Những người thầy giáo tình cờ

Thứ hai - 03/10/2022 04:41
Tôi dùng nhiều những mĩ từ như “thương khó”, “đôn hậu”, “kì vĩ”,… trong khoảng thời gian tôi học tại trường. Tôi dùng chúng trong những bài văn, bài luận. Ngay cả trong đời sống thường ngày, nhiều khi tôi cũng sử dụng để nói chuyện với bạn bè. Tôi luôn nghĩ mình am hiểu sâu sắc về ý nghĩa của chúng và đủ uyên âm để nắm bắt chúng như lòng bàn tay, không hơn không kém. Nhưng cho đến khi được đi thăm vùng đất Quảng Trị; tôi mới nhận ra thứ mà mình tưởng là hiểu biết kia mới chỉ là lí thuyết, thậm chí còn có thể nói nó đang nằm khô khan trong sách vở, giấy bút. Ấy chính là tại nơi đó, bài học thực tế liên tiếp khai mở tâm trí, tấm lòng tôi…
 
Tháng 7 năm 2019, tôi cùng mọi người trong đoàn khởi hành lúc chiều tàn, từ thủ đô Hà Nội đầy nắng và gió trong chiếc xe giường nằm 2 tầng. Khi đến nơi, chúng tôi ghé thăm Đông Hà trước nhất- cụ thể là đến nhà một người anh em có quen biết. Nhà của anh nằm ở phía Tây Đông Hà, gần rừng thông nên nhìn ra xa là một màu xanh mướt- đúng với miêu tả của màu “xanh lá cây” trong cuốn từ điển với tiếng hót của chim trời và đôi chút xì xào của lá cây đung đưa trong gió nhẹ. Nhưng nào chỉ có rừng thôi đâu, còn có một cây cầu nhỏ bắc qua một cái hồ lớn, tròn trĩnh phân tách rõ ràng với rừng. Lâu lắm rồi tôi mới thấy “thiên nhiên” đến như vậy vì được thoát khỏi ồn ào của thành phố; thực ra Đông Hà cũng là một thành phố nhưng kì lạ và tuyệt vời thay: họ không quên mất núi rừng, cỏ cây mà chào đón thiên nhiên như một phần tất yếu. Nơi đây động chạm đến từng giác quan, từng tế tào trong cơ thể tôi. Mỗi hơi thở tôi hít vào là lồng ngực căng tràn không khí sạch, mũi tôi phổng ra không phải vì lời khen nhưng vì nó phấn khích. Mỗi bước tôi đi, tôi thấy được nhẹ nhõm như bay bổng vì không có cái nắng gắt mà chỉ có những làn gió nhẹ. Tôi chợt nghĩ giờ này, lúc 5 giờ sáng, nếu tôi còn ở Hà Nội thì liệu tôi có được tận hưởng thứ hương vị tuyệt vời này hay không? Tôi không chắc. Đang lúc thả hồn vào trong sự thoải mái, hài lòng ấy; tôi mới chợt để ý rằng có rất nhiều người chạy bộ trên cây cầu, dọc tuyến đường chính. Tôi biết thói quen chạy bộ cũng có thể được coi là phổ biến ở nhiều nơi, nhưng để nói chạy bộ mà nhà nhà, người người đều chạy bền bỉ và kiên trì như lúc tôi đang thấy đây, thì chưa từng. Tôi ngẫm thấy rằng quả thực, thiên nhiên đâu chỉ là để ngắm, nếu con người có thể cùng thiên nhiên tạo ra một bước tranh hài hòa thì chẳng phải là thi vị sao? Không phải bức ảnh chụp rừng hay chụp biển cả là bức ảnh gây nhung nhớ nhất; mà là bức ảnh có những người trồng cây gây rừng, có “đoàn thuyền giăng lưới” giữa khung cảnh biển sớm hôm; chúng tô màu cho những đường nét phác họa vốn có của tự nhiên. Người Quảng Trị, ít nhất như tôi thấy ngay đây, có lẽ nắm rất rõ ý niệm này bởi họ đã không chỉ biết ơn vì mọi thứ thiên nhiên trao tặng nhưng họ còn bộc lộ ra bên ngoài qua chính sự chăm chỉ- ngay từ buổi sớm hôm. Thế thì, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, đoàn chúng tôi đã được dạy một bài học tích cực về nhịp sống đúng ý nghĩa.

Đoàn cũng đi đến những khu vực vùng xa của tỉnh. Chúng tôi được ngắm nhìn dãy Trường Sơn to lớn đến kinh ngạc. Tôi thành thực khẳng định rằng đây là lần đầu mà tôi được thấy một dãy núi cao và đều như thế; phần chóp núi như chạm đến trời, có sự giao thoa giữa màu xanh của cây rừng và màu lam của khoảng trời rộng khoảng khoát. Sự ngưỡng mộ được đẩy lên đến đỉnh điểm khi chúng tôi nghĩ về vị trí của dãy núi này trong lịch sử dân tộc: Nó không chỉ là chứng nhân với những đoàn xe đông của bộ đội Hồ Chí Minh mà nó còn là đất mẹ sẵn sàng cho chiến sĩ ta băng qua, vượt muôn trùng thử thách để đến gần hơn với ngày giải phóng dân tộc. Đi thêm chút nữa, mọi người trong đoàn đều ghé đầu ra ngoài mà ngắm nhìn những con suối với dòng chảy như vô thực. Tôi nói vậy là bởi tôi thấy suối không có sức nước và áp lực lớn như những nơi khác do sự hiện diện của những mỏm đá ngạo nghễ nằm giữa dòng chảy, chúng cản trở lực nước nhưng cũng vô hình chung, tạo nên cảnh quan thú vị. Vì nước không xiết mà cứ nhẹ nhàng uốn lượn như những con sông thu nhỏ nên có nhiều trẻ em vui đùa cách hoạt bát, ngay giữa dòng chảy. Các em với nụ cười tươi roi rói hất nước vào nhau, còn ngoải cổ lại nhìn khách lữ hành đi quang qua chúng mà chẳng chút sợ sệt, vẫn giữ được nét ngây thơ, hồn nhiên. Các em nhắc tôi về thời thơ ấu của mình nhưng tôi cũng ganh tỵ quá: dòng suối mà các em chơi đùa thật đẹp!

Tôi cũng rất thích biển và chúng tôi may mắn cũng có dịp ghé qua. Biển Cửa Việt vào buổi chiều hôm ấy làm tôi nhớ mãi không quên: hoang sơ, tĩnh lặng vì ít người nhưng rầm rì, rộn rã bởi âm thanh sóng vỗ, tiếng đung đưa của rặng cây.

Đến tối, chúng tôi ra một hàng ăn dọc biển là nơi mà từ đó nhìn ra những con sóng bạc đầu; phía sau những con sóng ấy là đoàn thuyền chỉ được phát hiện bởi thứ ánh sáng phát ra từ boong tàu. Đến tối mà người ta vẫn đi đánh cá. Tôi nghĩ ngợi.

Chỗ tôi và các bạn ngồi chỉ là một quán trong một dãy những quán ăn khác nhau. Nói là khác nhau bởi lẽ tên của những quán ăn đấy không giống nhau, chắc chắn là vậy rồi. Thế nhưng ngoài tên hiệu và vị trí trong dãy thì các quán không khác nhau là mấy. Cũng là căn nhà đơn sơ với tên quán được in trên bạt hiflex; có chỗ để khách rửa tay, rửa chân; có nhà bếp mà người đi đường có thể căng mắt nhìn vào được từ xa;…Tôi thử hỏi sao họ không lựa chọn bài trí quán ăn của mình khác với mọi người một chút để thu hút khách hơn? Câu trả lời họ dành cho tôi là rằng họ không cần phải làm vậy. Không phải là ngại thay đổi hay an phận; nhưng là tính nhu mì và khiêm tốn vốn có của người Quảng Trị. Họ nhất định không muốn thu hút khách bằng một căn nhà khang trang lộng lẫy với hệ thống đèn khắp mọi nơi nhưng thiếu sự nhiệt thành phục vụ. Họ muốn khách đến đây, bị thu hút đến Cửa Việt và bởi cung cách họ chu đáo và niềm nở, ân cần và kính mến. Điều này diễn ra bất kể đó có là sáng hay đêm, bất kể đó là ngày mưa hay nắng, bất kể ngày đó khách có tới đông hay lác đác,…Bởi thế họ không cần ngoại cảnh khác biệt, vì chính con người họ đã khác biệt rồi. Tôi sẽ nhớ đến cô Hoài, cô Thu cùng các chú ở đó khi quay trở lại. Không cần biển hiệu.

Chuyến đi dạy tôi nhiều điều. Bài học không chỉ dừng ở việc biết cách sử dụng chính xác và hùng hồn những mĩ từ tôi đã kể ở trên, mà còn về ánh sáng của dân tộc Việt. Tôi luôn so sánh dải đất hình chữ S này giống như một chòm sao trong ngân hà của chúng ta; Quảng Trị với tôi là một tiểu hành tinh trong chòm sao đó- tuy nhỏ, tuy ít nổi bật nhưng khi được biết đến, nó rạng sáng. Quảng Trị làm tôi nhớ nhung và có điều chắc chắn mà tôi tin tưởng: lần tới tôi đến chốn này, sẽ có một thầy giáo mới chào đón tôi, với một bài học tôi chưa từng biết.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Anh (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây