Khu di tích Lịch sử Quốc gia thành Tân Sở (Ảnh: Nguyễn Văn Hiếu)
Đầu tiên, bạn hãy đến khu di tích Lịch sử Quốc gia thành Tân Sở. Thành Tân Sở, còn gọi là căn cứ sơn phòng Tân Sở thuộc làng Mai Đàn, Cam Chính, Cam Lộ, Quảng Trị được Bộ Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Lịch sử Quốc gia năm 1995. Thành Tân Sở lúc mới xây dựng hình chữ nhật, có 2 vòng thành nội và ngoại. Thành ngoại có chiều dài 548 m, rộng 418 m, có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu. Thành nội cũng hình chữ nhật, 4 cửa, dài 165m, rộng 100 m. Mặt chính thành quay về hướng Nam, xung quanh có nhiều lũy tre dày đặc bảo vệ. Thành được xây dựng trong 2 năm 1883-1884, gồm hàng ngàn binh lính, dân thường và một số tù nhân ngày đêm miệt mài xây dựng. Thành Tân Sở lúc bấy giờ là một căn cứ quân sự nổi tiếng của triều đình nhà Nguyễn.
Cách đây 136 năm, vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, tại Tân Sở, vua Hàm Nghi đã ban Chiếu Cần vương, kêu gọi Văn thân, sĩ phu và nhân dân đứng lên phò vua kháng chiến. Phong trào Cần Vương có tầm ảnh hưởng lớn đã lan rộng khắp nước, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra hưởng ứng phong trào Cần vương. Tân Sở lúc đó được gọi là “Kinh đô kháng chiến” của cả nước.
Trải qua sự tàn phá khốc liệt của các cuộc chiến tranh và sự nghiệt ngã của thời gian, thành Tân sở ngày nay chỉ còn là phế tích. Hiện nay, thành Tân Sở đã và đang được Nhà nước đầu tư xây dựng trên nền cũ thành Tân Sở ngày xưa một quần thể gồm nhiều hạng mục: Đền thờ vua Hàm Nghi, Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kì Vĩ Quận Công Nguyễn Văn Tường, các Tướng sĩ triều đình phò vua kháng chiến, các thủ lĩnh nghĩa binh phong trào Cần vương… Tân Sở hôm nay là một điểm du lịch tâm linh đặc biệt, là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ hướng về nguồn cội.
Đến đây, bạn sẽ được thắp hương tưởng niệm vong linh Hoàng đế Hàm Nghi và các nghĩa sĩ đã quên mình vì Tổ Quốc, được hoài niệm, được quay về quá khứ bi hùng của ông cha qua những câu chuyện hấp dẫn, được tận mắt ngắm nhìn những hiện vật gốc của thành Tân Sở, kinh đô kháng chiến một thời vang bóng như gạch ngói, vôi vữa, đạn súng thần công… Đặc biệt là cầu nguyện cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, an lành may mắn… Xung quanh đền thờ là những vườn cao su xanh tốt, tha hồ cho bạn chụp hình, sống ảo, nhất là cho các em học sinh tham quan, dã ngoại.
Tiếp theo, bạn sẽ đi về Mai Lộc 1, Cam Chính chiêm ngưỡng những giếng cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi, được người xưa xây dựng bằng những phiến đá tổ ong đẽo vát công phu, ghép lại với nhau chính xác từng cm. Đặc biệt trong đó có giếng Cây Thị được tiền nhân xây dựng hoàn hảo có 2 đáy. (Giếng 2 đáy là có thật chứ không phải hình ảnh tưởng tượng như động không đáy trong Tây du ký đâu nhé) Nước giếng quanh năm trong vắt, mát lành, ngày đêm tuôn chảy không bao giờ cạn. Nguồn nước Cùa cùng với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng đã tạo nên những đặc sản xứ Cùa nổi tiếng mà không nơi nào có được.
Tạm biệt những ngôi giếng cổ, bạn về Mai Trung (Cam Chính) ngắm nhìn nhũng cây chè cổ thụ tồn tại qua 3 thế kỷ. Thân cây mốc thếch, già quánh, cành lá xanh um, tươi tốt. Đến đây, bạn sẽ được gặp cụ bà Nguyễn Thị Tiến đã gần 90 tuổi. Cụ kể rằng những cây chè này là do chính tay ông nội cụ trồng thời còn trai trẻ… Thưởng thức một bát nước chè xanh nóng hổi, vàng sánh như mật ong thì còn gì thú vị bằng.
Đến với Cùa, thật thiếu sót nếu ta không đề cập đến vấn đề ẩm thực. Vùng Cùa có rất nhiều món ngon để bạn mặc sức thưởng thức: thịt rừng, dê núi, cá suối… Đặc biệt là gà Cùa nổi tiếng, gà tiến vua ngày xưa, ngày nay trở thành một thương hiệu rất nổi tiếng. Đây là giống gà nhỏ, con trưởng thành chỉ nặng từ 1,2 – 1,8 kg. Gà Cùa được nuôi thả tự nhiên “ngày ăn mối, tối ngủ cây” nên thịt săn chắc, thơm ngon tuyệt vời. Chắc rằng ăn cơm với thịt gà Cùa, rắc thêm ít bột tiêu Cùa, dù bạn kén ăn đến đâu, một bữa cũng lùa được vài bát! Đến với Cùa, ngoài sự tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa, tinh thần, bạn có thể thưởng thức thoải mái đặc sản nức tiếng như: tiêu Cùa, nghệ Cùa, gừng Cùa, chè Cùa, gà Cùa...
Nếu về mùa hè, trời nắng nóng, bạn sẽ có một cuộc picnic thú vị vào rào (suối) Vịnh. Nước suối trong veo, mát lạnh, có thể thấy rõ từng viên cuội nhỏ li ti dưới đáy vực sâu 2, 3 mét. Được bơi lội thỏa thích, dầm mình trong làn nước mát lành, bạn sẽ thấy khỏe khoắn, sảng khoái, mọi mệt mỏi, nhọc nhằn sẽ tan biến hết. Lên bờ, dưới bóng râm của những tán cây cao ngất ngưỡng, chúng ta sẽ thưởng thức món thịt nướng, gà nướng, cá suối nướng nóng hổi, mỡ rơi xèo xèo trên bếp than hồng… Thiên nhiên hoang dã nơi đây sẽ cho bạn cảm giác yên bình, tạm quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Tha hồ cảnh đẹp: núi cao, thác nước, hoa rừng với những đồi sim tím đỏ trải dài vô tận sẽ là nơi lí tưởng cho bạn chụp hình kỷ niệm.
Khi di chuyển trong các khu dân cư Chính - Nghĩa, bạn sẽ được ngắm nhìn những đường hoa tuyệt đẹp, đủ mọi màu sắc, được cắt tỉa tỉ mỉ, công phu của các làng quê: Mai Lộc 2, Mai Đàn, Đoàn Kết, Minh Chính, Đốc Kỉnh, Mai Lộc 1, (Cam Chính), Cu Hoan, Định Sơn, Nghĩa Phong, Phương An (Cam Nghĩa). Xin nói thêm, trong quá trình thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Cam Chính là xã đầu tiên của huyện Cam Lộ và là một trong ba xã đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Cam Lộ là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và cũng là 3 tỉnh Bình- Trị - Thiên đạt chuẩn Nông thôn mới.
Người dân vùng Cùa thân thiện hiếu khách với nụ cười thường trực trên môi, cuộc sống vẫn còn nặng với yếu tố truyền thống như cây đa, giếng nước, mái đình… Làng, họ rất được coi trọng và chi phối đời sống tinh thần của người dân. Khi dòng chảy kinh tế thị trường, công nghiệp hóa ồ ạt, len lỏi đến từng ngõ ngách thì người dân vùng Cùa mặc dù đã vươn mình trỗi dậy nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng của mình như lối sống mộc mạc hiếm thấy. Những câu ca bình dị vẫn còn đây:
“Thượng Đô giáp giái Cu Hoan
Đình Lập, làng Điếu lo toan phận nghèo
Thảm thương Quật Xá cheo leo,
Ở gần chin động beo hay mò về” (Xin lỗi, đó là chuyện ngày xưa thôi nhé)
Hay:
“Nhà rường cối đá Phương Yên
Trự tiền hột gạo nối liền Bảng Sơn
Mai Lộc bán cá đọt cơn
Cá rô cá diếc diều hơn Mai Đàn”
Hoặc:
Mai Đàn dân ít thịt diều (nhiều)
Mai Lộc đứng bóng xế chiều chưa được ăn”
Một số du khách khi đến với Cùa đã có những ấn tượng tốt đẹp và họ khẳng định rằng: Cùa là làng quê của những nụ cười, là miền gái đẹp, là nơi trời cho những sản vật quý hiếm, là một miền quê đáng sống thật sự.
Cổ nhân từng dạy: “Trăm nghe không bằng một thấy…” Vậy bạn còn chần chừ gì nữa, hãy xách ba lô và lên đường ngay. Xứ Cùa tươi đẹp, thân thiện và bình yên đang dang tay chào đón các bạn.