Quảng Trị, ra đi và trở về

Thứ tư - 27/04/2022 04:50
Tôi không sinh ra ở đây nhưng Quảng Trị lại là phần yêu thương khó nói hết trong trái tim mình. Từ năm 1976 tôi đã có mặt ở Đông Hà cho đến đầu 1997 mới ra Hà Nội để làm việc ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hai mươi năm với Quảng Trị trong màu áo lính tôi có những gắn bó sâu sắc với mảnh đất, con người nơi đây mà mỗi khi nhắc lại lòng còn quá đỗi rưng rưng.
 
Vùng đất khắc bạc đâu chỉ có gió lào khô nóng thổi ào ào như bão khan, đâu chỉ có mưa dầm “thúi đất, thúi đai” như lời của mạ mà còn lồng lộng trên cao cái màu xanh Quảng Trị đi vào thi ca, còn vọng vang bao hồi ức lịch sử trong những Tân Sở, Hiền Lương, Vịnh Mốc, Cồn Cỏ, Ái Tử, Thành cổ, Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Khu Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ, Làng Vây, Khe Sanh, Lao Bảo…và nhiều địa danh khác tôi chưa kể ra đây. Chỉ liệt kê thôi danh sách cũng dài dài rồi nói chi chuyện kể hết “dấu vết quá khứ” trong mỗi tên gọi ấy. Quảng Trị chính là một bảo tàng chiến tranh sống động với những hiện lộ và trầm tích thiêng liêng mang chứa trong đó tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Từ Quảng Trị ta dễ dàng nhận ra bài học về văn hóa giữ nước của dân tộc gắn liền với khát vọng hòa bình, thống nhất non sông. Nếu ai gọi vùng đất thiêng này là địa chỉ du lịch tâm linh thì tôi cũng không hề phản đối. Vẫn còn đó bóng cờ Cần Vương phấp phới trên màu đất bazan vùng Cùa; còn những xôn xao đồng đội giữa lớp lớp bia mộ ở hai nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 cùng bao ẩn khuất khó nói thành lời dưới lớp cỏ biếc xanh của Thành cổ…Quảng Trị là vùng đất bi tráng có một không hai của những tháng năm đất nước chống đế quốc Mỹ xâm lược mà hai nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia và bảy mươi nghĩa trang liệt sĩ khác đã nói lên được phần nào điều đó.

Tôi có cảm giác mỗi thước đất Quảng Trị là một trang sách ghi chép chiến tranh, hào hùng và bi thương như những gì đã diễn ra trong quá khứ. Mảnh đất Quảng Trị thân thương luôn khơi dậy những mạch cảm xúc mạnh mẽ trong tôi, tiếp sức sáng tạo cho một người lính cầm bút từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước cho đến bây giờ. Tôi muốn nói rằng nếu không có những năm sống ở Quảng Trị tôi không thể có những thi phẩm như Bông huệ trắng (Tặng thưởng thơ xuất sắc tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1995); Khát vọng Trường Sơn (Giải Nhì - không có giải Nhất - cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội năm 1996)…trước khi trở thành biên tập viên và Trưởng ban Thơ của Văn nghệ Quân đội. Từ Quảng Trị, bấy nhiêu cảm thức thi ca của tôi đã được bùng cháy: Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/ giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/ những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/ giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/ những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/ giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng/ những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa… ( Bông huệ trắng) và “Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa… (Khát vọng Trường Sơn).

Không thể nói khác được, tôi biết ơn mảnh đất này. Sự biết ơn lớn lao còn bao hàm cả những gì tôi có được trong cuộc sống đời thường. Bao vui buồn của tôi đã gắn với vùng đất Quảng Trị lưng tựa Trường Sơn trông ra biển Việt mênh mang. Như một cơ duyên, tôi chọn thị trấn Cam Lộ xinh xắn bên dòng sông Hiếu làm nơi ở, chọn một cô giáo vùng Cùa làm vợ và những đứa con của chúng tôi đã cất tiếng khóc chào đời dưới bầu trời xanh màu Quảng Trị. Nơi đây, tôi nhận ra được những giá trị đích thực về con người Quảng Trị. Đó là sự trung thực, chân chất, tình nghĩa. Không đãi bôi màu mè trong giao tiếp, sống có trước có sau, chẳng phân biệt đối xử vùng miền. Trải qua chiến tranh khốc liệt, người dân thấm thía tình người, ứng xử hài hòa lấy thiện tâm làm gốc. Nhiều người từng sống ở đây đều chung cảm nhận như tôi. Họ nói rằng, sống với người Quảng Trị dễ. Tôi thấy phần đông người Quảng Trị lành. Cứ thực bụng với nhau là mọi chuyện suôn sẻ.

Cũng phải nói là may khi gia đình tôi chuyển ra Hà Nội vẫn cố giữ lại mảnh đất cũ ở giữa lòng thị trấn Cam Lộ. Để sau khi nghỉ hưu chúng tôi quyết định trở lại nơi mình đã ra đi. Cái duyên của tôi với mảnh đất này sao mà bền chặt lâu dài vậy. Nói thật, khi mua căn hộ chung cư ở Hà Nội vợ chồng tôi định bán nhà ở thị trấn Cam Lộ vì thiếu tiền. Nhưng chả hiểu sao chúng tôi lại chuyển hướng, giữ nhà cũ và chịu khó vay mượn tiền mua căn hộ chung cư. Rồi mọi chuyện cũng ổn. Bây giờ, gia đình tôi lại trở về với Quảng Trị như một lựa chọn không hẹn trước. Việc trở lại Quảng Trị gây ra nhiều bất ngờ với bạn bè tôi. Đang sống yên lành ở Thủ đô lại trở về xứ sở gió Lào bỏng rát. Tôi không giải thích với mọi người vì biết rằng nói ra cũng chẳng trải bày hết được điều mình nghĩ. Chỉ biết rằng, với tôi đấy là một lựa chọn phù hợp khi vùng đất này đang khởi sắc, đổi mới khá rõ rệt và trong “thế giới phẳng” sự kết nối muôn nơi chẳng có gì khó khăn cả. So sánh cái thời chúng tôi tuy là bộ đội vẫn ăn độn sắn lát và trệu trạo nhai hạt bo bo với bây giờ, cuộc sống ở vùng đất này đổi thay một trời một vực. Thỉnh thoảng nhắc lại với con cháu, chúng nó không hình dung được cứ tưởng ông bà, cha mẹ kể chuyện cổ tích xa xưa.

Một trong những lý do mà tôi muốn trở về Quảng Trị, ngoài cái tình sâu nặng như đã nói là nhịp sống vùng đất này may mắn đang còn chầm chậm, nhẹ nhàng. Nó không bị cuốn theo dòng chảy cuộc sống quá ào ạt, xô bồ thường xảy ra ở nhiều đô thị lớn. Không gian sống còn nhiều khoảng lặng cho con người có cơ hội “trò chuyện” với thiên nhiên. Tôi hi vọng, dù kinh tế phát triển đến đâu thì Quảng Trị cũng giữ được sự xanh sạch đẹp cho vùng đất này. Đô thị xanh sạch đẹp. Nông thôn xanh sạch đẹp. Đó sẽ là nơi đáng sống của nhiều người. Một môi trường trong sạch vững bền, với con người đôn hậu nghĩa tình chắc chắn là nơi hấp dẫn với các nhà đầu tư. Quảng Trị rồi sẽ có sân bay, có cảng biển hiện đại, có trung tâm điện khí, có hệ thống điện gió, điện mặt trời, có những khu công nghiệp đáng kể. Đó là điều ai cũng mong mỏi cho vùng đất từng chịu nhiều thiệt hại, đau thương do chiến tranh khốc liệt. Mỗi công trình, dự án được thực hiện ở đây không chỉ dành cho hôm nay và mai sau mà đó còn là sự tri ân với quá khứ. Quá khứ đã làm nên Quảng Trị anh hùng, Quảng Trị yêu thương. Quá khứ không thể bị lãng quên gắn liền với mảnh đất mà chỉ cần gọi tên trái tim nhiều người đã thổn thức xốn xang, đã muốn được trở về theo những hồi ức không dễ mờ phai nhạt nhòa: Quảng Trị!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Quý (Tác phẩm đạt giải ba tại Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây