Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng làm việc với Tập đoàn Gazprom International tại Liên bang Nga trong chuyến công tác cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi thăm chính thức Thụy Sỹ và Nga.
Phải khẳng định rằng, bằng những bài học kinh nghiệm đúc kết trên lĩnh vực hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) của năm 2020, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để quảng bá, giới thiệu tốt về tiềm năng, lợi thế và hình ảnh của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, bước đầu đã có nhiều nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn, công ty lớn, có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới đã đến khảo sát, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị; Tiêu biểu một số dự án FDI đã được cấp chủ trương đầu tư và đang tiến hành thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, bao gồm: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1 (1500MW) do Tổ hợp liên doanh các nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) – Hanwha– KOSPO – KOGAS (Hàn Quốc) thực hiện; Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị của Liên doanh VSIP-Amata- Sumitomo; Dự án điện khí 340MW của Công ty Gazprom international thuộc tập đoàn Gazprom (Nga); Dự án Nhà máy gia công may mặc xuất khẩu PI Vina Quảng Trị (Poong In Trading Co. Ltd - Hàn Quốc); Dự án Sangshin Central Việt Nam (Sangshin Electronics - Co. Ltd - Hàn Quốc); Dự án Nhà máy sản xuất trang phục lót và trang phục thể thao (SCAVI thuộc Tập đoàn Corèle International - Pháp); Nhà máy Lavergne Quảng Trị (Công ty A.P Lavergne Investment Pte.Ltd - Singapore).
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.488,71 triệu USD. Trong đó 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 40,07 triệu USD và 07 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.448,64 triệu USD.
Bước vào năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến càng phức tạp, không những làm ảnh hưởng nặng nề đến tình hình kinh tế nói chung mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Trong bối cảnh khó khăn chung, các dự án nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp sản xuất kinh doanh thích ứng với điều kiện thực tại, đưa doanh thu tăng khá so với năm 2020.
Cụ thể, doanh thu năm 2021 ước đạt 78,8 triệu USD (bằng 211,21% so với 2020), giá trị xuất khẩu ước đạt 61,11 triệu USD (bằng 313,21% so với cùng kỳ), giá trị nhập khẩu ước đạt 22,3 triệu USD (bằng 334,79% so với cùng kỳ), giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 2.462 lao động tại địa phương (bằng 118,48% so với cùng kỳ) và nộp ngân sách ước đạt 1,36 triệu USD (bằng 179,02% so với cùng kỳ 2020)…
Vừa qua, dự án Cảng hàng không Quảng Trị cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 về chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh Quảng Trị xác định đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 – 2024 và sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế - xã hội tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị trao chủ trương đầu tư cho Sang Shin (Hàn Quốc)
Theo Ông Nguyễn Đức Tân – Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị: Tuy hoạt động các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt những kết quả nhất định, song bên cạnh đó còn nhiều tồn tại cần khắc phục bằng những giải pháp cụ thể, căn cơ.
Chính vì vậy thời gian tiếp theo, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều hoạt động, đó là: Bám sát các mục tiêu, định hướng đã được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII thông qua để ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của tỉnh, các dự án lớn đảm bảo môi trường; theo đó ưu tiên thu hút đầu tư các Tập đoàn có các chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu....Tận dụng hiệu quả sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các Bộ ngành TW để thu hút hiệu quả các dự án, trong đó tập trung thu hút vào Khu Kinh tế Đông Nam.
Tiến hành rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án FDI; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; Đề xuất phương án xử lý đối với các dự án hoạt động kém hiệu quả, chậm tiến độ, các dự án có tác động xấu đến môi trường, các dự án hoạt động không đúng với mục tiêu, tiến độ và nội dung được phê duyệt; triển khai thực hiện Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) xây dựng hồ sơ thông tin tóm tắt dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài; Xây dựng tập gấp, ấn phẩm XTĐT theo các tiêu chí: nhiều hình ảnh, thu hút, thiết kế tinh gọn, hiện đại và khoa học; chuyển tải ấn phẩm thành nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Trung và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình xúc tiến.
Tăng cường công tác phối hợp với một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam để xúc tiến, mời gọi và thu hút đầu tư, như: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Đà Nẵng (KOTRA); Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan (DBAV); Phối hợp với các Tham tán kinh tế phụ trách công tác xúc tiến đầu tư tại các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin và xúc tiến thu hút đầu tư FDI vào tỉnh Quảng Trị.
Dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị
Để thay đổi cách nhìn từ khống chế đại dịch sang sống chung phù hợp với Covid-19, tỉnh Quảng Trị cũng tập trung thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế dựa trên 03 trụ cột chính: công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các dự án khả thi để kéo làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư cho 75 dự án trọng điểm, trong đó 3 dự án về công nghiệp điện – năng lượng, 10 dự án sản xuất – chế biến nông nghiệp, 16 dự án sản xuất chế biến công nghiệp, 22 dự án cơ sở hạ tầng, 22 dự án dịch vụ - giáo dục – y tế và du lịch; 02 dự án về thông tin - truyền thông.