Vững tin ngày Quảng Trị “cất cánh”

Thứ tư - 27/04/2022 05:14
Một ngày giữa tháng 4-1975. Chiếc xe của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đưa một nhóm người thân của Bộ Tư lệnh đến Cửa Tùng. Những người lớn trên xe xuýt xoa khen bãi biển đẹp quá, hèn gì ngày trước người Pháp gọi là “nữ hoàng của các bãi biển”. Đối với đứa bé 12 tuổi là tôi lúc ấy, bãi biển này hơi lạ, không như những bãi biển tôi từng biết ở Đà Nẵng và Huế là khá bằng phẳng, chỉ chạy ào ra là ùa xuống biển. Còn khu nghỉ dưỡng này nằm trên đồi cao, sát mé biển, xuống biển phải theo từng bậc dốc. Đây là nơi một đơn vị của Bộ Tư lệnh 559 làm nhiệm vụ hậu cần, dựng những căn nhà gỗ lá đơn sơ trên nền đất đỏ, hai bên đường dẫn xuống biển trồng nhiều nhất là dâm bụt, nở đỏ ối những ngày nắng đẹp.
 
Chỉ sau hai ngày quen với khu nghỉ dưỡng này, tôi càng thấy bãi biển Cửa Tùng là… tuyệt vời. Biển êm, cát mịn, trời xanh, mây trắng. Những câu chuyện của một thời binh lửa được người lớn kể lại, cùng thời điểm này những bước chân thần tốc của bộ đội chủ lực đã giải phóng miền Nam đến tận vùng Nam Trung Bộ rồi. Ngày nào đài báo cũng đưa tin chiến thắng càng làm cho những người con miền Nam xa quê đi chiến đấu, học tập, công tác đều mong được trở về gặp lại người thân. Chính ở trên đồi cao vùng Cửa Tùng này mà O tôi, nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân (em con dì ruột của ba tôi), nhiều năm trước, đã nhìn về phương Nam. Bên cửa biển, qua dòng sông Bến Hải dõi về những trập trùng phi lao là Cửa Việt, là làng Mai Xá của huyện Gio Linh, lúc đất nước còn chia cắt. Câu hát “Xa khơi” (nhạc Nguyễn Tài Tuệ) được cất lên giữa biển trời bờ Bắc, vọng về Nam da diết ân tình:

Nắng tỏa chiều nay
chiều tỏa nắng đôi bờ, anh ơi
gió lộng buồm mây ươm chân trời
biển lặng sóng thuyền em dong khơi
khoan giọng hò thương anh cách vời…
Nắng tỏa chiều nay
thuyền về mái động chiều nay
nhìn phương Nam con nước vơi đầy
nhớ thương anh ơi…
nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay…

Ở đó là quê hương, là mẹ cha, là tình yêu sâu nặng. Thời gian đi qua, những câu chuyện đẹp vẫn sống trong lòng người. Tiếng hát của o Tân Nhân bên dòng lịch sử, đi vào lịch sử, cũng là một dấu nhấn của âm nhạc Việt Nam, của tình người Quảng Trị sắt son.

Cái tình đó, mấy năm sau tôi lại được nhận. Năm 1978, tôi được huyện chọn vào lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, cùng bạn Vĩ làng tôi được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi Toán (bạn Vĩ đã mất mấy năm qua vì bạo bệnh). Hai đứa được ở trong nhà dân ở làng Xuân Hòa bên bờ Hiền Lương và học suốt cả tháng ở ngôi trường sát chân cầu phía bờ Nam. Ngôi làng nhỏ nhắn mà đầy tình người, bác chủ nhà thương chúng tôi như con. Giờ rảnh buổi chiều, chúng tôi hay rủ nhau lên cầu, có khi đi bộ ra tận thị trấn Hồ Xá rồi quay về. Đứng trên cầu nhìn bốn phía thấy quê mình đẹp quá, sông núi hữu tình, ruộng xanh vườn đẹp, đêm nằm ngủ nghe rõ tiếng sóng từ Cửa Tùng, Cửa Việt vọng về…

Hồi nhỏ, trong câu chuyện của bà nội với mấy o mấy dì, tôi thường nghe nói đi chợ phiên. Lớn lên một chút đã hiểu ra về một ngôi chợ độc đáo ở huyện Cam Lộ, họp 6 phiên một tháng vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 Âm lịch. Chợ quê nhưng sản vật dồi dào, người từ các nơi gánh về, các ghe thuyền từ sông Hiếu chuyển lên. Rồi tôi cũng được theo chân người lớn, lon ton đi bộ từ làng lên chợ, đường xa mà chân không mỏi vì vui sướng. Khi người lớn bày hàng ra bán thì tôi đi lang thang, nhìn ngắm cảnh bán mua tấp nập, rộn ràng. Đôi khi nghĩ về chợ, tôi nhớ tới những tấm áo tơi của một thời xa xưa, tấm nilon sau này và nay là chiếc áo mưa của người đi chợ trong những ngày mưa dầm. Nay chợ đã mở mỗi ngày nhưng đến phiên thì vẫn có không khí riêng và nhất là phiên chợ giáp Tết, như một bức tranh quê sinh động, nét văn hóa đặc sắc của quê nhà Quảng Trị.

Khách phương xa đến Quảng Trị, hầu như ai cũng ghé hai nghĩa trang liệt sĩ để thắp nén nhang kính viếng hương hồn liệt sĩ, đó là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn. Những người con khắp mọi miền Tổ quốc, đã anh dũng hy sinh cho đất nước hòa bình, thống nhất, đã nằm lại trên đất Quảng Trị. Như khi còn sống, vẫn là một đội hình, nghe đất trời Quảng Trị ru mãi tuổi thanh xuân. Và trên đất Quảng Trị quê tôi, đâu đâu cũng là những địa danh của quá khứ bi hùng, gắn với những chiến tích, đi vào thơ ca nhạc họa, vào tâm tưởng của bao người dân Việt. Dưới đáy sông Thạch Hãn, Khe Sanh, Thành cổ…, biết bao người nằm lại, hóa linh thiêng hồn núi sông. Tất cả trở thành những địa chỉ hào hùng, đi vào tình yêu, tâm linh con người.

Theo chân lãng du, tôi về Gio An, ra thăm các giếng cổ với dòng nước ngọt lành, thán phục tài dựng giếng của người xưa. Chỉ nguồn nước này mới có rau liệt ngon nhất nước, tôi thường tự hào nói về loại rau này ở quê hương như vậy. Dù ở Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột, bên các con suối người dân vẫn trồng rau này, nhưng quả thực, chỉ có rau liệt Gio An là số một…

Đời người là những chuyến đi và quê hương luôn là thương nhớ. Bạn phương xa về Quảng Trị, ngắm phong cảnh, ăn miếng ngon, nghe tiếng hát người Quảng Trị, uống với nhau ly rượu, chén trà mà nhớ mãi, bởi cái tình Quảng Trị chân chất, hồn hậu, cứ sâu lắng như bồi tụ hàng trăm năm mà thành. Những phong tục tốt đẹp được trao truyền, tâm tính thật thà, khoan dung được lưu giữ; đi đâu, làm gì cũng một cốt cách Quảng Trị. Hầu như người Quảng Trị không thể làm ác, làm xấu, bởi đất đã lành sau lớp lớp mồ hôi, bởi nơi đây đã hứng chịu quá nhiều mất mát đau thương, và máu của bao người con nước Việt đã đổ xuống cho đồng ruộng thêm xanh, vườn tược cây trái ngọt lành.
Thật vui mừng khi quê hương ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Ngày tôi rời xa quê, làng còn lắm mái tranh, con đường làng là đường đất. Hơn hai chục năm qua, đã là đường nhựa nối từ Đông Hà về Cửa Việt, nhà lầu, nhà ngói khang trang. Trong tờ trình quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 sân bay hiện có, đầu tư 6 sân bay mới đã được quy hoạch, trong đó có sân bay Quảng Trị. Điều đó thêm niềm tin để Quảng Trị “cất cánh”, bên cạnh những con số như thu ngân sách năm 2021 đến cuối tháng 10-2021 đã vượt 4.500 tỉ đồng; nhiều dự án đầu tư lớn được triển khai; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao…

Với diện mạo mới, phong thái mới, Quảng Trị thêm tự tin trên đường hội nhập, phát triển. Người quê tôi cùng nhau nhìn về phía trước, có những âu lo, khó khăn, nhưng đã đầy tự tin về mỗi ngày một sáng lên.

Tôi tự hào được làm con dân Quảng Trị và không ít lần chảy nước mắt khi ngồi viết những dòng về quê hương mình. Tôi vẫn nghe tiếng quê nhà thì thầm trong nỗi nhớ, trên đường tôi đi ở thành phố phương Nam phồn hoa. Trong những giấc mơ, nghe tiếng vọng quê nhà để lắng lòng, mãi thương yêu xứ sở mẹ cha.

 

Tác giả bài viết: Bùi Phan Thảo (Tác phẩm đạt giải nhì tại Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây