Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay được dự báo là thời điểm bùng nổ du lịch ở Quảng Trị (Ảnh: HA)
Ghé thăm các điểm du lịch trong tour DMZ Quảng Trị
Thành cổ Quảng Trị nằm bên dòng sông Thạch Hãn, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Thành cổ đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của địa phương nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Đặc biệt, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm giữ Thành đầy khốc liệt vẫn luôn được biết đến là bản tráng ca hào hùng của toàn thể nhân dân cả nước, là bức tranh đẫm máu và hoa cùng với biết bao trận chiến đấu anh dũng khác làm nên kỳ tích, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước. Ngày nay, du khách đến Quảng Trị đều dừng chân tại Thành cổ thắp nén hương tri ân những anh hùng đã hy sinh cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và cùng nhau suy ngẫm, lắng nghe những câu chuyện ướt đẫm nước mắt về các anh bộ đội cụ Hồ.
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải ở giữa vùng DMZ và đánh dấu biên giới tạm thời giữa miền Bắc và miền Nam, được sơn 2 màu khác biệt. Cụm di tích bao gồm Cầu Hiền Lương, Cột cờ Hiền Lương, Hệ thống giàn loa phóng thanh ở phía Bắc, Nhà Liên Hợp và Đồn Công an Hiền Lương, Đồn Công an vũ trang nhân dân Cửa Tùng; Đồn Cảnh sát Xuân Hòa, Cột cờ và hệ thống loa phát thanh ở bờ Nam; các Bến đò ngang trên sông Bến Hải…
Du khách tham quan di tích lịch cầu Hiền Lương trong dịp lễ 30/4 (Ảnh: HA)
Địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng từ năm 1966-1967, là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với quyết tâm “Một tấc không đi, một li không rời, mỗi làng là một pháo đài chiến đấu”, “Tất cả vì miền Nam ruột thit”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đã ra chủ trương quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực, biến Vĩnh Linh trở thành quê hương của hầm, hào, địa đạo. Quân dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng: trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình…, được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất.
Tấm phù điêu lớn đặt trang trọng ở căn chính giữa khắc ghi dòng chữ: "To be or not to be - Tồn tại hay không tồn tại" tại Nhà trưng bày trong Khu di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc (Ảnh: Hoài An)
Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn rộng khoảng 140.000m², không chỉ là nơi để thắp nén hương tỏ lòng thành kính tri ân những người đã khuất mà du khách còn có dịp ghé thăm Đền thờ vọng liệt sĩ Bến Tắt - Trường Sơn và cầu treo Bến Tắt. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên và duy nhất do các kỹ sư Cu Ba thiết kế, xây dựng còn lại trên tuyến đường vận tải Hồ Chí Minh lịch sử.
Cầu treo Đakrông nằm giữa Quốc lộ 9 và là điểm khởi đầu của Quốc lộ 15, một trong những nhánh chính của đường Trường Sơn. Trong chiến tranh, cầu Đakrông là một chiếc cầu sắt và trở thành tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam.
Căn cứ Khe Sanh và sân bay Tà Cơn là nơi đặt căn cứ của quân đội Mỹ. Nơi đây đã diễn ra những trận đánh lớn trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Hiện nay, trong khuôn viên di tích có một Bảo tàng về Đường 9 Khe Sanh.
Trải nghiệm biển, đảo Quảng Trị
Bãi biển Cửa Tùng thuộc thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Với bầu không khí trong lành và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, biển Cửa Tùng được mệnh danh là “Thiên đường của những bãi tắm” hay “Nữ hoàng bãi biển”. Bãi biển nằm thoai thoải trên nền đất đỏ bazan, phủ bên trên là lớp cát trắng ngần mịn màng trong từng đợt sóng vỗ.
Biển Cửa Việt nằm tại xã Gio Việt, huyện Gio Linh, hiện đang là điểm thu hút du khách đông nhất trong tất cả các bãi biển của tỉnh Quảng Trị. Biển có bãi cát trắng dài, với dòng nước mát, trong xanh. Vào mùa hè trong cái tiết nóng nực, phủ kín những cơn gió Lào ở Quảng Trị, du khách được tắm mình dưới làn nước êm ái này như được tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực sau những ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng.
Bình minh trên biển Cửa Việt (Ảnh: IPA Quảng Trị)
Đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 17 hải lý. Mặc dù diện tích đảo nhỏ (2,3 km2), nhưng các đặc điểm về hình thể và cấu trúc không gian, cấu tạo địa chất và cảnh quan sinh thái… đã tạo ra giá trị lớn cho đảo về tài nguyên tự nhiên và môi trường sinh thái. Đây cũng được xem là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Đến Cồn Cỏ, du khách đừng quên ghé thăm các địa điểm du lịch hấp dẫn như: Cột cờ Tổ quốc, ngọn hải đăng đảo Cồn Cỏ, bến Nghè, bến Tranh, hay thưởng thức các đặc sản của đảo như: rong nho, hàu Vua, ốc mắt ngọc,…
Du khách tham quan Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ (Ảnh: HA)
Khám phá miền Tây Quảng Trị hoang sơ, mới lạ
Miền Tây Quảng Trị có rất nhiều hang, động còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ như: động Brai, động Tà Puồng, thác Chênh Vênh, thác Ồ Ồ, thác Ba Vòi,… và nhiều loại hình du lịch khác nhau: chèo sup ở thác, trekking trong rừng, cắm trại ở Hồ thủy điện Rào Quán, hoặc đón chào buổi sáng ở Năm mùa Bungalow, thám hiểm hang động, thưởng thức món gà nướng ngay tại thác…. Đến miền Tây Quảng Trị, du khách sẽ được hòa mình và đắm chìm vào vẻ đẹp hoang sơ và trong trẻo của cảnh sắc thiên nhiên. Lâu nay, du khách chỉ biết đến Quảng Trị qua những di tích lịch sử - văn hóa quen thuộc, nhưng giờ đây, khi đến Quảng Trị, du khách sẽ ngạc nhiên trước sự đổi sắc bất ngờ và các điểm đến hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.
Thưởng thức ẩm thực độc đáo vùng đất nắng và gió
Thịt trâu lá trơng là sự kết hợp đặc biệt giữa thịt trâu và lá trơng đã tạo nên hương vị riêng biệt khiến du khách không bao giờ quên. Với nguyên liệu là thịt trâu và lá trơng, bạn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: trâu xào, trâu nướng, trâu hấp,... Thịt trâu dùng để chế biến món ăn này phải là thịt trâu còn non để trong quá trình chế biến, thịt trâu vẫn giữ được độ mềm, không bị dai và thịt vẫn giữ được vị ngọt. Lá trơng có vị cay hăng, hương thơm đặc trưng ăn kèm với thịt trâu mềm ngon ngọt hấp dẫn ngay từ lần đầu thưởng thức.
Bánh canh cá lóc Hải Lăng thường được người dân địa phương gọi là cháo cá. Khác với các tỉnh thành, món cháo cá Hải Lăng thường được nấu với các loạt bột sợi như bột gạo, bột mì hay bột lọc. Cá lóc phải chọn những con cá lóc đồng, to, săn chắc, có màu đen bóng, chắc thịt và phải thật tươi, còn sống. Nguyên liệu chính tạo nên giá trị ẩm thực độc đáo của món ăn này bên cạnh cá lóc, chính là các gia vị kèm theo gồm có ném của Triệu Phong, ớt của Hải Lăng và hạt tiêu của Vĩnh Linh, Cam Lộ. Khi thưởng thức cháo cá, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt của nước dùng, vị đậm đà mặn mà của từng miếng cá đã được nêm nếm gia vị, vị dai ngon của sợi bột, cùng vị cay nồng của ném, tiêu, ớt.
Nem lụi chợ Sải là món ăn mang đậm chất vùng quê Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị, vốn được biết đến là nơi sinh ra và lớn lên của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người miền Trung khi ăn, thường cuốn nem lụi thêm ít rau thơm, chuối xanh, dưa chuột, xoài thái mỏng cuộn trong bánh tráng, rồi chấm với thứ nước chấm cũng rất đặc biệt. Mùi thơm của miếng nem lụi nướng vàng ươm, chút cay cay của tiêu và ớt, vị ngọt của xoài, khẽ béo ngậy, bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh…tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị hài hòa và vô cùng tinh tế.
Nem lụi chợ Sải (Ảnh: IPA Quảng Trị)
Gỏi tép nhảy bàu Trạng với nguyên liệu chính là con tép được đánh bắt từ bàu Trạng (khu vực bàu Thủy Ứ, thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) phải còn tươi sống. Khi ăn được cuốn lại cùng bánh đa (hay còn gọi là bánh tráng) và một ít rau sống, đem chấm cùng nước chấm pha cùng xì dầu và mù tạt. Vị cay nồng của mù tạt cay xộc lên mũi, vị bùi của lạc rang, vị ngọt, giòn của tép kết hợp cùng mùi thơm của rau màu và tiêu xanh, ớt, tỏi khiến cho thực khách nhớ mãi không quên.
Bánh bột lọc Mỹ Chánh là món ăn dân dã, nguyên liệu lại dễ tìm, nếu để so sánh với cao lương mỹ vị thì món ăn này không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi nhắc đến bánh lọc, nó lại mang hương vị vô cùng quen thuộc, như một lời nhắc nhở những người con xa xứ luôn nhớ về quê hương.
Bánh bột lọc Mỹ Chánh (Ảnh: IPA Quảng Trị)
Rau liệt, hay còn gọi rau xà lách xoong là đặc sản của miền đất Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), bởi chỉ có xã Gio An trồng được loại rau này. Tùy vào khẩu vị, rau liệt được ăn sống, xào, nấu canh. Phổ biến nhất vẫn là món salad rau liệt trộn với thịt bò, ăn có vị ngọt, hăng nhẹ. Thịt bò được nêm ướp đậm đà đem xào với gia vị như hành phi, tiêu, muối. Nước trộn chua chua, có vị ngọt dịu. Trứng luộc chín tới đem thái thành từng lát mỏng. Khi ăn, xếp rau ra đĩa, thêm chút thịt bò, rải vài lát trứng rồi tưới nước trộn lên vậy là đã có thể thưởng thức món ăn ngon, bổ dưỡng, lạ miệng này.
Rau liệt trồng ở khu vực giếng cổ Gio An (Ảnh: IPA Quảng Trị)
Các điểm đến ở Quảng Trị được nhiều du khách nhận định là điểm đến an toàn, lý tưởng, tỉnh cũng có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nên được du khách lựa chọn nhiều. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu du lịch của du khách dịp lễ khá đa dạng, các tour được thiết kế phù hợp nhiều nhóm đối tượng như gia đình, bạn bè, công ty... Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đang đặt kỳ vọng rất lớn du lịch sẽ bùng nổ vào dịp nghỉ lễ này tạo cú hích lớn để chào mùa du lịch hè sôi động. Thông qua các chương trình, hoạt động tổ chức trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, Quảng Trị sẽ quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người, tiềm năng, lợi thế về du lịch nói chung và du lịch biển đảo nói riêng, qua đó tạo sự lan tỏa, thu hút khách du lịch đến với Quảng Trị, góp phần kích cầu thương mại, dịch vụ, du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị./.