Khu di tích Thành cổ Quảng Trị hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm viếng tri ân các Anh hùng liệt sỹ (Ảnh: Hà Anh)
Tôi đến Thành cổ Quảng Trị, nơi lần nào đi qua cũng phải dừng lại, hoà cùng đất trời để cảm nhận biển cảm xúc bâng khuâng. Các ông, các bác nằm lại không nhớ mặt, biết tên, chỉ còn chiến công lẫy lừng và những câu chuyện đọng thành lịch sử. Trước mắt tôi, bức tường đứng đó sừng sững như chứng nhân của thời gian. Bức tường không thể nói, không trò chuyện, những thế hệ sau vẫn có thể mường tượng ra một chút quá khứ quay chậm trong tâm trí như một thước phim. Tưởng tượng của người trẻ, dẫu có phong phú đến đâu cũng không thể lột tả hết bao sinh mạng anh hùng, bao chiến công của dũng sĩ Việt Nam.
Giữa mùa hè đỏ lửa, đoàn người vẫn thành kính cúi đầu, cầu chúc cho các anh được hưởng phúc. Hè năm nay được cho là có sức nóng cao nhất trong vài chục năm qua. Con người hiện đại không chịu nổi cái nóng ấy. Thế nhưng 81 ngày đêm hè 1972, nơi đây hứng chịu 80 vạn tấn bom. Thời nay, khi nghe nói đến số bom đạn khổng lồ ấy, chúng ta cũng chỉ nghĩ rằng nó rất kinh khủng, chứ không thể tưởng tượng được sự tàn khốc của chiến tranh. Quá khứ đi qua rồi đến hiện tại. Đứng đây là những con người của quá khứ. Chỉ vài người trong số đó còn sống, còn tồn tại trên cõi đời để truyền lại thứ cảm xúc bi tráng cho tương lai.
Nước mắt vẫn rơi từng giọt nóng hổi xuống mảnh đất nắng cháy từng phủ đầy đạn bom. Nắng chiều Quảng Trị bỗng lung linh đến lạ lùng. Trong những đôi mắt già hôm đó, tôi thấy tâm hồn trải dài qua năm tháng. Họ từng chiến đấu ở nơi đây, từng cận kề lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Từ đống tro tàn, các thế hệ ngày nay ra công xây đắp, biến chứng tích bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành điểm tham quan nổi tiếng. Cháu con ngắm nhìn những hình hài không còn hiện hữu. Hình hài chỉ ở trong trí nhớ, trong tưởng tượng của các bạn trẻ sinh năm 9x, thậm chí sau năm hai ngàn. Quá khứ xa vời mà thân thương quá. Bao nhiêu năm xương máu rải đầy nơi đây, đổi lấy sự tự do và bình yên cho con cháu. Chúng ta đứng đây, ngồi đây, ăn cơm, uống nước trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Không gì đáng giá bằng sự tự do ấy.
Thành cổ Quảng Trị - Chứng nhân cho một trang sử hào hùng của dân tộc (Ảnh: Hà Anh)
Chúng tôi đi dạo từng bước bên sông Thạch Hãn và tiếp tục nghĩ về ngày xưa. Đúng là sự ác liệt của chiến tranh không thể miêu tả chính xác được, dù được những bộ óc ngày nay tưởng tượng phong phú nhất, bi thương nhất. Nhưng có điều, thế hệ trẻ ngày nay chưa trải qua cảm giác đau đớn, chưa trải qua mất mát quá đỗi đau thương. Nhưng họ có khát vọng, có quyết tâm nối tiếp truyền thống cha ông. Thế hệ trước đã chiến đấu, thế hệ này dựng xây Tổ quốc, cũng là cách báo đáp tuyệt vời nhất.
Thắp lên nén hương trầm, tan trong dòng khói lơ đãng bay theo gió, hẳn hương hồn cha anh cũng mỉm cười mãn nguyện. Đất nước độc lập, thống nhất, rồi ngày nay phát triển lớn mạnh, sánh vai với bạn bè năm châu. Và đời sống người dân cũng dần dần nâng lên sau khi đã đủ ăn, đủ mặc. Chứng tích lịch sử giờ đây vẫn sừng sững hiện ra trước mắt. Nhớ thương, thương nhớ rồi cũng phải nhường chỗ cho cuộc sống bộn bề vất cả. Nhưng cảm xúc khi đứng trước chứng tích lịch sử vẫn còn đọng lại mãi trong tâm hồn những con người từng ghé qua đây.