Sa Lung - Dòng sông thương nhớ

Thứ tư - 27/04/2022 05:29
Sông chủ của mảnh đất Vĩnh Linh luôn được biết đến là dòng Bến Hải. Con sông của một thuở đôi miền thương nhớ, của 21 năm ròng rã chia cắt Bắc - Nam Việt Nam, của vĩ tuyến 17 huyền thoại… Dòng sông ấy được tạo thành bởi 2 chi lưu: Bến Hải và Sa Lung. Điểm hợp lưu là ngã ba mênh mông ở làng Hiền Lương (xã Vĩnh Thành cũ), nơi có Quốc lộ 1A vắt qua.
 
Nhánh sông Sa Lung (Ảnh: Bình Nguyên)

So với dòng chủ lưu Bến Hải, nhánh sông Sa Lung ngắn và hẹp hơn, nhưng dòng nước này lại mang trong mình những giai thoại, câu chuyện kỳ thú, đặc sắc. Nếu như “Bến Hải” đơn thuần chỉ là tên gọi xuất phát từ một bến sông phía thượng nguồn - bến đò ông Hải - thì cái tên “Sa Lung” lại mang âm hưởng của huyền thoại. Sa Lung là cách đọc trại của từ “Sa Long”, tức “rồng sa, rồng rơi”, gắn liền với câu chuyện huyễn hoặc được truyền tụng trong dân gian: Thuở hồng hoang, khi đất trời vừa mới hình thành, có Long mẫu (rồng cái) từ Đông Hải bay về đại ngàn tìm nơi sinh nỡ. Ngang qua đất này thì chuyển dạ, nên “sa” xuống. Trong cơn đớn đau, thân xác rồng chìm vào lòng đất tạo nên một dòng nước uốn lượn. Tứ chi rồng cào cấu đất đai xung quanh tạo nên vô số đầm, lạch, bàu, hói, khe suối quanh vùng… 

Vì mang dáng hình rồng nên Sa Lung uốn lượn thật mềm mại. Trên cao nhìn xuống, sông như dải lụa xanh khổng lồ mà ai đó vô tình thả xuống giữa mênh mông làng mạc, ruộng đồng. Từ thượng nguồn, sông chắt nước các khe suối nhỏ tạo nên dáng hình, chảy qua Bến Quan, rồi êm đềm trôi giữa đồng bằng Vĩnh Thủy, bất chợt gấp mình chảy qua Vĩnh Long, dùng dằng xuôi về phía Vĩnh Lâm và chan nước hợp dòng với Bến Hải ở làng Hiền Lương. Giai thoại rồng sa còn kể rằng, thuở mới hình thành, nước sông có màu đỏ, bởi đó là máu, xương, thịt rồng hóa thành, theo thời gian cứ phai nhạt dần… Giờ đứng trước Sa Lung, chỉ một màu xanh trong, không còn một vết cổ tích, nhưng sự huyễn hoặc kỳ bí ấy cùng với những miếu thờ dựng hai bên bờ, khói hương bảng lảng, cứ gợn lên trong đầu du khách một cảm giác mơ hồ thật khó tả.

Dòng nước hiền hòa chảy lững lờ giữa các làng quê bình yên, tưới tắm cho mênh mông đồng lúa mướt xanh thì con gái. Từ nguyên thủy đến hôm nay, Sa Lung luôn một hình ảnh vậy; cũng bên lở bên bồi, cũng triều lên nước xuống. Kẹp lấy dòng nước thân thương ấy là một bờ tây ken dày lũy tre kẻo kẹt, một bờ đông là những hàng bần già cỗi, xù xì cắm rễ trong bùn đất phù sa, mùa hè trổ những triền hoa trắng. Những con thuyền nan xuôi ngược, tiếng gõ thuyền chài lóc cóc, cánh cò trắng chao nghiêng, những vó lưới giăng mắc, vươn cánh tay khẳng khiu gầy giữa dòng xanh…

Đã hàng bao thế kỷ đi qua, sông bồi đắp phù sa màu mỡ làm nên những “bờ xôi ruộng mật” vựa thóc của Vĩnh Linh. Uống nước dòng sông và tắm mát bởi dòng sông, con người nơi đây cũng tự đắp xây, hun đúc nên một bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có của mình. Những làng mạc quấn quýt hai bờ dòng nước luôn mang những cái tên quấn quýt với tên sông: Sa Bắc, Sa Nam, Sa Trung, Gia Lâm, Phúc Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Lâm… Con trai tráng kiện, vạm vỡ, thạo việc đồng áng, chài lưới, tính tình phóng khoáng, thường có năng khiếu về nghệ thuật thơ ca, đàn hát. Con gái nổi tiếng đẹp người đẹp nết. Ở Vĩnh Linh luôn có câu truyền tụng “gái Vĩnh Lâm như trầm loại 1” - là một sự đúc kết chính xác, khó ai tranh cãi.

Bởi mang chất “rồng” nên khí đất này vượng. Theo “Ô châu cận lục” (Dương Văn An), vào thời hậu Lê (1555), vua Lê có chỉ dụ đưa dân vào vùng Thuận, Hóa để khẩn hoang, lập ấp, mở mang cương vực lãnh thổ Đại Việt. Bà Vương phi họ Lê (Lê Quý Phi) đã dẫn đoàn tùy tùng Nam tiến. Khi đến nơi này, thấy sơn thủy hữu tình, non sông cẩm tú… thì dừng lại sinh cơ lập nghiệp. Làng mạc đầu tiên hình thành mang chính cái tên sông - làng Sa Long. Nhờ công sức của tiền nhân và thiên thời địa lợi nhân hòa, chẳng bao lâu Sa Long trở thành một ngôi làng trù phú, có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Câu ca "Nhớ thời Thái tổ, Thái tông/Thóc lúa đầy đồng, chim chẵng buồn ăn" đủ để nói lên sự thịnh vượng của một vùng quê vốn trước đó là miền “ô châu ác địa”. Khi bà chết, dân trong vùng lập miếu thờ tưởng nhớ công ơn. “Đi đâu cũng nhớ tháng ba/Hai bảy giỗ Bà, tảo mộ vui xuân…”. Miếu thờ bà Vương phi họ Lê (miếu Bà Chúa) trở thành một nơi linh thiêng và huyền bí, một địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn, hàng năm đón hàng ngàn lượt du khách gần xa đến thăm, viếng.

Và, nói về sông quê Sa Lung không thể không nói đến thứ đặc biệt mà dòng nước này tạo ra: con nuốt. Sinh vật phù du trong veo này, dưới bàn tay chế biến của người dân nơi này với món “gỏi nuốt hoa bần” thuộc dạng hiếm có khó tìm, đang đứng đầu bảng đặc sản ẩm thực ở Vĩnh Linh hiện nay. Hãy thử một lần đến với dãy quán hàng thuộc các làng Gia Lâm, Phúc Lâm nằm bên tả ngạn dòng Sa Lung, bạn sẽ chứng kiến và thưởng thức một thứ đặc sản nhớ đời. Một làng quê bình yên giờ đang rộn ràng xe ngựa, trên bến dưới thuyền nườm nượp đón những đoàn khách gần xa.

 
Gỏi nuốt hoa bần (Ảnh: Bình Nguyên)

…“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà/Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi…”. Nghe câu hát da diết ấy là nhớ dòng Sa Lung thân thương. Con nước hiền hòa, nhỏ nhoi, dài chỉ mươi cây số thôi mà lạ lùng, luôn cứ hằn sâu trong cảm xúc, trong nhớ nhung. Ở bên này phố xá, hướng tầm mắt về phía tây, nơi có dóng dáng lũy tre ken dày là có thể hình dung được dòng nước. Nhưng, cũng có khi tâm thức hối thúc, vậy là vượt đồng, vi vu chạy trên con đường Nam Bộ rộng thênh để được chạm mặt Sa Lung. Mắt nhìn xuôi ngược, tay vốc một bụm nước, tay bẻ một nhánh bần lúc lắc nụ hoa đang hé mắt cười… Vậy thôi mà quay về, là thỏa nỗi nhớ mong thao thiết...
Sa Lung – dòng sông nhớ thương!

Tác giả bài viết: Bình Nguyên (Tác phẩm đạt giải nhất tại Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây