"Tà Rụt city" - Tên gọi thân thương nơi núi rừng

Thứ hai - 24/01/2022 22:26
Cũng đã tròn 22 năm (1999-2021) kể từ ngày gia đình chúng tôi quyết định rời xa quê hương (Nam Định) để đến với mảnh đất Quảng Trị đầy nắng, gió với bao hoài bão và mong muốn một cuộc sống mới. Đây cũng là quê hương thứ 2 của chúng tôi.
Xã Tà Rụt (Ảnh: Phan Hoài An)

Khoảng 3h sáng một ngày mùa đông năm 1999, bố mẹ gọi chị em tôi dậy. Tay xách va li, vai đeo ba lô và lẽo đẽo theo sau là 3 đứa con nhỏ, chị em tôi chào tạm biệt quê hương và bắt đầu hành trình lập nghiệp. Ấn tượng đầu tiên của tôi là đi qua cầu treo Đakrông. Hồi ấy, cây cầu treo đã bị trận lũ lịch sử năm 1999 cuốn trôi, muốn qua được cầu để vào đường 14 chỉ còn một cách là đi đò. Trải qua bao gian nan chúng tôi cũng đến được nơi mình mong muốn – “Tà Rụt City” – cái tên gọi rất thân thương với những con người sống nơi đây.

Ngày đầu tiên đặt chân trên quê hương thứ hai với bao lạ lẫm, pha chút buồn lẫn nỗi nhớ quê hương, nhớ ông bà và các bác, các chú…Nhưng cuộc sống rồi sẽ dần quen. Đêm đầu tiên, khi màn đêm buông xuống, tiếng chim kêu, vượn hú, thỉnh thoảng một cơn gió rít qua ô cửa sổ che bằng lá làm chị em tôi nổi da gà. Con bé út thì khóc ré lên, bắt mẹ bật điện. Nhưng vào thời điểm này, ở đây chưa có điện, nhà tôi phải thắp bằng đèn dầu. Cố gắng nhắm mắt, rồi cũng qua được một đêm. Buổi sáng, ở đây thật yên bình, không ồn ào, náo nhiệt, không phố xá tấp nập, không tiếng còi xe ầm ĩ mà thay vào đó là một bầu trời trong xanh, không khí thì trong lành, những giọt sương long lanh còn đọng trên những ngọn cỏ xanh biếc làm cho chúng tôi sảng khoái vô cùng. Chúng tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống nơi đây. Chị cả dẫn theo tôi và con bé út đi vào trong bản chơi với lũ trẻ. Nhìn thấy chúng tôi, bọn trẻ đứng yên, mắt tròn xoe, thì thầm với nhau: “Lau bờ” (Họ là ai vậy?), “O mo nô mày” (Bạn tên là gì?), “Tu mo mày pộ” (Bạn đang đi đâu vậy?). Sau một hồi khua tay, múa chân chúng tôi cũng làm quen được với các bạn ấy. Thế là các trò chơi dân gian được các ấy truyền lại rất bài bản: Nhảy dây, bắn bi, đi cà kheo, … thi thoảng chúng tôi còn được các bạn ấy hát cho nghe bằng tiếng Pa Kô nữa. Mặc dù không hiểu nhưng làn điệu rất du dương, ấm áp. Kể từ đó, chúng tôi tập nói tiếng Pa Kô và tìm hiểu về phong tục tập quán nơi đây. Cứ buổi tối, chúng tôi lại tập trung trước sân nhà cộng đồng thôn nghe già làng “A Ăm Linh” kể chuyện ngày xưa. Thời bấy giờ còn nghèo khổ, nhưng mọi người sống ở đây rất tình cảm, một lòng trung thành với bộ đội Cụ Hồ. Lợi dụng địa bàn là một thôn bản miền núi, giặc đã nhiều lần tuyên truyền, dụ dỗ, kích động nhằm lôi kéo nhân dân ta về phía địch. Nhưng bằng sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ mà bản làng cương quyết chống lại giặc ngoại xâm. Già làng nói “Giặc bảo tôi ngu nhưng tôi không ngu”. Những câu chuyện cứ thế cuốn hút chúng tôi vào đến nỗi bố mẹ gọi về ngủ mà không đứa nào chịu về. Một lễ hội truyền thống mà lần đầu tiên tôi được tham gia vào năm 2000 là lễ hội Ariêu Ping hay còn gọi là lễ cải táng. Đây là lễ hội mang nét văn hóa tâm linh lớn nhất của đồng bào Pa Kô, nhằm tỏ lòng tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với người đã khuất. Hình thức tổ chức lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc. Từ 10 đến 15 năm lễ hội mới được tổ chức một lần và thời gian kéo dài trong ba ngày. Chúng tôi may mắn sống chung với bản làng nên được tham dự lễ hội. Trong buỗi lễ, sẽ diễn ra các sự kiện như đâm trâu, uống rượu cần, ca múa hát các bài truyền thống, trang phục cũng đậm chất văn hóa nơi đây, nữ mặc váy, nam mặc khố,… Dần dần tình cảm của chúng tôi gắn kết với nơi này từ lúc nào không biết. Cứ đi học về là “Chị Biết ơi! Trinh ơi!”, rồi rủ nhau ra bờ suối bắt cá. Ngồi ở phiến đá bên dòng suối chúng tôi trò chuyện rôm rả và cùng nhau hát vang những ca khúc truyền thống “A Dạ ơi A Dạ” (Bà ơi bà), “A i ru A Kay” (Mẹ ru con). Rồi năm tháng trôi qua, chúng tôi đi học đại học nhưng trong tâm trí luôn hướng về nơi đây, mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học sẽ về cùng nhau xây dựng quê hương đổi mới. Bây giờ, Chị Biết ấy đã là một Bác sĩ làm việc tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tà Rụt, còn tôi và Trinh đã là những cô giáo cắm bản được gần 10 năm rồi. Có thể đây là thứ tình cảm thiêng liêng với quê hương thứ hai của mình.

“Tà Rụt City” – giờ đây đã đổi mới, những ngôi nhà cao tầng được mọc lên, điện đã phủ sáng khắp bản làng, trường học, bệnh viện được xây dựng kiên cố. Nhưng có một điều không thể thay đổi là tình cảm của con người nơi đây rất mặn nồng, họ thật thà và luôn thương yêu mọi người cho dù bạn có là ai, ở đâu đến đi chăng nữa thì tình cảm vẫn rất thiêng liêng. Tà Rụt là nơi đáng sống bởi cảnh đẹp và con người rất thân thiện.

Tác giả bài viết: Trần Thị Thêu (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây