Thực hiện Kế hoạch số 373/KH-BTC ngày 01/12/2021 của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị (IPA Quảng Trị) về việc khảo sát tour, sản phẩm du lịch và Hội thảo tham vấn xây dựng tour du lịch mới. Sáng ngày 13/01/2022, tại khách sạn Sài Gòn – Đông Hà, IPA Quảng Trị tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng tour du lịch mới (lần 2). Ông Trần Phi Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Quảng Trị và Thạc sĩ Lê Minh Tuấn, Giảng viên, phụ trách Khoa Quản lý sự kiện và Marketing Dịch vụ Trường Du lịch, Đại học Huế chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng với đại diện lãnh đạo UBND và phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Du lịch; Hội lữ hành tỉnh và gần 20 đơn vị kinh doanh du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Phan Hoài An)
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, lấy ý kiến các đại biểu về việc đánh giá và định hướng phát triển tour du lịch đường sông và miền Tây Quảng Trị. Qua đó tìm ra các giải pháp, xây dựng lộ trình để sớm đưa vào thực tiễn. Tại hội thảo, Thạc sĩ Lê Minh Tuấn - Giảng viên Trường Du lịch, Đại học Huế cho biết: “Trong bối cảnh phát triển chung của du lịch Việt Nam và du lịch ở khu vực Bắc miền Trung, nhu cầu của du khách ngày càng cao, các khuynh hướng du lịch truyền thống có sự thay đổi, du khách đang hướng đến những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, và thân thiện với môi trường. Để kích thích sự phát triển của ngành du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của của Quảng Trị, cần thiết phải có định hướng phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp, dựa trên việc khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn, tài nguyên du lịch tự nhiên ở Quảng Trị. Việc khảo sát đánh giá và định hướng các điểm đến trong việc xây dựng sản phẩm du lịch (bao gồm du lịch đường sông và du lịch miền Tây Quảng Trị), thiết lập tour/tuyến du lịch sẽ góp phần khai thác hiệu quả các sản phẩm đó, với một tầm nhìn xa hơn, bền vững hơn, nhằm đưa ra các giải pháp mang tính liên ngành và đề xuất các nguyên tắc phát triển để quản lý tốt các hoạt động du lịch trong cùng một hệ thống, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch trong thực tế một cách hiệu quả.”
Thạc sĩ Lê Minh Tuấn – Giảng viên, phụ trách Khoa Quản lý sự kiện và Marketing Dịch vụ Trường Du lịch, Đại học Huế phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phan Hoài An)
Hội thảo đã nhận được ý kiến từ đại diện lãnh đạo UBND, phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội du lịch tỉnh và các đơn vị kinh doanh du lịch, công ty lữ hành đóng góp liên quan đến các quy định, cơ chế, vướng mắc, khó khăn có thể gặp phải khi xây dựng tour du lịch mới trong thực tiễn. Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành cho biết: “Du lịch đường sông là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch ven sông và trên bờ, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch gắn với các tuyến giao thông đường thủy. Điều này có nghĩa là để tạo ra một sản phẩm du lịch đường thuỷ trọn vẹn, cần quan tâm đến tất cả các yếu tố bao gồm hệ thống bến bãi, phương tiện, các điểm du lịch được lựa chọn nằm trên lịch trình di chuyển và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của lịch trình. Tuy nhiên, các vấn đề thách thức cần được giải quyết là hệ thống hạ tầng bến bãi, thu hút đầu tư phương tiện vận chuyển, xâu chuỗi lịch trình điểm đến và các hoạt động tăng thêm trải nghiệm cho du khách trên thuyền và tại các điểm du lịch được lựa chọn.”
Ông Trần Hữu Phước – Phó Chủ tịch HHDL, Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Trị phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phan Hoài An)
Kết luận tại hội thảo, ông Trần Phi Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đánh giá cao về báo cáo kết quả khảo sát các điểm đến tuyến du lịch đường sông và du lịch miền Tây Quảng Trị, đồng thời đề nghị tư vấn tiếp thu ý kiến của đại biểu tại hội thảo để hoàn thiện báo cáo. Ông cho rằng: “Tiềm năng du lịch của Quảng Trị hiện nay là rất lớn, trong đó việc đa dạng hoá sản phẩm du lịch, khuyến khích người dân chủ động đầu tư và trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch để góp phần quảng bá những giá trị về tự nhiên, văn hóa, con người; tạo thêm thu nhập từ chính những sản phẩm du lịch của địa phương Quảng Trị nói chung và các địa bàn nhỏ hơn như miền Tây Quảng Trị nói riêng là hết sức cần thiết”.
Trong thời gian tới, IPA Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội du lịch, các đơn vị tư vấn về khảo sát, xây dựng các tour/tuyến du lịch mới tại Quảng Trị./.