Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Đề án Festival “Vì hòa bình” và dự kiến sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lí vào cuối tháng 11/2019 để đề án được hoàn thiện, từ đó Fesival sẽ trở thành dịp thể hiện được khát vọng dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình và công lý, “lưng đeo gươm mà tay mềm mại bút hoa”. Qua đó cũng góp phần giúp Quảng Trị đi lên với cả nước với một thương hiệu, một hình ảnh riêng có.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn – Nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ hi sinh cho hòa bình của dân tộc
Tỉnh Quảng Trị hiện nay có 72 Nghĩa trang liệt sĩ lớn nhỏ, có thể nói không ở nơi đâu mà số người hi sinh và nghĩa trang liệt sĩ lại nhiều như ở Quảng Trị, với 53.955 phần mộ (riêng tỉnh Quảng Trị có đến 20.055 liệt sĩ, 18.191 thương binh, bệnh binh; 2.704 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 52.057 người tham gia kháng chiến được nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương các loại), trên địa bàn tỉnh có 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Vì thế, Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung của cả nước, niềm tự hào chung về một thời hào hùng và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, Quảng Trị có những điểm nhấn linh thiêng, như: 2 dòng sông và nỗi niềm chia cắt, hoa đăng trên dòng Thạch Hãn ... Có thể nói Quảng Trị là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của khát vọng hòa bình cháy bỏng. Bởi đây là nơi đụng đầu, nơi chia cắt, nơi linh thiêng, nơi chiến địa ác liệt. Và đây cũng chính là tiền đề để tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án thực hiện chương trình “Festival – Vì hòa bình” (Festval For Peace).
Festival “Vì hòa bình” nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Qua festival sẽ xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt, khát vọng hòa bình của nhân loại. Đây cũng là dịp để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động trong khuôn khổ Festival “Vì hòa bình” có những hoạt động tiêu biểu như: Lên án chiến tranh và sự hủy diệt, ngợi ca giá trị hòa bình; chống nguy cơ chiến tranh; tưởng niệm, tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì sự nghiệp hòa bình; kêu gọi đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình; hội nhập, hợp tác cùng phát triển, xây đắp hòa bình, hữu nghị, thịnh vượng.
Khung chương trình của một kì Festival “Vì hòa bình” bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa - nghệ thuật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về chủ đề hòa bình; hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nạn nhân chiến tranh và cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an; hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và trùng tu, tôn tạo các di tích gắn với khai thác, phát huy các giá trị văn hóa và các hoạt động xã hội, hướng trọng tâm vào chăm lo nạn nhân chiến tranh, hỗ trợ phát triển các khu vực bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt.
Một nội dung rất quan trọng nữa đó là hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, hội chợ thương mại - du lịch, văn hóa ẩm thực, tổ chức các tour du lịch... Trên cơ sở khung chương trình hoạt động chung, căn cứ tình hình và điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể các kì Festival cho phù hợp. Festival “Vì hòa bình” dự kiến sẽ được tổ chức ở quy mô quốc gia và quốc tế; nằm trong danh mục các lễ hội lớn của quốc gia, dự kiến sẽ được tổ chức 2 năm 1 lần.
Hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Đề án Festival “Vì hòa bình” và dự kiến sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lí vào cuối tháng 11/2019 để đề án được hoàn thiện, trước khi trình Trung ương xem xét, chấp thuận./.