(Ảnh: IPA Quảng Trị)
Lúc đó, tôi là một cậu sinh viên trẻ mới ra trường, rời thành phố Sài Gòn tấp nập trở về quê nhà mưu sinh. Sau lưng tôi là cô em gái kém tôi 10 tuổi, chắc hẳn đây là chuyến “phượt” đầu tiên xa nhất của nó với anh trai mình. Đang còn ngái ngủ vì sáng nay phải dậy sớm, kèm theo đó là thời tiết giao mùa thực sự không mấy dễ chịu, thì chúng tôi bừng tỉnh vì phía trước hiện ra một khung cảnh vừa lạ, vừa đẹp tại quê hương Quảng Trị mà trước giờ chúng tôi chưa từng được đặt chân đến; khiến tay lái của tôi phải dừng lại và rẽ sang để khám phá. Trước mặt chúng tôi là cây cầu hai màu cũ kĩ bắc qua một dòng sông yên ả phút chốc gợn sóng bởi chiếc lá vàng cuối đông rơi rụng. Lục lại tất cả trí nhớ và kiến thức đã được học và nghe đến, tôi bất giác tự hào như phát hiện ra một điều gì to tát lắm rồi dõng dạc thốt lên “Đây là cầu Hiền Lương – vĩ tuyến 17 đó”. Cô em gái bé bỏng của tôi không biết lúc đó đã được biết đến kiến thức đó chưa nhưng có vẻ nó không quan tâm lắm, nó chạy ù lại gần cây cầu và nói “Đẹp quá anh, chụp hình cho em đi!”. Tôi dò nhìn xung quanh không thấy một bóng người nào cả, lòng tự hỏi mình có được phép đến cây cầu đó không, mình phải xin phép ai bây giờ? Bởi lẽ không khí ở đây thực sự trang nghiêm khiến tôi có cảm giác thiêng liêng khó tả. Nhìn xung quanh một hồi không có ai, tôi mạnh dạn bước đến cây cầu và chụp hình cùng cô em gái.
(Ảnh: Võ Đình Chiêu)
Đặt những bước chân đầu tiên lên nhịp cầu, tôi mơ hồ nhớ đến những câu hát tôi đã từng nghe đâu đó mà buột miệng cất lên “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê”. Cho đến khi bước đến giữa cầu, tôi cảm thấy như đặt mình vào những năm tháng lịch sử hào hùng được nhắc đến sách vở, cảm giác hãnh diện vì nghĩ rằng rất nhiều bạn đồng trang lứa chưa từng được đặt chân đến nơi này, chúng nó chỉ được học trong sách vở như tôi ngày trước mà thôi. Đứng giữa cầu, ngay vạch sơn màu trắng mà mãi sau này tôi mới biết đó chính là lằn ranh chia đôi đất nước, bây giờ chỉ mất một bước chân có thể bước qua nhưng cả dân tộc phải mất gần một phần tư thế kỷ để làm được điều đó. Tôi dang đôi cánh tay ra và hít một hơi thật sâu như muốn ôm trọn những năm tháng lịch sử hào hùng, như muốn dòng sông ngã vào lòng mình mà nức nở, kể những câu chuyện mà nó đã chứng kiến và trải qua, đầy thương đau nhưng cũng lắm oai hùng. “Cầu bắc qua sông” vốn dĩ được biết đến là một công trình kết nối hai bờ, ấy vậy mà thời đó, cây cầu này lại mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại, là nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc, chia cắt tình thân ruột thịt và chia cắt cả những lời hẹn thề đôi lứa.
Thắm thoắt vậy mà đã hơn Bảy năm trôi qua kể từ lần đầu đặt chân đến, con đường đó, cây cầu đó chẳng còn là con đường xa lạ đối với một chàng trai làm nghề thị trường tại quê nhà như tôi tôi nữa. Tôi vẫn mưu sinh với cuộc sống thường nhật, nhưng mỗi lần ghé ngang di tích lịch sử Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải, lòng tôi như lắng lại, ánh mắt không ngừng hướng về cây cầu đã được sơn mới hơn nhưng vẫn tái hiện đúng 2 màu xanh-vàng của lịch sử ngày đó rồi bất giác cất lên những giai điệu quen thuộc của “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Cầu Hiền Lương - không phải là cây cầu kiên cố nhất nhưng đã gồng gánh biết bao bom đạn, không phải là cây cầu dài nhất nhưng nó trải dài những năm tháng lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, không phải là cây cầu nguy nga nhất nhưng vẫn tấp nập du khách trong và ngoài nước mỗi dịp kỉ niệm ngày giải phóng hàng năm.
“Hò ơ
Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Nhắn ai luôn giữ câu nguyền
Qua cơn bão tố vững bền lòng son”
“Hò ơ
Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn
Dễ gì chặn được duyên anh với nàng.
Xé mây cho sáng trăng vàng
Khai sông nối bến cho nàng về anh”
Cầu Hiền Lương vẫn kiên trì nằm đó dù biết bao đổi thay, dòng sông Bến Hải vẫn nhẫn nại trôi đi từ những năm tháng hào hùng ấy cho đến tận bây giờ, nhưng “Câu hò bên Bến Hiền Lương” nay đâu? Tôi chẳng hề nghe, chẳng hề biết câu hò ấy như thế nào mà được ca tụng đến thế? Đã không ít lần tôi dừng chân ghé hỏi những cô bán nước quanh đó để tìm câu trả lời, nhưng họ đều mải mê với vòng quay của cơm áo gạo tiền nên cũng chẳng kịp đọng lòng nghĩ đến. Điệu hò ngày ấy không còn nữa phải chăng bởi con đò đã nương mình neo đậu bên bến bờ như bị bỏ quên về phía thương nhớ cũ, đâu còn “xa xa đoàn thuyền nan, buồm căng theo gió xuôi dòng” nữa, chỉ còn một con đò lẻ bóng bám víu bên bờ cỏ xanh rì, mặc cho “dòng sông lịch sử” cứ trôi đi vô định. Câu hò phải chăng cũng im bặt từ ngày ấy? “Ký ức”, “kỉ niệm” rõ ràng là những thứ phải tồn tại và xảy ra trong quá khứ, thi thoảng khiến chúng ta hoài niệm, thương nhớ; ấy vậy mà câu hò ngày đó tôi chưa từng được nghe vẫn cứ mơ hồ chất chứa trong tâm tưởng và cảm xúc tôi mỗi lần ngang qua những cung đường lịch sử đó, rồi cảm thấy xót thương như một điều gì trân quý đang dần bị bỏ quên.
Đại dịch Covid vẫn hoành hành, khu di tích lịch sử vốn đượm buồn nay càng buồn hơn vì không có du khách đặt chân đến, những quán xá xung quanh vốn đã thưa người nay còn đóng sập lại, mặc cho những hàng xoan cuối đông oằn mình trơ trọi lá. Mỗi lần ngang qua đây tôi cảm giác như khu di tích muốn tách biệt với tất cả sự xô bồ ngoài kia, chẳng biết cơ quan ban ngành muốn dành riêng cho cụm di tích một không gian riêng biệt, một khoảng lặng đến trang nghiêm hay chính nơi này vốn dĩ đã như thế? Dẫu vì bất kỳ lý do gì đi nữa, tôi luôn có cảm giác xuyến xao khi đến nơi này; và giữa tất thảy bộn bề cuộc sống ngoài kia, có một chàng trai trẻ vẫn mãi đi tìm câu hò ngày ấy để rồi chạnh lòng “thương quá… một câu hò!”.