Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Có thể khái quát, du lịch cộng đồng là một mô hình mà trong đó tập thể dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển ngành nghề để tạo ra. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương mình. Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một tập thể dân cư cùng tham gia. Hoạt động này bắt đầu là tự phát ở những nơi có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, địa hình hấp dẫn du lịch mà dân cư tại chỗ cùng khai thác, cùng phục vụ theo nhu cầu của du khách.
Ở Quảng Trị, bản Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông đã từng là khu du lịch thí điểm của huyện, được đi vào hoạt động cách đây chừng 4 năm, huyện Đakrông quyết tâm xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở tỉnh nhà. Thiên nhiên đã ưu ái dành cho Klu những món quà quý giá: Dãy núi Klu sừng sững ẩn hiện giữa mây trời, dòng sông Đakrông đậm chất sử thi và suối nước nóng có tác dụng tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh tật cho con người... bên cạnh việc không chỉ có thiên nhiên kì vĩ, thì Klu còn sở hữu một không gian thuần dân tộc đậm chất truyền thống, các nghệ nhân sẵn sàng giới thiệu những ngành nghề thủ công ở địa phương mình; dãy nhà sàn chuẩn bị để đón tiếp du khách đến đây nghỉ ngơi thư giản, được tận mắt xem các điệu múa, nghe những làn điệu dân ca của đồng bào Vân Kiều, thưởng thức đắm say với men rượu cần và nếm thử các món ăn truyền thống của đồng bào bản địa.
Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Trong thời gian gần đây, lãnh đạo huyện Đakrông đã tổ chức đoàn công tác khảo sát khu vực tiềm năng phát triển các điểm du lịch trên địa bàn xã Tà Long. Đoàn đã đến khu vực suối Tà Lao, địa điểm đã được nhiều người đến nghỉ ngơi, thư giãn trong những năm qua; đồng thời đến thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và khảo sát 2 hang động nằm trong khu vực này. Suối Tà Lao đã bước đầu tổ chức được tour du lịch với giá 199.000đ/người, những hoạt động trải nghiệm của chuyến hành trình là do các hội viên Hội phụ nữ xã đảm nhận. Khu vực này cách UBND xã Tà Long chừng 5 cây số về phía Đông. Con suối khá đẹp, có chiều dài gần 3 km, đến đây du khách sẽ được tắm mát, bắt cá bằng dụng cụ truyền thống của dân bản và chế biến món ăn ngay tại suối, ngoài ra còn được mặc những bộ đồng phục để hoá thân thành các cô gái, chàng trai Vân Kiều và ghi lại hình ảnh lưu niệm.
Cách đó không xa, nếu đi ngược lên phía Tây chừng 7km, chúng ta sẽ được chứng kiến một con suối khác cũng có vẻ đẹp không thua kém, đó là suối Pacha. Gần đây được sự khuyến khích và động viên của huyện, vào đầu mùa hè năm 2021, một số bà con ở Bản Pahy, xã Tà Long đã xin ý kiến của UBND xã để bắt đầu tự mở đường, phát những tán cây ven suối, xây dựng các lán trại, kết bè tre đi suối và làm vệ sinh quanh khu vực để đón du khách. Thác Pacha tuy không cao như thác Tà Puồng, thác Chênh Vênh, thác Khe Xây ở Hướng Hóa hoặc thác Ba Vòi ở xã Hướng Hiệp, Đakrông mà địa hình chỉ giống như Khe Gió của Tân Lâm, Cam Lộ. Có lối vào rất hoang dã của núi rừng, men theo bờ suối để đi bộ trên những tảng đá không bị rêu phong bao phủ nên không bị trơn trượt, nước suối trong và mát lạnh, có không gian rộng để bơi lội cùng lúc nhiều người, có bãi cát dành cho du khách tự nấu nướng thức ăn tại chỗ, đặc biệt cá suối rất nhiều, du khách có thể mang theo hoặc được mượn vợt, lưới để trải nghiệm việc đánh bắt cá.
Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Đây là hình thức du lịch cộng đồng với quy mô nhỏ mới được khai thác nên cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, đường sá chưa được mở mang rộng rãi như ở các bản làng khác; vì vậy các phương tiện giao thông lớn chưa đi sâu được vào các vùng nương rẫy, sông suối. Hiện nay du khách đi xe máy hoặc ô tô thì từ Cầu treo Đakrông hướng vào huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế trên quốc lộ 14A, đến km 22 là địa bàn xã Tà Long tọa lạc ngay trên trục đường. Từ đó đi lên phía Tây khoảng 1,5km, có sẵn bãi đỗ xe rồi đi bộ vào thác, tại đây có hướng dẫn viên người bản địa đưa đón khách tận tình, chu đáo và cởi mở.
Trên đường đi, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn bên những ruộng lúa nước của đồng bào dân tộc miền núi; các rặng tre và cây cổ thụ dẫn vào bản ở hai bên đường xen lẫn với những vườn cây ăn quả dưới chân đồi xanh ngát. Khách du lịch có thể đặt tour trước để tổ nữ công chuẩn bị các món ẩm thực theo nhu cầu. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian yên tỉnh của núi rừng, có bản làng bình yên với nhịp chày giả gạo cối gỗ, tiếng chim kêu thánh thót, sắc phục thổ cẩm của đồng bào vùng cao và sẽ được tìm hiểu nét văn hoá của dân tộc Vân Kiều.
Về những dự định sắp tới, những hộ gia đình đã đầu tư vào chương trình này sẽ hoàn thiện dần tour du lịch để thu hút du khách đến tham quan. Khuyến khích thêm người dân sống lân cận cùng chung tay làm du lịch bằng cách trồng vườn hoa ven suối để khách đến thưởng lãm; kết hợp với các hộ dân làm nhà sàn bên suối cho khách nghỉ lại. Đặc biệt, phục hồi các lễ hội, văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, các nghề truyền thống để cho có nơi du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, rất cần phải phát huy được yếu tố tích cực, hạn chế và giảm thiểu mặt tiêu cực. Muốn vậy cần phải chú trọng tăng cường tính văn hóa trong hoạt động du lịch, định hướng đúng đắn về cách làm cho địa phương tập trung khai thác sâu mảng văn hoá, lịch sử, sinh thái. Ngoài ra còn là phương tiện giáo dục lòng yêu nước, giữ gìn và nâng cao truyền thống dân tộc.
Du khách nên trải nghiệm để thưởng thức với những vùng mới được khai phá, hoang sơ như suối Tà Lao và suối Pacha ở xã Tà Long của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự sảng khoái, thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng khi đến với núi rừng, sông suối mà thiên nhiên đã ban tặng. Hy vọng trong tương lai gần, ở đây sẽ là điểm đến lý thú của nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh.