Nếu có dịp, xin mời các bạn hãy rong ruổi trên những cung đường tuyệt đẹp kết nối giữa các bản làng ở miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị. Chúng ta sẽ đi trên những con đường len lỏi giữa bạt ngàn núi rừng Trường Sơn, đi xuyên qua những cánh rừng để lên núi săn mây với chim ca, để nhìn ngắm những cánh đồng điện gió sắp hoàn thiện, chúng ta vượt qua những con suối trong ngần với dòng nước mát rượi, chúng ta đi khám phá những thác nước, những hang động kỳ vĩ nằm sâu trong rừng như những mê cung đang ngủ yên. Cung đường đầy hoa trẩu ở Hướng Sơn, những con đường hoa dã quỳ ở Hướng Phùng, cung đường đầy bông lau trắng xóa ở Đakrông,… và thấp thoáng giữa bạt ngàn núi rừng là những bản làng yên bình như những bức tranh sơn thủy hữu tình. Ở đây không có nhiều con đường đèo ngoạn mục quanh co như núi rừng phía Hà Giang, ở đây không có nhiều ruộng bậc thang xếp tầng hút mắt như ở Mù Cang Chải,… nhưng đến đây để thỏa lòng về cảnh đẹp của sông núi quê hương mình.
Toàn cảnh điện gió Khe Sanh (Ảnh: Phan Hoài An)
Để đặt chân đến với bất kì bản làng nào ở vùng núi xinh đẹp này, chúng ta cần lên kế hoạch cụ thể của chuyến đi, đó là:
- Thời gian: 2 ngày cuối tuần, xuất phát sáng thứ Bảy.
- Cung đường, phương tiện: Khoảng 100 – 170 km từ thành phố Đông Hà tùy theo khoảng cách dài ngắn của mỗi bản làng. Phương tiện thì nên đi xe gắn máy, đặc biệt là xe số.
- Kinh phí: Ngoài tiền xăng, chi phí khác khoảng 500.000 đồng/người (Chủ yếu mua kẹo cho tụi nhỏ, mua ít gia vị hỗ trợ bà con).
- Số lượng: Tùy theo nhóm, khoảng dưới 15 người.
Khi xây dựng kế hoạch đi cụ thể, chúng ta nên chọn địa điểm đến và liên hệ trước với chính quyền địa phương như cán bộ đoàn, thôn trưởng nếu có nhu cầu ở lại qua đêm để được sắp xếp. Các bạn có thể mang theo lều trại, thực phẩm để sử dụng. Tuy nhiên, đã trải nghiệm thực tế thì nên trải nghiệm cùng ăn, cùng ở với bà con đồng bào để cảm nhận những điều thú vị.
Ở một số địa phương có cảnh sắc thiên nhiên đẹp, thu hút view để cho du khách chụp ảnh, quay phim, săn mây,… thường có nhiều mô hình homestay để du khách lưu trú. Nhưng hầu như các bản làng ở miền núi Quảng Trị chưa có nhiều mô hình này, chỉ một vài điểm ở trên vùng núi Sa Mù ở Hướng Hóa. Khi chúng ta đến với bản làng, nên liên hệ và xin ở lại qua đêm với bà con. Tại một số bản làng, nhiều bạn đoàn viên thanh niên đã có những kế hoạch hỗ trợ du khách đến thăm quan và nghỉ lại với bản, trải nghiệm những công việc của bà con trong bản. Nhà dân tuy là nhà sàn hoặc nhà gỗ đơn sơ nhưng gian nhà rộng, thoáng đãng, đủ cho đoàn từ 3-5 người ở lại qua đêm.
Thiên nhiên núi rừng Trường Sơn đã ban tặng cho người dân ở vùng đất này nhiều “lâm sản” có giá trị, chúng ta có thể thưởng thức hương vị ẩm thực núi rừng qua bàn tay chế biến khéo léo của những người Vân Kiều, Pa Kô như: măng rừng, rau rừng, canh đoác, cheo cá suối, gỏi cá suối, gà khô rừng, cá suối kho đọt mây,… Những món ăn này không nhiều nhưng không phải hiếm. Nếu có sự liên hệ trước, bà con sẵn sàng đi tìm kiếm để thiết đãi khách một bữa đàng hoàng. Tuy không cao lương mĩ vị, không nhiều thịt, nhiều cá nhưng cái ngon của rau rừng, cái tươi của cá suối, cái thơm của hạt ớt, hạt tiêu cũng đủ để cho mỗi người nhớ về bản nhiều hơn.
Đã lên với bản làng, hãy thử một ngày lao động với bà con.
Đi thăm nương rẫy: Nương rẫy của bà con thường cách xa nhà, đi bộ vài phút đến vài chục phút tùy theo mảnh vườn. Lên nương, mọi người cùng nhau chăm vườn chuối hoặc làm cỏ cho vườn hoa màu bằng các dụng cụ lao động thủ công. Cũng có thể tranh thủ chặt thêm ít củi khô để trưa gùi về. Đi vào thời điểm gieo trồng, chúng ta có thể tự tay gieo cho mình những hạt giống, tự tay trồng nên những vườn rau. Nếu gặp thời điểm thu hoạch thì cảnh quan rất đẹp, nhiều thửa ruộng lúa chín vàng, nhiều vườn ngô rào rạc lá khô, mọi người có thể thưởng thức ngay vài quả ngô nướng.
Hầu như những hoạt động kinh tế chủ yếu của bà con là nương rẫy, nên khám phá nương rẫy và cùng tham gia lao động sản xuất tăng gia với bà con cũng là một trải nghiệm thú vị, đáng nhớ.
Đi suối đi rừng: Dùng những dụng cụ đánh bắt truyền thống như cái chài, cái lưới để vây bắt cá suối. Lội suối ngắm cảnh cũng là những giây phút thư giãn thú vị. Chúng ta không quên nhặt vài hòn sỏi nhỏ có hình thù ý nghĩa để về đặt bàn giấy hay lưu giữ làm kỷ niệm. Những hoa màu mang thương hiệu “lâm sản” do bà con đi hái, đi lượm đã trở thành thương phẩm ở nhiều nơi từ thành phố đến vùng biển. Khi chúng ta vào rừng với bà con, tự tay mình có thể hái những loại rau xanh, khai thác những bó kiệu hành, tự tay nướng cá để làm cheo muối cá,… hay nhiều lương thực thiết yếu có giá trị cao như nếp cẩm, gạo lức, ngô,… dưới bàn tay lao động và những giọt mồ hôi của bà con làm ra để gửi tặng mọi người.
Lội suối ngắm cảnh, thưởng thức món ăn cùng người dân là những giây phút thư giãn thú vị (Ảnh: Phan Hoài An)
Một đặc điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần của bà con là âm nhạc. Cho dù lên nương lên rẫy hay đi suối, đi rừng, bà con luôn cất lên những khúc ca, tiếng hát nhằm vơi bớt khó khăn, tự tin hơn về cuộc sống tươi đẹp phía trước.
Đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều sinh sống chủ yếu ở vùng núi phía tây tỉnh Quảng Trị. Họ sinh sống từ lâu đời giữa những cánh rừng, giữa những thung lũng nhỏ hẹp. Họ hiểu tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, họ hiểu đất và rừng ở nơi đây hơn bất kỳ ai. Tuy cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng với bản chất hiền lành, chân thật, giản dị, bà con nhân dân luôn có một tấm lòng rộng mở với mọi người. Đến thăm quan bản làng, trải nghiệm cuộc sống cùng bà con, chúng ta cần lưu ý một số điều như: tôn trọng những giá trị truyền thống của đồng bào; tránh những va chạm văn hóa phong tục; chú ý bảo vệ môi trường, đặc biệt là tuân thủ các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bản làng Đakrông (Ảnh: Phan Hoài An)
Một trong những đặc điểm đi phượt hoặc đi du lịch trải nghiệm của nhiều bạn trẻ đó là đi thật nhiều nơi, qua nhiều cung đường nguy hiểm để xem phong cảnh, check-in, ghi hình, chụp ảnh, ngắm cảnh, giải trí. Trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp ở nhiều nơi, các khu du lịch đã đóng cửa, các tour lữ hành hầu như không thể hoạt động. Chúng ta nên thay đổi suy nghĩ bằng cách đi du lịch tự túc và trải nghiệm cuộc sống mới ngay tại chính quê hương mình. Phương án du lịch ở vùng núi và trải nghiệm cuộc sống với đồng bào Pa Kô, Vân Kiều sẽ tiết kiệm, ý nghĩa và làm phong phú thêm vốn sống, vốn hiểu biết để chia sẻ, trách nhiệm với mọi người và cộng đồng. Ngôn ngữ của người Bru – Vân Kiều gọi klỡ là “bạn”, và có một số cách gọi thân thiết hơn nữa thì người ta vẫn dùng từ klỡ để gọi “bạn thân”. Hãy làm một người bạn thân với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô của chúng ta nhé.