Chợ phiên Cam Lộ - Nét đẹp văn hóa đầy ý nghĩa của người dân Quảng Trị (Ảnh: Hoàng Táo)
Một ngôi chợ quê như bao ngôi chợ ở làng quê Việt Nam với đầy đủ cái lao xao bộn bề, người mua kẻ bán nhưng cách họp chợ của ngôi chợ này hết sức độc đáo và hiếm gặp, mỗi phiên họp cách nhau 5 ngày bắt đầu từ Mùng 3 Âm lịch hàng tháng. Chợ bán đủ loại hàng hoá từ nông sản của bà con nông dân, cá tôm của các thuyền chài đưa đến, và hàng hoá khắp nơi đưa về… Phần lớn là cây nhà lá vườn như rổ khoai, hũ dưa môn, chồng nón lá, mớ rổ rá dần sàng, bó lá vằng, mẹt tôm, thau cá… nét văn hoá làng quê đặc trưng của vùng miền hết sức bình dị thân thương!
Mẹ tôi kể rằng, lần đầu tiên mẹ tôi biết đến chợ phiên này là những năm chiến tranh chống Mỹ, tin cậu út hy sinh ở Quảng Trị, rồi lại có tin cậu vẫn còn sống và đang bị thương nặng ở đây thôi thúc mẹ tôi tay bồng chị hai tôi khi đó chừng 2 tuổi ra Quảng Trị tìm cậu. Mẹ nghĩ, một phụ nữ chân yếu tay mềm, trên tay có con nhỏ thì chắc dễ dàng đi lại, và đúng thiệt, việc từ trong Huế ra Quảng Trị bị kiểm tra rất gắt gao nhưng khám xét tư trang thì không có gì nên mẹ tôi mới đi được. Với lời dặn vô chợ Cam Lộ tìm Mự Huệ bán trầu cau mà hỏi, mẹ tôi canh đúng ngày họp Chợ phiên để đi. Không biết có phải do cái nắng miền Trung gay gắt, say xe, hay đói bụng mà mẹ tôi mới hỏi thăm: Dạ… thưa… O có biết chỗ Mự Huệ bán trầu cau chỗ mô không? Một O đứng tuổi bán dưa môn với tay chỉ: Tê tề… thì mẹ tôi quỵ xuống, cái giỏ xách tuột khỏi vai, tay vẫn ôm chặt đứa bé đang khóc mà không biết gì cả.
Cả chợ xôn xao, người bồng chị hai tôi, người xức dầu tràm, người bấm huyệt, một thím nhanh chân nhảy qua hàng bán tạp hoá lấy cái bóng đèn dầu mới toanh, đập một phát, lấy mảnh nhọn làm kim lễ mấy huyệt dưới dái tai, nặn ra chút máu bầm… lát sau mẹ tôi tỉnh dậy, mắt ngơ ngác nhìn quanh và vội la toáng lên: Con tui mô rồi? Một mệ tầm 60 tuổi bồng chị hai tôi đến, chị tôi đang nhai ngồm ngoàm cái bánh nậm ngon lành. Cả chợ xúm vô hỏi thăm mẹ tui đi mô mà bồng con tới đây. Mự Huệ nghe có người tìm cũng đã tới tự lúc nào, nhưng khi nghe mẹ tôi hỏi về cậu út thì mụ nói không biết, chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Đang thất vọng vì mất manh mối tìm cậu thì một chị bán nón bưng tới cho mẹ tôi tô cháo huyết, kêu ăn đi cho khoẻ, có sữa cho con bú. Bưng tô cháo nóng trên tay mà mẹ tôi rưng rưng nước mắt. Vậy mà ăn chưa xong tô cháo, mẹ tôi đã bị cảnh sát tới giải về Ty, nghi mẹ tôi trong Huế ra bắt liên lạc. Sau này mẹ tôi mới biết Mự Huệ đã vận động bà con đi đấu tranh, xin xỏ lẫn hối lộ để chúng thả hai mẹ con ra, bà con trong chợ lại gom góp cho mẹ tôi ít tiền làm lộ phí trở về. Khi mẹ tôi ra bến xe, mự Huệ còn dúi cho túi quần áo cũ: “Mấy bộ quần áo ni cháu tui bận chật hết rồi, O cầm về cho mấy cháu ở nhà thay đổi”. Về nhà soạn túi đồ ra mới thấytrong túi chiếc áo cũ có mảnh giấy ghi cậu út hy sinh ngày 23/7(Al) đã được bà con chôn cất hương khói. Thiệt là cảm động, mự Huệ đã bảo vệ để hai mẹ con an toàn trước lũ giặc tàn ác, rứa là cậu út mất thiệt rồi, đau xót quá cậu út ơi! Thiệt là mang ơn tấm lòng bà con nơi đây đã chu đáo nghĩa tình.
Ngày cậu mất cũng trùng ngày có chợ Phiên, lần nào ra thăm cậu, mẹ tôi cũng ghé chợ tìm những ân nhân thuở nào nhưng thật tiếc là chưa lần nào gặp lại những người thiện lương đó. Tuy vậy, hình ảnh mấy mệ, mấy dì, mấy o vẫn chân chất như ngày nào họ xúm vào xức dầu cho mẹ, hình ảnh họ gào thét đòi tụi cảnh sát thả mẹ ra vẫn in đậm trong tâm trí mẹ. Thương nhất là giọng nói và tấm chân tình người dân nơi đây sao mà gần gũi thân thương.
Chợ bày bán đủ thứ mặt hàng (Ảnh: Hoàng Táo)
Chợ Phiên Cam Lộ, theo tôi, đây là một tài sản quý giá mà người dân nơi đây có được. Chợ Phiên đã duy trì hàng mấy trăm năm nay, tôi nghĩ sẽ còn trường tồn với thời gian bởi đây là nét văn hoá không chỉ lưu truyền trong dân gian, sử sách mà còn được quảng bá rộng rãi với khách du lịch năm châu. Chợ mua bán sầm uất, người mua kẻ bán luôn háo hức chờ ngày họp chợ để đem nông sản, hàng hoá ra bán, người đi xa luôn canh đúng ngày có chợ Phiên để trở về tham dự. Người người rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi. Các mệ, các dì khi bán hàng còn có cách mời chào rất đặc biệt như hát vè hết sức thú vị. Tôi đã từng nghe một dì hát to: “The thiết… the thặt… vừa đắt vừa lợi vừa chơi vừa bán…”. Cách bán hàng đặc biệt vậy đó, rao hàng như chơi cho vui không cò kè hơn thiệt, mọi người ai cũng vui cùng người hát, nét mặt dì rạng rỡ vừa bán vừa hàng vừa hát vừa cười hết sức gần gũi dễ mến. Khách du lịch ghé chợ ngày một đông, đi chợ như là đi hội, thưởng thức những món ngon, đặc sản địa phương và mua quà tặng người thân, làm kỷ niệm. Những gói quà như gói cả tình cảm người dân Quảng Trị anh hùng toả đi mọi miền một cách tự nhiên.
Nhiều người ghé đến buôn bán tấp nập tại chợ phiên (Ảnh: Hoàng Táo)
Hai năm nay ảnh hưởng của dịch Covid -19, việc về nghĩa trang tỉnh Quảng Trị thăm cậu đành gác lại, mấy người quen lại nhắc nhở: Nếu có ra Quảng Trị thì mua giùm ớt bột, nón lá, rượu Kim Long, mắm ruốc, cá khô, tôm khô, bánh tét mặt trăng, bánh đúc rau câu rong biển, cao chè vằng… Đặc sản Quảng Trị đã dùng một lần là nhớ mãi cốt cách, hương vị mộc mạc chân quê. Ngày nay, một số cửa hàng ở chợ Cam Lộ đã có bán hàng online, nhiều người ở các tỉnh khác vẫn có thể mua hàng qua mạng, giúp người xa quê đỡ nhớ quê và thêm yêu quê.
Nói gì thì nói, hàng hoá có thể mua online, cảnh đẹp có thể ngắm online nhưng đi thăm mộ cậu thì không, con cháu cậu muốn đến tận nơi thắp cho cậu và các đồng đội của cậu nén tâm nhang tỏ lòng thương nhớ, tri ân cậu và các đồng đội của cậu, những liệt sĩ đã quên mình vì quê hương đất nước. Tôi vẫn muốn đến tận nơi thăm vùng đất cậu đã chiến đấu và hy sinh, thăm chợ Phiên Cam Lộ nơi mà trong tâm thức tôi vẫn hiện rõ hình ảnh các mệ, các dì đang xức dầu, đang gào thét đấu tranh đòi người với tụi bán nước… Hình ảnh bà con gần gũi, nghĩa đồng bào sâu nặng. Bình dị từ lời ăn tiếng nói và cách thể hiện hết sức nhân văn. Mong cho mau hết dịch để nói rằng: Quảng Trị ơi mong ngày gặp lại! Chợ Phiên Cam Lộ ơi, tôi sẽ quay trở lại vào một ngày không xa!