Vị của làng quê

Thứ hai - 24/01/2022 22:14
Tôi sinh ra từ làng quê, chất quê nặng lắm, đến nỗi chỉ cần nghe giọng nói thôi người ta cũng đoán được tôi ở vùng nào. Nhờ cái “vị” của quê, sự bao bọc của quê, tôi và những đứa trẻ cùng trang lứa cứ thế trưởng thành theo năm tháng.
 
Khi lớn lên, được vào thành phố đi học, ở giữa sự xa hoa và đủ đầy, ngắm nhìn sự lung linh của thành phố và những con người chốn phố thị, lắm lúc cũng choáng ngợp, nhìn không chớp mắt. Nhưng rồi, từ trong sâu thẳm trái tim, nỗi nhớ thương quê vẫn cứ thế trỗi dậy chẳng thể nào dập tắt.

Điều khiến tôi cứ khắc khoải trong lòng chính là vị của quê. Cái vị ấy được tạo nên bởi mảnh đất và con người nơi đây, bởi tập tục sống, bởi mối ràng rịt tình làng nghĩa xóm, bởi những món ăn bình dị, gần gũi đã giúp chúng tôi đi qua một thời gian khó. Quảng Trị quê tôi được cả nước nhắc đến là một vùng quê anh hùng trong chiến tranh và là nơi yên nghỉ của hàng vạn anh hùng liệt sỹ cho đến hôm nay. Có lẽ vì chịu nhiều đau thương, mất mát, thiệt thòi cho nên quê tôi đi sau cả nước trong công cuộc xây dựng lại quê hương. Mặc dù chính tôi thấy ai ai cũng can trường, chăm chỉ, quần quật cả ngày lẫn đêm giữa mưa nắng nhưng cơm chẳng đủ ăn. Lúc ấy, lũ trẻ đang tuổi lớn như chúng tôi hầu như chỉ có sắn khoai làm bầu bạn. Thế mà, đêm đêm dưới ánh đèn dầu, chúng tôi vẫn ê a học bài, nô đùa chạy nhảy. Bố mẹ tôi vẫn dạy chúng tôi múa “Sân nhà em sáng quá”, cùng đám bạn trong làng “rồng rắn lên mây”…

Những món ăn dân dã ngày xưa mà chúng tôi quen gọi là món ăn “chống đói” thường được làm từ củ sắn. Sắn khúc, sắn đầm, bánh tu huýt, bánh khoái, bánh bột lọc… Bao nhiêu ký ức cứ ùa về mỗi khi nhắc lại. Sắn đầm – nghe cái tên thôi cũng đã toát lên cái chất quê – mộc mạc và thương đến lạ lùng. Với kinh nghiệm lâu năm, o tôi chọn những củ sắn nhiều tinh bộ để làm sắn đầm. O cắt sắn thành những lát mỏng, ngâm nước vôi loãng để tẩy đi chất hăng có trong củ sắn, sau đó ngâm lại với nước trong. Khi sắn ngâm đến độ, o tôi bỏ sắn vào hoong cách thủy. Sắn đầm ăn với muối mè, muối lạc thôi mà lũ trẻ như tôi thích thú lắm. Có hôm sang hơn, đến mùa cá cơm cá duội, mẹ tôi mua ít cá, kho ăn kèm sắn đầm. Mùi thơm của cá duội tươi mới kho kết hợp với mùi của sắn đi sâu vào tâm khảm của những đứa trẻ thiếu “chất tanh” như chúng tôi thời bấy giờ.

Hương vị quê còn hiển hiện trong món bánh tu huýt. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao bánh lại được đặt cái tên nghe lạ đời như thế. Phân tích một cách dí dỏm, có lẽ là vì cách làm bánh đánh lừa người ta, ông cha xưa hay nói là “tù huất”, sau này qua nhiều đời lại đổi thành tu huýt. Bánh được làm từ bột sắn mục, hay đúng hơn là xác sắn mục vì ngày xưa sắn đã lược bột đi, phần bột tinh để bán, còn lại mỗi xác mà thôi. Bột được ủ mục, sau đó được nhào nặn. O tôi làm nhân bánh cũng lạ kỳ. Lấy chiếc đũa tre, bắt bột quanh cái đũa cho tròn lại, rồi rút đũa ra, thế là được một cái bánh. Nhìn thì tưởng bánh có nhân nhưng thực ra lại rỗng ruột. O tôi thường quấn bánh trong lá chuối tươi rồi đem hấp chín. Những ngày mùa đông, bánh tu huýt chắm với nước mắm cá cũng là món đổi vị cho cả nhà. Trong ký ức của tôi, có hôm lất phất mưa bay, từ trong gian bếp nhỏ lợp bằng tranh, nhìn những giọt mưa đọng trên cọng tranh rồi từ từ rơi xuống mặt đất, nghe tiếng gió rít và thưởng thức bánh, bố tôi lại đùa chị em chúng tôi và cả nhà cùng cười. Trong cái sự đạm bạc ấy vẫn lan tỏa niềm hạnh phúc vô bờ đối với lũ trẻ chúng tôi lúc ấy. Đến bây giờ, khi đa phần chúng ta đều cơm no áo ấm, cuộc sống văn minh lại muốn đi tìm cái vị quê thuở ấy. Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, bột bánh tu huýt được nhiều gia đình làm và bán ra thị trường. Bột được xay mịn, nhìn rất đẹp mắt. Khi lấy chồng rồi, thi thoảng tôi thấy mấy o hàng xóm mang bột sang cho, mẹ chồng tôi lại làm bánh. Nhìn mẹ làm, cũng nhào bột, cũng chiếc đũa để bắt bánh, tôi lại khắc khoải nhớ về ngày xưa. Có lẽ, điều mà tôi nhớ không chỉ là vị bánh, tên bánh mà trong đó còn hàm chứa tất cả ký ức, kỷ niệm, là những lắng đọng, khao khát được trở về tuổi thơ.

 
Bánh Tu Huýt – Nét ẩm thực Quảng Trị - Ẩm thực - Việt Giải Trí
Bánh tu huýt - Nét ẩm thực Quảng Trị (Ảnh: Sưu tập Internet)
 
Những vất vả của một thời không làm mất đi những giá trị riêng của quê. Nhờ có những món ăn dân dã đó mà người ở quê xích lại gần nhau hơn. Người lớn bảo bọc chúng tôi trong tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Nhờ có những món ăn dân dã ấy mà đã nuôi lớn biết bao thế hệ, có những người thành đạt rồi vẫn không quên mang vị quê đi khắp năm châu bốn bể. Hạnh phúc của những người ở quê là thấy dĩa bánh khoái được nâng niu trên đất Sài Gòn, dĩa bánh bột lọc sang tận nước Nhật, nước Mỹ xa xôi…

Tôi biết rằng nỗi trăn trở về một Quảng Trị phát triển hiện đại, được nhiều bạn bè, du khách biết tới, ghé thăm và muốn trở lại lần sau là niềm khao khát của rất nhiều người con yêu quê hương. Quê tôi là xã Trung Nam, một xã vùng trung du không được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều. Điều mà tôi cũng như rất nhiều người ở quê tự hào nhất về quê mình chính là vị quê cùng những con người dám nghĩ, dám làm đang ngày đêm tích cực góp sức thay đổi quê hương. Vị của làng quê tôi còn được in dấu đậm nét không chỉ trong món ăn mà còn ở một điểm đến thú vị đó chính là đồi cát trắng. Tôi không rõ đồi cát được hình thành từ bao giờ, và người trong làng cũng không ai rõ bởi vì khi lớn lên đã thấy nó hiển hiện ở đó. Đồi cát trắng như một tấm bình phông khổng lồ đã chắn gió, chắn cát cho quê tôi từ bao đời nay. Tôi đã dẫn rất nhiều nhóm bạn về thăm quê tôi, leo đồi cát và ai ai cũng trầm trồ kinh ngạc. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là vào năm 2014, trong nhóm bạn mà tôi dẫn về quê có Eddy – một người bạn đến từ châu Âu. Leo đến đỉnh đồi cát, bạn ấy đã thốt lên rằng “Tuyệt vời!” và cứ khăng khăng muốn ngủ qua đêm ngay tại đồi cát để có thể trải nghiệm hết cảm giác thích thú ấy. Tôi đã rất vui mừng vì bạn ở một đất nước xứ lạnh tuyệt đẹp nhưng lại yêu thích quê tôi đến thế.

 
Du khách thích thú trải nghiệm đồi cát xã Trung Nam (Ảnh: Phan Hoài An)

Ở ngay trên chính quê hương mình, đã ăn bao nhiêu món ngon nhưng vẫn nhớ như in cái vị bánh xưa; đã đến rất nhiều nơi nhưng vẫn yêu quê mình cháy bỏng. Biết bao lần đứng trên đỉnh đồi cát, nhìn con đường uốn lượn quanh co, tôi thầm ước ao về một tương lai không xa, con đường này sẽ được rải bê tông, hai bên đường sẽ rợp cây bóng mát, những hàng quán mọc lên và trên thực đơn là những món ăn dân dã của quê hương: bánh lọc, bánh khoái, bánh ép, bánh tu huýt, nước chè tươi… Rừng dừa lùn gần đó sẽ lớn nhanh và cho quả trên vùng đất cát bỏ hoang, một con đường cong cong nối từ Rú Trằm vòng qua rừng dừa về chân đồi cát. Ước mơ ấy sẽ không còn xa xôi…
Trung Nam, ngày 09 tháng 11 năm 2021

Tác giả bài viết: Minh Thơm (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây