Phát hiện bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh

Thứ tư - 27/04/2022 05:23
Tháng 10 năm 2002, tôi có dịp ra Hà Nội làm việc với Bộ Quốc phòng xin máy bay về làm hiện vật trưng bày tại Di tích sân bay Tà Cơn. Nhân dịp này, tôi được anh em cựu sinh viên chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tổ chức chuyến đi về thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sau 49 ngày tìm được và đưa hài cốt của anh từ Quảng Trị về quê tại xóm 1, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
 
Sau khi viếng nghĩa trang nơi anh Huỳnh an nghỉ, về nhà làm Lễ cúng cho anh, mọi người cùng ngồi lại dùng cơm thân mật. Tôi như có linh tính mách bảo, lại có tính hay tìm hiểu, nên hỏi gia đình:

- Thế anh Huỳnh có vật gì để lại kỉ niệm không?
- Chị Xơ - vợ anh Huỳnh, nói: Anh ấy có một lá thư.

Nghe chị Xơ nói vậy, tôi mạnh dạn đề nghị gia đình cho tôi xem lá thư đó. Được sự đồng ý của mẹ và chị Xơ, anh Chẫm - anh trai liệt sĩ, đứng lên, nâng bát hương ở bàn thờ, lấy bức thư đưa cho tôi.
Tôi nhẹ nhàng mở thư. Trước mặt tôi là những trang sổ tay với nét mực Cửu Long quen thuộc mà tôi từng gặp ở chiến trường. Bức thư đề “Quảng Trị, ngày 11/9/1972”.

Trong bức thư của mình, anh Huỳnh viết cho mẹ, vợ và những người thân để thông báo rằng, đây sẽ là bức thư cuối cùng anh viết trước lúc hy sinh. Anh xin lỗi vì chưa làm tròn bổn phận của một người con, một người chồng nhưng “đã sống trọn đời cho Tổ quốc”… Anh cũng không quên dặn lại vợ mình: “Khi hòa bình, nếu có điều kiện thì vào Nam lấy hài cốt anh về”…Và anh chỉ luôn cả đường đi: “Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông, từ thị xã Quảng Trị qua cầu ngược trở lại về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng, về đó tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”… Cuối thư anh còn viết: “Em hãy đọc lá thư này cho mọi người cùng nghe trong buổi Lễ truy điệu anh…”

Tôi đọc thư mà người như chùng lại, ớn lạnh, cắt quảng. Tôi không khóc mà nước mắt vẫn chảy, cố bình tĩnh mà người vẫn run. Rồi… hình như có một sức mạnh nào đó giúp tôi mạnh dạn đề xuất:
-  Gia đình cho tôi xin nhận lá thư này được không?
Anh Chẫm, chị Xơ và mọi người nhìn nhau, rồi đều nhìn tôi…lạ lẫm.

Trong im lặng, tôi lấy lại sự bình tỉnh, nói tiếp:
- Tôi vẫn biết rằng thư này không chỉ đơn giản là bức thư anh Huỳnh gửi cho cho mẹ, cho vợ và những người thân mà đây còn là một vật kỉ vật linh thiêng nhất của Liệt sỹ còn lại. Nhưng sau khi đọc thư, tôi cảm nhận, trong này, ngoài những dòng tâm sự gửi cho gia đình, còn có một điều gì đó lớn hơn, thiêng liêng hơn mà Liệt sỹ như muốn nhắn nhủ lại cho các thế hệ mai sau.

Rồi tôi cố gắng thuyết phục theo cách, nếu như gia đình lưu giữ thì chắc chỉ trong một phạm vi hẹp, còn nếu như cho tôi, cho Di tích Thành cổ Quảng Trị lưu giữ, thì chắc chắn bức thư sẽ được lan tỏa rộng hơn, sâu hơn và có ý nghĩa giáo dục lớn hơn cho các thế hệ mai sau. Tiếp lời tôi, các anh trong đoàn phát biểu thêm và thế là mẹ, anh Chẫm, chị Xơ cùng mọi người có mặt hôm đó đồng ý cho tôi được nhận bức thư.

Sau thời gian ở Hà Nội, tôi trở về Quảng Trị.
Chiều ngày 26/12/2002, nhân buổi lễ Cúng Tất niên tại Thành cổ với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin và thị xã Quảng Trị cùng anh em trong Ban Quản lý Trung tâm, tôi đưa bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ra đọc. Mọi người nghe xong đều xúc động, thậm chí không dám tin vào những gì tôi vừa đọc. Không ai bảo ai, nhưng hình như tất cả đều có chung câu hỏi “Tại sao lại có những con người biết mình sẽ chết nhưng vẫn bình tĩnh đến lạ thường để viết nên những con chữ đầy khí phách như thế” và “Tại sao Liệt sỹ lại biết những gì sẽ diễn ra với mình, mà thực tế sau này đúng như những gì anh viết trước lúc hy sinh”…

Có những câu hỏi mà không có câu trả lời… Tiếc rằng, nó cũng giống như số phận của bức thư trong những ngày tháng đầu tiên về với Di tích. Sau lần tôi đọc bức thư đó, hình như không ai để ý đến nó nữa. Không có bất cứ một sự chỉ đạo nào từ các nhà quản lý mặc dù tôi đã phô tô bức thư thành 06 bản và trực tiếp gửi đến các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở. Nhiều lần tôi đề xuất đưa bức thư ra trưng bày, nhưng có lẽ do vướng phải một quy định mà người ta quen gọi đó là “nguyên tắc” hay “thủ tục” trưng bày hiện vật tại bảo tàng, nên cuối cùng tất cả đều im lặng.

Không còn cách nào khác, tôi tranh thủ giới thiệu bức thư mỗi lần tiếp xúc với các đoàn khách và chỉ đạo anh em hướng dẫn viên trong phần thuyết minh về Di tích Thành cổ, tranh thủ giới thiệu thêm về bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Chúng tôi nhận ra các đoàn khách đều rất cảm động, họ chăm chú lắng nghe từng câu, từng chữ. Nhiều người không cầm được nước mắt, có người đã khóc thành tiếng. Chúng tôi mừng thầm: “Ừ! Lá thư đã biết nói”.

Tháng 6/2003, tôi trực tiếp gặp nhà báo Đinh Như Hoan, lúc này anh là phóng viên thường trú báo Nhân dẫn tại Quảng Trị. Tôi đọc lá thư của anh Huỳnh và trao đổi thêm về những mong muốn của tôi. Thật may là anh ấy đã rất đồng cảm. Bức thư đã được đăng lên báo Nhân dân và Nhà báo cũng đã đồng hành cùng chúng tôi suốt cả thời gian sau đó. Tôi liên hệ với anh Nguyễn Viết Tá - Tổng biên tập báo Cựu chiến binh thành phố HCM. Anh đến Thành cổ Quảng Trị nghe tôi đọc thư và thu âm trực tiếp để phát thanh trên đài Thành phố. Rồi lần lượt nhiều tờ báo khác như Tuổi trẻ, Lao động, Dân trí, Pháp luật và đời sống… lần lượt đăng tải bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Thậm chí, có lần, có một đôi vợ chồng trẻ đi xe gắn máy từ Gia Lai - Kon Tum ra Thành cổ Quảng Trị tìm gặp tôi, chỉ để xin được xem trực tiếp bức thư có thật hay không…

Nhờ vậy bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh đã được lan tỏa. Nhiều đoàn thăm quan muốn tận mắt được nhìn thấy bức thư. Tôi trực tiếp liên hệ với các anh Lê Xuân Tường, Lê Văn Cường, Nguyễn Văn Hùng nguyên trước đây cùng đơn vị với liệt sỹ đồng thời là những người cùng gia đình đi tìm kiếm và đưa hài cốt của liệt sĩ về quê để khâu nối với chị Tạ Bích Loan cùng ê-kip VTV3 đến Quảng Trị truyền hình trực tiếp chương trình “Người đương thời” vào tháng 7/2003. Truyền thông đã lên tiếng, khách thăm quan đã yêu cầu để rồi cuối cùng, bức thư đã được trưng bày mà không cần thông qua bất cứ một “thủ tục” nào cả (sau này mới bổ sung hồ sơ). Tất cả anh em chúng tôi thật sự hạnh phúc.

Chúng tôi đã làm được một việc mà chắc rằng những ai được nghe và đọc lá thư của liệt sỹ cũng đều làm như thế, bởi đơn giản đây là bức thư - theo tôi nghĩ, có một không hai, mà trong cuộc đời làm công tác di tích, chúng tôi may mắn được biết.

Quảng Trị, tháng 11 năm 2021.

 

Tác giả bài viết: Trần Khánh Khư (Tác phẩm đạt giải nhì tại Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây