Quảng Trị: Thiêng lắm và thương lắm!

Thứ tư - 27/04/2022 05:27
Thương một vùng đất nào đó ngoài quê nhà của mình hẳn đều có lý do. Có thể đó là nơi chúng ta từng sống, từng gắn bó, rằng nơi ấy đã dung chứa bao la kỷ niệm, ký ức, hay đơn giản hơn, đó là quê nhà của người thương tri kỷ. Thế nhưng, trong tâm tưởng và ý niệm của nhiều người tôi đã gặp, Quảng Trị lại rất đỗi thân thương và đáng quý không bởi những lý do trên.
 
Miền hoài niệm
Bài viết khởi đầu cho cơ duyên viết văn viết báo của tôi có tựa đề “Mỗi người có một quê”, viết trong thời gian thực tập ở Báo Truyền hình Quân khu 5. Cô Vân, người hướng dẫn cho tôi đã nói rằng, “Quảng Trị, đất đó thiêng mà thương lắm. Đọc bài con viết, càng thấy thương hơn”. Lần đầu tiên, tôi nghe người khác nhắc đến quê mình, gói gọn trong một chữ thương thật nhiều xúc cảm.

Sau này, qua những bài viết khác, tôi có dịp kết nối với nhiều cô chú, anh chị em, bạn bè khắp nơi. Một bạn viết đã nhờ tôi tìm thông tin mộ của ông nội bạn. Ông bạn là liệt sĩ, hy sinh đâu đó ở Khe Sanh. Người nhà chỉ biết vậy. Bà nội của bạn bao năm qua vẫn ngóng tin về phần mộ của chồng. Mấy năm trước, khi bà còn mạnh khỏe, cả nhà đã dẫn bà vào thắp hương tại các nghĩa trang ở Quảng Trị. Bạn nói, Quảng Trị vì vậy, đối với gia đình bạn đã thành nơi thương quý mà cả nhà luôn nghĩ về. Thật ngại vì bao năm qua, tôi chẳng giúp được gì, bạn bảo gia đình cũng hết hy vọng từ lâu, riêng bà nội sớm tối vẫn đến trước bàn thờ, thủ thỉ cùng ông với niềm ngóng đợi chưa bao giờ tắt. Bà đã bốc một nắm đất ở Khe Sanh để lên bàn thờ, xem như một phần của ông đã về cùng bà. Quảng Trị trở thành nơi thân thương theo cách như thế đối với những người vợ người mẹ có chồng, có con vĩnh viễn nằm lại nơi này. Với họ, từng nắm đất, ngọn cỏ hay dòng nước ở đây đã hòa trộn máu xương của người thân, nên chi Quảng Trị dù lạ xa lại hóa gần gũi, ruột rà. 

Tôi nhớ trong một lần ra Bắc, bác ngồi cạnh ghế đá bên Hồ Gươm nghe giọng tôi nên hào hứng hỏi con ở Quảng Trị ra hả. Tôi dạ. Bác giới thiệu mình là cựu chiến binh chiến đấu ở Thành Cổ. Vẻ hồ hởi của bác làm tôi xúc động. Bác nói nếu có điều kiện thì nhất định sẽ vào thăm Quảng Trị, nhìn lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho đồng đội. Ngày đó, tụi bác trở về vẹn nguyên là may mắn hơn biết bao đồng đội khác. Giây phút ấy, tôi hiểu Quảng Trị đã ôm trọn thương nhớ và hoài niệm của mỗi người lính đã chiến đấu ở mảnh đất cam go khốc liệt này.

Miền linh thiêng
Năm tôi học lớp mười một tại trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị, một buổi trưa, cả thị xã xôn xao bởi thông tin tìm thấy hầm hài cốt liệt sĩ ngay trong lòng thị xã. Có vong hồn liệt sĩ nhập vào một dì gần đó, chỉ tường tận nơi chôn cất những người còn lại. Hay trong một buổi lễ cầu siêu ở Thành Cổ, vong người lính nhập vào thân nhân rồi khóc cười, kể chuyện chiến đấu ngày xưa cùng đồng đội. Thực ra, những câu chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ qua giấc mơ, qua linh tính đâu lạ lùng gì ở quê tôi.

Ai từng lên Nghĩa trang Trường Sơn, có thể đã được nghe kể chuyện đêm đêm có tiếng các anh bộ đội hát hò, chuyện trò. Hay chuyện liệt sĩ báo mộng với nhân viên quản trang, rằng ngày mai có người nhà vào thăm, phiền họ dẫn người nhà đến mộ, tại ở đây mênh mông quá, các anh sợ người nhà tìm không thấy. Nếu đi hết hơn bảy mươi nghĩa trang khác tại Quảng Trị, có lẽ những chuyện như thế còn nhiều, ly kỳ và không kém phần xúc động. Đó là những câu chuyện có thật, chẳng ai dám bịa điều bất tín về sự linh thiêng của các liệt sĩ.

Tôi nghĩ rằng mỗi người Quảng Trị, xét về tâm linh đều tin vào sự tồn tại của các anh linh bộ đội. Chúng tôi tin không phải bởi mê tín mơ hồ mà tin vì sự bất tử và thiêng liêng của vô vàn hy sinh cao cả ấy. Cuộc sống này, đôi khi vẫn có nhiều điều vượt ra khỏi giải thích của tư duy lý trí và khoa học. Tôi tin họ vẫn ở đó, có điều thế giới của họ khác với chúng ta, bằng những giác quan bình thường, chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận bằng trái tim biết ơn và kính trọng vô vàn. Các anh các chú ngã xuống, họ đã hy sinh xương máu mình nên chẳng thiết tha mâm cao cỗ đầy hay danh xưng danh hiệu, cái cần là sự thật tâm trân trọng và luôn ghi nhớ.

Mỗi khi Quảng Trị trước cơn nguy biến như đối mặt với thiên tai hay dịch giã, những người lớn tuổi như ba mạ tôi thường tâm niệm, Quảng Trị có nhiều liệt sĩ che chắn phù hộ nên ắt sẽ bình an. Đó không chỉ là mong ước mà còn là niềm tin, hy vọng vững vàng.

Niềm tri ân
Tôi thuộc thế hệ 8x, luôn cảm thấy thật may mắn khi sinh ra đã chạm tay vào hòa bình. Không qua cảnh đói khát, không biết cảnh chân trần chạy giặc, không chứng kiến bom rơi đạn lạc. Nên chi, dù xem bao nhiêu phim ảnh, tài liệu cũng chẳng dễ gì hình dung hay mô tả được những điều đã xảy ra trong quá khứ. Cảm xúc với quê nhà bao giờ cũng vậy, trong tôi, ngoài yêu thương, tự hào còn có cả sự biết ơn, biết ơn vô cùng.

Giữa vô thường của cuộc đời, lãng quên sẽ như một điều tất yếu. Thế nhưng, lãng quên lịch sử là điều không thể chấp nhận. Người đi trước không cần chúng ta phải chăm chăm nhớ về các con số hay hình ảnh biểu thị những chiến công, chỉ cần chúng ta đừng quên những gì họ đã đánh đổi để có ngày hôm nay. Nhớ để gìn giữ và trân trọng, nhớ để không hoang phí mỗi phút giây được sống trong hòa bình an ổn.

Tôi mạnh dạn nghĩ rằng, giá các bạn trẻ có thể nghĩ về Quảng Trị như một điểm đến để tìm thấy động lực của đời mình, hay lúc nào đó thấy tẻ nhạt, bất định và muốn buông xuôi, hãy thử đặt chân đến Quảng Trị. Tôi tin rằng hành trình này sẽ khơi dậy lòng yêu nước, lòng yêu cuộc sống, biết ơn hôm qua và hôm nay. Mỗi một địa danh trên mảnh đất này đều có câu chuyện riêng chung và khắc sâu hơn cả là bài học tri ân quý giá. Là cầu Hiền Lương chưa tới hai trăm mét nhưng cả dân tộc đã đi ròng rã hai mươi mốt năm. Đất nước chia cắt, tỉnh nhà chia cắt, làng xóm, gia đình phân ly ở hai bên bờ Bến Hải, biết bao câu chuyện đoàn tụ còn khắc khoải bởi đất cách sông ngăn ngày đó. Là Cồn Tiên – Dốc Miếu, những ám ảnh về hàng rào điện tử McNamara. Là địa đạo Vịnh Mốc và nghị lực kiên cường của quân dân Vĩnh Linh. Là sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo và chiến trường Khe Sanh khói lửa năm xưa, giờ sừng sững tượng đài chiến thắng…Tất thảy là minh chứng, là biểu tượng cho ý chí kiên cường của thế hệ cha anh trong những năm tháng không thể nào quên của đất nước.

Hãy đặt chân đến Quảng Trị một lần để thấy sự vĩ đại và bao huyền thoại có mô tả qua lời ca, tiếng hát hay hình ảnh tư liệu cũng không bằng cảm xúc trong phút giây bạn lắng lòng suy nghiệm. Chỉ mong không ai lãng quên quá khứ khi bao minh chứng về lịch sử còn lưu dấu ở Quảng Trị này, bao hàm những gì hữu hình và vô hình, những gì nhìn bằng mắt hay cảm thấu bằng trái tim. Quảng Trị quê tôi, thiêng lắm và thương lắm!

 

Tác giả bài viết: Diệu Ái (Tác phẩm đạt giải nhì tại Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây