch cộng đồng gắn với Hệ thống khai thác Giếng cổ Gio An nói riêng và du lịch Quảng Trị nói chung bứt phá, ngày càng phát triển bền vững./.