Độc đáo chợ Phiên Cam Lộ - Quảng Trị (Ảnh: Hoàng Táo)
Thật vậy.
Tôi có một nhóm bạn, chung đam mê “xê dịch”. Tôi hay đùa với bọn nó rằng: muốn tìm hiểu lịch sử thì ghé thăm bảo tàng, mà muốn biết về con người thì tham quan phiên chợ. Rồi như cái duyên lãng đãng nào đó, vài người trong nhóm tình cờ đến Quảng Trị khi chợ phiên Cam Lộ họp những ngày giáp Tết. Nét nhộn nhịp bình dị tại đây làm ai tới lần đầu cũng chẳng dời chân đi nổi. Và chính những thước ảnh đời thường đó đã chinh phục chúng tôi. Mãi sau này, cứ đi tới phiên chợ nào khác, cũng dùng dằng nhớ lại nơi đây.
Chợ phiên Cam Lộ, là một ngôi chợ hiếm hoi còn hoạt động theo phiên ở Quảng Trị. Nó có từ thế kỉ 17, là nơi buôn bán có tiếng của vùng Thuận Hóa bấy giờ. Đến những năm kháng chiến, nó trở thành căn cứ cách mạng. Trải qua nhiều dấu ấn lịch sử, hiện tại nó lại trở về đúng nghĩa cái tên, dù những đổi thay đã xóa nhòa bớt sự nhộn nhịp xưa cũ.
Mang đầy đủ hình ảnh của chợ quê dân dã, chợ phiên Cam Lộ tấp nập những sạp hàng bày ngoài lề đường, trải bao bố giản đơn trên đất, có khi bài bản hơn thì kê cái bàn gỗ dưới tấm bạc che màu xanh thẫm. Họ bán những thứ đời thường nhất, có lúc là chùm cau miếng trầu, khi là cái kẹp, đôi dép,.. nó làm con người ta vô thức xé bỏ hết những vách ngăn vùng miền, lai lịch; nó làm mắt mình khẽ rưng rưng như thấy lại tuổi thơ kéo tay mẹ đi chợ.
Những ngày giáp tết, chợ phiên Cam Lộ đông đúc với đủ sắc hoa. Những bó cúc vàng, lay ơn đỏ, được bọc trong giấy báo, đặt thành hàng dưới đất hoặc cắm vào thùng nhựa đựng nước. Vài hàng trái cây với đủ loại ước muốn: cầu, dừa, đu đủ, xoài,..nhộn nhịp tiếng gọi bán cái này, mua cái nọ. Vài người tạt ngang chợ, đội cả nón bảo hiểm vào sạp hàng mua vội thứ gì đấy. Có đứa bé nắm tay mẹ, tay bà, đứng trước sạp nhìn người lớn lựa đồ, rồi nghe mẹ, nghe bà trả giá vài đồng bạc lẻ, chốc chốc giật giật áo mẹ, mè nheo mua cái quần, cái áo mới.. Cũng có mấy cô cậu học trò, chỉ khoác tay nhau dạo quanh, thích thú nhìn cảnh mua bán huyên náo rồi mỉm cười trò chuyện. Ai nấy đều che kín trong chiếc áo bông dày, một số người lớn tuổi thì mặc áo len đỏ thẫm hay xanh lam tự đan, đầu đội mũ, cổ quàng khăn ấm, hít hà nhả khói trắng lạnh,.. Hay có cụ bà vội đến từ rạng sáng cho kịp phiên chợ sớm, thì trên người mặc thêm cái áo mưa “mì tôm” mỏng tang, đội nón lá, bán những thứ nhà tự nuôi trồng: như con gà, bó rau, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười hiền hậu.
Chợ bày bán đủ mọi loại mặt hàng (Ảnh: Hoàng Táo)
Chợ trở thành nơi mưu sinh cho những người dân buôn bán nhỏ lẻ. Chợ trở thành nỗi nhớ quê trăn trở của đứa con Quảng Trị xa nhà. Cứ thế, chẳng biết tự bao giờ, mà đi chợ chẳng còn giản đơn là sắm sửa đồ đạc nữa. Họ đến chợ phiên Cam Lộ như một thói quen tìm kiếm những hoài niệm ngày nhỏ, để mua nụ cười bình dị, để đắm mình trong tiếng trọ trẹ răng, tê, mô, rứa thân thương khi trả giá: người bớt được một đồng thì vui mừng một buổi, người bán được cho khách thì hào hứng mong đợi phiên chợ lần sau. Thế là, ai cũng hạnh phúc nghĩ mình có lãi.
Tới chợ phiên Cam Lộ bằng hai chữ “tò mò”, rồi rời chợ bằng hai từ “quyến luyến”, có lẽ những gì chân thật luôn chạm gần được trái tim của kẻ mộ danh mà đến. Để mỗi lần nhắc về Quảng Trị, không ít người sẽ tua ngay trong đầu thước phim về phiên chợ nhộn nhịp, để hình ảnh đau thương thời bom đạn dần thay bằng cái thanh bình dung dị rất đời lúc buôn bán sinh hoạt của dân nơi đây.
Sự da diết từ lịch sử đã làm nên cái thơ dùng dằng: là Quảng Trị kiên cường, là Quảng Trị nhớ thương, hay Quảng Trị vươn mình từ bom đạn... Mỗi tính từ miêu tả điểm thắt miền trung đều trở thành một nét bút đẹp. Và chợ phiên Cam Lộ, chính là điểm chấm phá cho bức tranh miền quê thêm có hồn, có tình, có nghĩa. Chắc là mảnh đất này chứa một thứ ma lực kì lạ, làm người từng đến: dễ nhớ, khó quên.
Tôi lẩm nhẩm lại câu thơ ban nãy, trầm ngâm nghĩ về những điều đã qua, về những gì hiện tại và hằng hà bao thứ chưa tới. Bất giác, bật cười. Trong đâu đó như thoảng đưa về cái tiếng hỏi han của o hàng xén: “Chao ui, ôốc dôộc chưa tề, té ra eng cũng dân quê miềng à!” Nghe mà dễ thương tới lạ…