Nơi chưa đi đã nhớ, nơi chưa đến đã thương

Thứ tư - 27/04/2022 05:25
Nằm giữa khúc ruột miền Trung, trong chiến tranh, Quảng Trị là nơi chịu nhiều mất mát, thương đau, nhưng cũng là nơi thể hiện sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật cường, quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta trước kẻ thù xâm lược. Nơi đây, mỗi tấc đất đều trở nên thiêng liêng, gần gũi, sâu nặng ân tình. Nhắc tới Quảng Trị thì người trong Nam, ngoài Bắc, ai cũng biết và cùng có chung một tình cảm trân trọng, yêu thương dành cho mảnh đất này.
 
Nhà văn Vân Hạ, quê Ninh Bình, đi bộ đội, ra quân, giờ sống và viết ở thành phố biển Nha Trang, trong một lần đến Quảng Trị, khi ra về đã viết: “… Nếu có nơi nào đó trên đất nước Việt Nam này, người ta chưa đi đã thấy nhớ, chưa đến đã thấy thương, thì đó là Quảng Trị, vì Quảng Trị không chỉ của Quảng Trị mà còn là ruột thịt của khắp mọi miền đất nước…”. Phải chăng với câu nói này, Vân Hạ đã nói hộ nỗi lòng của nhân dân cả nước dành cho Quảng Trị? Tôi nhớ ngày ấy, khi có mặt ở Quảng Trị, Vân Hạ đã dành chút thời gian ít ỏi của chuyến tham quan để đi cho hết những địa danh, di tích lịch sử trên đất Quảng Trị mà chị mới chỉ nghe qua, chứ chưa một lần được đặt chân đến. Đôi bờ Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Nhà tù Lao Bảo, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn… và rất nhiều những địa danh quen thuộc khác. Nơi nào chị cũng muốn đặt chân đến, để nhìn cho tận mắt, chạm cho tận tay những gì mà chị yêu thương, trân trọng. Chị bảo, Quảng Trị không có nhiều những danh lam, thắng cảnh tráng lệ, thu hút, ru ngủ người ta như một số địa phương khác, nhưng Quảng Trị lại có rất nhiều những di tích lịch sử, gắn với chiến tranh và số phận con người, chỉ cần nghe đến thôi đã xúc động, tuôn trào cảm xúc mà không một địa phương nào có được. Và chị cho rằng đây là thế mạnh của Quảng Trị trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Lần ấy, được tận mắt chứng kiến những mất mát, hy sinh; đắm mình trong cảnh trời mây non nước Quảng Trị; vui buồn với những gì đã nghe, đã thấy, và cả nước mắt dành cho người hy sinh, trở về Nha Trang, Vân Hạ đã viết một bút ký rất xúc động về đất và người Quảng Trị trong chiến tranh.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam, hiện là Ủy viên Hội đồng Văn xuôi - Hội Nhà văn Việt Nam, từ thành phố Lào Cai đã hai lần đến Quảng Trị. Ngoài mục đích phục vụ cho sáng tác thì còn một lý do khác mà anh không thể không có mặt. Đoàn Hữu Nam nói, tuổi như anh đã cao, nên không thích sự ồn ào, náo nhiệt như các cô, cậu tuổi mười tám đôi mươi. Lớp trẻ họ sống theo kiểu thực dụng, thích những gì thuộc về hiện tại, vì thế một chuyến du lịch cũng phải chọn cho được những nơi phong cảnh non nước hữu tình, vui chơi thỏa thích. Còn lớp người như anh chỉ muốn tìm đến với những gì thuộc về quá khứ, thuộc về hoài niệm, tâm linh. Anh chọn Quảng Trị là điểm đến trong những chuyến đi của anh. Vì Quảng Trị là máu thịt của cả nước. Nhắc tới Quảng Trị là nhắc đến sự bi tráng của bản hùng ca giữ nước. Biết bao người con đất Việt đã đi qua và vĩnh viễn nằm lại đất này. Quảng Trị là cái đòn gánh, gánh hai đầu nỗi thương đau, niềm chiến thắng của dân tộc. Cả thế kỷ qua, đất và người nơi đây chưa một giây phút được yên ấm, ngơi nghỉ. Hết đỏ máu người ra trận nhuộm thắm bởi giặc ngoại xâm, giờ lại hồng máu người xây dựng vì họa thiên tai, vì bom mìn còn sót lại. Anh yêu Quảng Trị như quê hương anh. Mỗi mất mát, thương đau xảy ra trên mảnh đất này đều làm anh rưng rưng nước mắt. Nhưng anh cũng rất đỗi tự hào, khi biết hôm nay Quảng Trị đang từng ngày đổi mới đi lên. Trong những chuyến vào Quảng Trị, Đoàn Hữu Nam đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Có một thời như thế” viết về người và đất Vĩnh Linh trong chiến tranh.

Nhà văn Đỗ Xuân Thu, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ đến Quảng Trị chỉ với mục đích là muốn tận mắt “mục sở thị” Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và địa đạo Vịnh Mốc. Hai địa danh nổi tiếng mà anh nói với tôi là mới chỉ… nghe, chứ chưa… thấy bao giờ. Anh đã từng đi nhiều nơi, đến nhiều di tích lịch sử, thấy được sự vĩ đại, thần kỳ của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng khi đến địa đạo Vịnh Mốc, một kỳ quan trong lòng đất Quảng Trị, cảm xúc trong anh bỗng vỡ òa. “Thực sự khâm phục!”. Anh chỉ biết thốt lên như thế khi từ lòng địa đạo bước lên. Sau anh là rất đông khách, gồm cả khách Tây lẫn khách ta, ai cũng bước chúi người về phía trước một chút như muốn cúi đầu tri ân những gì mình vừa chứng kiến. Đỗ Xuân Thu bùi ngùi, nhưng rất lạc quan khi cho rằng, với một loạt hệ thống di tích lịch sử được đưa vào khai thác, hơn bất cứ nơi nào, Quảng Trị sẽ là địa phương duy nhất trong cả nước có được tiềm năng du lịch hết sức độc đáo, mang màu sắc riêng của Quảng Trị, không lẫn với bất cứ nơi nào. Đây chính là lợi thế của Quảng Trị về phát triển “ngành công nghiệp không khói”, trong nền kinh tế của tỉnh. Du khách khi đến Quảng Trị, sẽ rất tự hào về quá khứ, cảm phục về truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta, và đó còn là những “địa chỉ đỏ” giáo dục cho con cháu muôn đời mai sau.

Còn nhà văn Đỗ Công Tiềm ở Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Ninh đã đến Quảng Trị cả thảy ba lần. Lần nào anh cũng ở lại vài ba ngày, đi cho hết những “chấm đỏ” được đánh dấu trên bản đồ Quảng Trị. Có một điều thú vị là trong ba lần anh đến Quảng Trị thì có hai lần trùng với cuộc thi văn học của Tạp chí Cửa Việt, chủ đề viết về đất và người Quảng Trị. Vậy là một công đôi việc, vừa được tham quan du lịch, vừa tìm hiểu tư liệu viết bài cho cuộc thi. Anh đã đến cù lao Bắc Phước ở Triệu Phong, đến Khe Sanh, đôi bờ sông Bến Hải… vừa tham quan, vừa ghi chép. Lần gần đây nhất là vào tháng Tư, năm 2021, anh lại có mặt ở Quảng Trị, tìm hiểu tư liệu cho cuốn tiểu thuyết viết về đôi bờ sông Bến Hải mà anh ấp ủ từ những chuyến đi trước đây. Nhưng như anh nói, điều quan trọng chưa hẳn là thu thập tư liệu để sáng tác, vì có một thứ còn ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó là những chuyến vào Quảng Trị đã cho anh được thỏa mãn nỗi niềm “đêm mong ngày ngóng”, hiểu thêm về đất và người Quảng Trị, hiểu thêm về những mất mát, hy sinh cùng những chiến công của quân và dân nơi mảnh đất anh hùng này.

Nhà văn Cao Tiến Lê từng viết: “Quảng Trị như cây đàn một dây đọng lại trong tâm hồn mỗi người, chỉ cần làn gió nhẹ là rung lên ngân vang với quá khứ, hiện tại, tương lai. Nhắc đến Quảng Trị, từ người già, người trẻ, trong nước, ngoài nước đều tuôn trào những kỷ niệm, những tình cảm sâu lắng, ân tình, đẫm nước mắt, nhắc nhở mình có món nợ chưa trả với Quảng Trị”.

Xin cảm ơn các anh, các chị - những nhà văn đã đến với Quảng Trị, mảnh đất “chưa đi đã nhớ, chưa đến đã thương” - quê hương tôi!


 

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Chiến (Tác phẩm đạt giải nhì tại Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây