Ngày nay, các nước trên thế giới ngày càng có khuynh hướng chuyển dần sang khu vực tư nhân để cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng. Sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân trong phát triển và cung cấp các dịch vụ về cơ sở hạ tầng sẽ tăng cường hiệu quả trong việc phân phối, điều hành và quản lý dự án về hạ tầng, tăng cường nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo cơ hội tiếp cận và nắm bắt các công nghệ tiên tiến, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, có được những lựa chọn tốt hơn về thiết kế, công nghệ, xây dựng, sự vận hành và chất lượng cung cấp dịch vụ hạ tầng, đồng thời cũng giảm mức độ rủi ro cho Nhà nước. Vì vậy, đầu tư theo hình thức PPP trở nên hấp dẫn với chính phủ các nước đang phát triển, nó được đánh giá như là một cơ chế ngoài ngân sách phục vụ cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng.
Để tạo nền tảng pháp lý cho các hoạt động đầu tư phát triển theo hình thức PPP, Chính phủ đã ban hành Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18/6/2020 và Nghị định số 35/2021/ND-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Ngày 30/9/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 2818/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 17/8/2021 của Tỉnh Ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, theo đó tăng cường, đẩy mạnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư PPP.
Dự án PPP Cảng hàng không Quảng Trị (Ảnh: Internet)
Theo Quyết định số 2818/QĐ-UBND nêu trên, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Trị là cơ quan được UBND tỉnh Quảng Trị giao làm cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh, là Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cấp cơ sở các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HDND tỉnh, phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh, tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để triển khai lập Báo cáo đề xuất và kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP; Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập bộ phận chuyên trách về đầu tư theo phương thức PPP, xây dựng quy trình thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và nâng cao nhận thức về vai trò, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện đầu tư theo phương thức PPP ở đơn vị, địa phương mình, rà soát, đăng ký danh mục các dự án đầu tư cần thực hiện theo phương thức PPP gửi về UBND tỉnh qua Sở Kế hoạch và Đầu tư.