Cầu treo Đakrông - Biểu tưởng của núi rừng miền Tây Quảng Trị (Ảnh: Phan Hoài An)
Tết năm ấy là cái Tết cuối mà tôi sẽ được nhận “lì xì”, tự nhủ với bản thân: phải về bằng mọi giá. Nói vui nhưng mà vui thật, Tết năm đó, cô bác, anh chị lì xì cho tôi nhiều hơn, ai cũng bảo sang năm tốt nghiệp đi làm ra tiền rồi, phải lì xì cho đám nhỏ nữa. Cũng nhờ vậy, qua mồng 4 Tết, tình hình tài chính của tôi rất khả quan. Tôi nghĩ ngay đến chuyến xuất ngoại đầu đời đầy mơ ước.
Tôi đã nung nấu ý định về chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên từ rất lâu. Từ thời học cấp III và những năm sau đó, tôi đã đi dọc Quảng Trị theo hướng Bắc - Nam, từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, Triệu Phong, Thị Xã Quảng Trị, rồi Hải Lăng quê tôi. Tôi vẫn ước ao được đi hết dọc chiều Đông - Tây của tỉnh để khám phá, đi hết Đường 9 huyền thoại.
Tết Giáp Ngọ 2014, tôi bắt đầu hành trình bằng xe máy, từ nhà ra Đông Hà nghỉ lại một đêm, rồi từ Đông Hà men theo Đường 9 lên thẳng phía Tây, bắt đầu hành trình xuất ngoại đầu tiên đầy kỷ niệm.
Qua khỏi địa phận Đông Hà, tôi bước vào huyện Cam Lộ. Vì thời gian có hạn, tôi chỉ kịp ghé qua thăm Chợ Phiên Cam Lộ và Chùa Cam Lộ. Tôi không lái xe thẳng theo Đường 9 để đi tiếp mà rẽ vào tuyến đường nhỏ vào Cùa - một địa danh từng là Thành Tân Sở, gắn liền với lịch sử về Vua Hàm Nghi và Chiếu Cần Vương. Dù bây giờ nơi đây chỉ còn là tàn tích, tôi vẫn rất thích thú khi thực sự đã đặt chân đến vùng đất đã được học trong sách sử.
Một mình trên chiếc xe máy, tôi vi vu giữa đất trời quê hương, giữa cái nắng, cái gió đầu xuân se lạnh. Chiều về, tôi ghé lại thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông nghỉ lại qua đêm. Một thị trấn miền núi thanh bình và tĩnh lặng. Tôi nghỉ lại trong một nhà nghỉ bình dân, dạo quanh thị trấn một lúc rồi ngủ sớm để ngày mai lên đường.
Đoạn Đường 9 từ thị trấn Krông Klang uốn mình theo dòng sông Đakrông, thượng nguồn của sông Thạch Hãn. Không hẹn mà gặp, Cầu treo Đakrông hiện ra trước mắt tôi đầy tình cờ và ấn tượng. Chiếc cầu dây văng được xem là biểu tượng của núi rừng Quảng Trị. Mùa này, dòng sông cạn nước, có những đoạn trơ đáy, để lộ ra lòng sông đầy đá. Chiếc cầu treo nằm trong quần thể danh thắng Đakrông, một quần thể du lịch tự nhiên với sông suối, thác nước, hang động và núi đồi hùng vĩ đầy tiềm năng của Quảng Trị quê tôi.
Rời Đakrông, tôi tiếp tục hành trình lên Hướng Hóa, huyện miền núi cực Tây của tỉnh. Địa điểm không thể bỏ qua khi đến Hướng Hóa đó chính là di tích lịch sử sân bay Tà Cơn. Nơi đây có một bảo tàng nhỏ lưu giữ các hiện vật thời chiến, đặc biệt là những chiếc máy bay quân sự của quân đội Hoa Kỳ vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn hình hài trên thảm cỏ xanh mướt, trên đường băng đã cũ kỹ, nhuốm màu thời gian. Từ sân bay Tà Cơn, chạy thêm khoảng hơn 5km nữa theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, trước mắt tôi là hồ thủy điện Rào Quán. Mặt hồ trong xanh soi bóng núi rừng thành một bức tranh tĩnh lặng tuyệt đẹp.
Một góc sân bay Tà Cơn (Ảnh: Phan Hoài An)
Trở vào trung tâm thị trấn Khe Sanh, huyện lỵ của huyện Hướng Hóa, tôi ăn trưa và dạo qua một vòng khu chợ Khe Sanh. Khe Sanh nằm ở giữa đỉnh của dãy Trường Sơn nên có khí hậu tương đối mát mẻ. Nếu đến đây vào mùa nóng Quảng Trị, có lẽ bạn sẽ cảm nhận rõ hơn sự ôn hòa và mát dịu của Khe Sanh - nơi được mệnh danh là tiểu Đà Lạt của phía Tây Quảng Trị.
Đầu buổi chiều, tôi lái xe băng băng lên Lao Bảo. Tôi đã từng có dịp lên Lao Bảo vài năm trước đây. Lao Bảo trong tôi là nơi của hội nhập, của thương mại sầm uất. Tôi được nghe đến Lao Bảo trong một buổi ngoại khóa về kinh tế địa phương, từ đó ấn tượng mạnh mẽ với Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt này. Tôi thường hay dò trên bản đồ đoạn Đường 9 từ Đông Hà đến Lao Bảo, từ Lao Bảo qua tỉnh Savannakhet (Lào), rồi qua đến các tỉnh của Thái Lan, xuyên tận đến Myanmar. Tình cờ, bằng một cơ duyên nào đó, sau này khi tốt nghiệp ra trường, từ những chuyến đi công tác, đi du lịch, tôi đã có dịp đi đến hầu hết các tỉnh trong trục đường bộ Hành lang Kinh tế Đông Tây.
Buổi chiều tà, tôi ghé vào thăm di tích Nhà tù Lao Bảo. Không khí nơi đây có chút hoang vu, gợi nhớ về một giai đoạn lịch sử nhiều đau thương. Tôi trở lại trung tâm thị trấn Lao Bảo, xin nghỉ lại trong một nhà dân. Sau bữa cơm tối, khi nghe tôi có ý định sang Lào chơi, cô chú hướng dẫn cho tôi các thủ tục cần thiết khi đi qua cửa khẩu, nơi đổi tiền từ tiền Đồng Việt Nam sang tiền Kip Lào… Thời tiết Lao Bảo về đêm mát lạnh, tôi ngủ sớm và háo hức về ngày mai, chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời mình.
Sáng dậy, tôi gửi xe máy tại nhà cô chú và đi bộ ra khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Sau khi đổi tiền Kip Lào xong xuôi, tôi mua sim điện thoại Lào để tiện sử dụng khi qua nước bạn, rồi vào làm thủ tục xuất cảnh. Con dấu xuất cảnh đầu tiên đóng vào cuốn hộ chiếu, với tôi, đó là khoảnh khắc thật khó quên, là khởi đầu cho hành trình bước ra thế giới. Bước qua khỏi cửa khẩu Lao Bảo, qua cửa khẩu Densavan thuộc tỉnh Savannakhet, Lào, tôi thực sự đã ra khỏi Việt Nam. Cảm giác của lần đầu tiên đứng nhìn đất nước Việt Nam, quê hương Quảng Trị từ một đất nước khác vẫn in đậm trong tôi, cho đến hôm nay.
Tôi lên xe khách, đi sâu vào trong nội địa Lào, đến thành phố Kaysone Phomvihane - thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Savannakhet. Thành phố nằm tận sát biên giới Thái Lan, bên dòng sông Mekong thơ mộng. Hai ngày trên đất Lào, tôi đi thăm thú chùa chiền, phố thị nơi đây, trải nghiệm một nền văn hóa, ẩm thực và kiến trúc khác biệt so với Việt Nam. Như một cơ duyên với đất nước Triệu Voi, sau này, tôi có dịp đến Lào công tác dài ngày, nói được tiếng Lào, nghe hiểu được người Lào nói chuyện, hiểu nhiều hơn về văn hóa, xã hội và kinh tế đất nước này.
Kết thúc hành trình, tôi trở về Lao Bảo, theo đường cũ về nhà, khăn gói trở vào Sài Gòn chuẩn bị cho kỳ thực tập tốt nghiệp. Chuyến đi ấy giúp tôi thỏa mãn ước nguyện đi hết Đông, Tây, Nam, Bắc của quê hương Quảng Trị, sẵn sàng cho những chuyến đi dài hơn, xa hơn khám phá đất nước và thế giới.
Cũng đã lâu rồi, tôi chưa được về thăm quê. Ngày trở về, tôi vẫn sẽ tiếp tục thăm thú và khám phá những ngõ ngách quê hương. Quảng Trị, một tỉnh có diện tích nhỏ và không có nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Nhưng để khám phá hết vẻ đẹp của mảnh đất này, bạn có lẽ cần nhiều hơn một chuyến đi. Với riêng tôi, có lẽ cần cuộc đời để khám phá quê hương mỗi khi có dịp trở về!
Quê hương, nơi đã cho tôi cảm hứng và cơ hội đầu tiên để bước ra thế giới!