Thơm thảo bánh tét mặt trăng

Thứ năm - 21/11/2019 22:48
Nhắc đến làng Đại An Khê – xã Hải Thượng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là nhắc đến những chiếc bánh tét mặt trăng gắn liền với người dân làng từ đời này sang đời khác. Những chiếc bánh tét có hình như vành trăng khuyết úp vào nhau cho thành trăng tròn đó cũng là hình ảnh ước nguyện cho mỗi lứa đôi luôn bên nhau hạnh phúc viên mãn. Làng Đại An Khê đã hơn 500 năm tuổi và cũng ngần ấy thời gian nồi bánh tét mặt trăng luôn có mặt trong đời sống dân làng, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực và văn hóa Quảng Trị.
image 20191122104859 2
Bánh tét mặt trăng (Nguồn ảnh: internet)

Bất cứ ai đi ngang qua những con đường trải nhựa nhỏ xinh nằm giữa hai hàng cây xanh mát, một bên là ruộng lúa, 1 bên là con mương thủy lợi mát lành của làng Đại An Khê – xã Hải Thượng huyện Hải Lăng đều có thể nghe thoang thoảng đâu đó trong gió mùi hương của ngày Tết cổ truyền dân tộc, đó chính là mùi hương của những chiếc bánh tét được làm từ nguyên liệu đồng đất quê hương. 

Chỉ từ những nắm lá ngót, ít đậu xanh, nếp, thịt lợn, đã làm nên những chiếc bánh tét mặt trăng thơm lừng của làng Đại An Khê, vâng, chỉ chừng ấy thôi mà đã khiến cho ai đi ngang nơi này đều phải dừng chân khi nghe và tận mắt nhìn thấy chiếc bánh tét đặc biệt của ngôi làng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi – Bánh tét mặt trăng. Sở dĩ được gọi là bánh tét mặt trăng bởi bánh khi cắt ra có hình bán nguyệt như vầng trăng khuyết, một đôi bánh thường được cột với nhau để khi xếp hình lại sẽ được 1 vầng trăng tròn, mang ý nghĩa mỗi lứa đôi đều sẽ được hạnh phúc viên mãn, đủ đầy.

Để làm ra được một chiếc bánh tét mặt trăng chất lượng cũng lắm công phu, ngoài chất liệu là gạo nếp thì phải chọn lá rau ngót tươi, giã lọc lấy nước. Nước lá ngót có vai trò rất quan trọng trong quá trình làm bánh bởi nước lá sau khi được vắt ra phải trộn ngay với nếp mới giữ được màu xanh như ngọc trên từng chiếc bánh. Ngoài việc lựa chọn những loại nếp thơm dẻo, ngon và nhân đảm bảo thì cách nấu cũng khá quan trọng. Trước khi nấu, cần cho bánh vào một lượt trong nồi, đổ nước lạnh vào ngập xăm xắp bánh. Sau đó đun lửa cháy đều cho nồi bánh sôi ùng ục quanh đều, giữ đều lửa để bánh chín dần. Nấu từ 9 đến 10 giờ đồng hồ, bánh tét mới chín, sau đó nhỏ lửa và để ngâm trong nước khoảng vài giờ đồng hồ vớt bánh ra để ráo. Bằng cách nấu này đòn bánh tét sẽ giữ được lá xanh, cây bánh đẹp và để được lâu ngày. Củi phải được chọn từ những nhánh củi dày, tốt nhất là củi dương để nồi bánh được đượm và mùi hương khi cháy sẽ góp phần cho sự thơm ngon của từng chiếc bánh.

Từ xa xưa trong bất cứ ngày lễ giỗ, chạp của gia đình, dòng họ hay của làng Đại An Khê đều bắt buộc có đĩa bánh tét mặt trăng đặt trên bàn thờ. Đĩa bánh tét mặt trăng gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát vọng cũng như mong muốn của con cháu dâng lên ông bà, tổ tiên, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ luôn được sung túc, no đủ, bình an. 

Dù cuộc sống đã hiện đại, đã đủ đầy hơn rất nhiều, cũng không cần phải chờ tới Tết mới có thể thưởng thức món bánh tét mặt trăng, nhưng cứ mỗi khi có dịp ăn một miếng bánh tét mặt trăng, là 1 lần ta có thể cảm nhận được vị bùi của đậu, vị thơm của nếp, vị ngậy của thịt, hòa quyện vào nhau tạo nên 1 hương vị khó phai. Và chiếc bánh thể hiện cho tình yêu gia đình với hình ảnh hai chiếc bánh được buộc chặt vào nhau, lại nhắc nhớ ta về sự phong phú của hương vị ẩm thực quê hương. Chiếc bánh mang ý nghĩa của đôi vợ chồng gắn chặt với nhau vượt qua khó khăn, gian khổ của cuộc đời để đến bến bờ hạnh phúc làm hương vị bánh tét mặt trăng Đại An Khê thêm phần khó quên trong lòng du khách gần xa khi được thưởng thức món ăn này.

Tác giả bài viết: Thế An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây