Khi mùa Ariêu piing về

Thứ hai - 26/12/2022 22:23
Ariêu piing là lễ hội truyền thống của người Pa – Quảng Trị, được tổ chức khoảng từ 10 - 15 năm một lần với mục đích cải táng, chôn cất lần thứ 2 cho những người đã khuất trong dòng họ vào những lăng mộ được xây dựng công phu và là dịp để bà con gần xa hội tụ, bày tỏ tình cảm với nhau, thể hiện những phong tập quán trong không gian văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc nơi đây.
 
Quang cảnh lễ hội (Ảnh: Tamin)
 
         Lễ hội Ariêu piing được tổ chức với rất nhiều hoạt động như: trang trí cây Nêu, lễ vật phục vụ cho phần nghi lễ; bốc mồ mả của những người đã khuất về nơi chôn cất mới; diễu hành cùng đoàn Ra Gioóc; đâm trâu; múa nhạc…; đồng thời cũng là không gian tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng như hội thi bắn nỏ, đi cà kheo, ném vòng bắt duyên…
          Trong phần lễ hội chính, cây Nêu được mang về ở khu đất trung tâm – nơi sẽ tổ chức lễ hội và thực hiện nghi lễ đâm trâu. Cây Nêu được chọn kỹ, là những cây tre thẳng, xung quanh có những cột tre thấp hơn để buộc dê, trâu, bò, gà – là những con vật sẽ cúng tế trong lễ hội. Tất cả đều được buộc những chùm tua tre màu trắng. Khi cây Nêu được dựng lên cũng là lúc lễ hội thực sự rộn ràng. Đến mùa lễ hội Ariêu piing, cả bản làng, con người đều vô cùng hứng khởi, ai ai cũng mặc những trang phục đẹp nhất để tham dự. Khi Ariêu piing về, nhiều màu sắc và âm thanh thật sự đặc sắc cũng về theo giữa rừng núi Trường sơn hùng vĩ.
 
Các già làng chuẩn bị thực hiện nghi lễ chính (Ảnh: Tamin)

Khi bà con xúng xính những trang phục rực rỡ
          Không kể là gái hay trai, già hay trẻ, khi lễ hội về ai cũng khoác lên mình những trang phục truyền thống bằng thổ cẩm đẹp nhất. Phụ nữ mặc váy/xịn/xấn,  áo/ado, đàn ông mặc áo/ado và khố/nài hoặc quần.
          Người Pa Cô có nghề dệt lâu đời và phát triển,  hoa văn trên sản phẩm dệt được chia theo 3 chủ đề về động thực vật, thiên nhiên và đồ vật. Trong trang phục truyền thống của dân tộc Pa Cô hai màu đen và đỏ là chủ đạo, ngoài ra còn pha lẫn trắng, tím, vàng, xanh dệt các đường viền và tạo các dải màu để bố cục thành hoa văn cho từng sản phẩm. Phụ nữ có chồng và thiếu nữ chưa chồng mặc trang phục có màu sắc và hoa văn khác nhau. Thiếu nữ thường mặc váy áo màu sắc tươi tắn, sặc sỡ; phụ nữ có chồng mặc sẫm màu hơn, họa tiết đơn giản hơn. Váy được cố định chắc chắn bằng một thắt lưng/xarong bằng kim loại hoặc bằng vải. Những trang phục người Pa Cô có sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa, vẻ đẹp trang phục thể hiện qua việc tạo dáng, trang trí họa tiết trên đó, phản ánh sinh động môi trường sống, lòng yêu thiên nhiên, quê hương, con người… là một trong những cơ sở để thẩm định giá trị văn hóa và thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Pa Cô.
Để tôn thêm vẻ đẹp của mình, người phụ nữ Pa Cô khéo léo trang điểm những hạt cườm, hạt đá, bạc ở cổ, ở tay với nhiều màu sắc để tạo nên những chủ đề trang trí đẹp mắt.
Trang phục  góp phần tạo nên chỉnh thể cho vẻ đẹp văn hóa lễ hội, vừa ẩn chứa vừa phô diễn tính kế thừa những giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ và của mỗi dân tộc. Trong lễ hội Ariêu piing, trang phục truyền thống là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Pa Cô.
Khi gia đình tề tựu
          Một trong những phần quan trọng của lễ hội là cải táng, cất bốc, quy tập hài cốt của những người trong dòng họ về ngôi nhà chung như khi đang còn sống, thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong gia đình. Điều này thể hiện nét văn hóa tâm linh, sự tôn kính, hiếu nghĩa của những người đang sống với những người đã khuất. Tro cốt của những người đã khuất được cất bốc từ rừng ma, đựng trong các hộp nhỏ rồi đưa vào viếng ở Ân Trạp. Ân Trạp là một lán nhỏ dựng lên tạm thời, làm nơi thờ cúng trong thời gian lễ hội diễn ra, trước khi các hài cốt được đem đi cải táng ở các nhà mồ của dòng họ. Con cháu phải thay nhau túc trực ở Ân Trạp để thắp hương, đánh trống, chiêng liên tục, không kể là ngày hay đêm. Người Pa Cô quan niệm sự tồn tại của cá nhân trong cộng đồng và của cả cộng đồng là nhờ vào tình nghĩa nối kết và hội tụ để cuộc sống của họ được sinh sôi, nảy nở trên trần thế. Người chết có thế giới riêng của họ nên người sống phải “tạo cửa” cho người chết bước vào thế giới của mình bằng nhiều phương thức, mà tiêu biểu là kiến trúc nhà mồ.
 
Ân Trạp (Ảnh: Tamin)
 
          Đây còn là dịp những thành viên trong gia đình tề tựu, giải quyết các vấn đề phong tục tập quán trong cộng đồng, mối quan hệ khơi-cuja (nội, ngoại) gần xa có dịp hội tụ cùng ra mắt cho con cháu biết nhau, bày tỏ tình cảm lâu ngày gặp nhau, tránh nhầm lẫn trong quan hệ hôn nhân của các thế hệ sau.
          Ngày gia đình họp mặt, mọi người thịt gà, dê hoặc hai ba nhà cùng thịt chung một con heo để ăn uống mừng đoàn tụ và thiết đãi khách khứa. Khắp nơi trong bản, bên bờ sông, mỗi người một tay, ai cũng góp công góp sức để có những bữa ăn ngon cùng gia đình và mời khách đến dự hội.
Khi bếp thơm nếp xôi
          Trong thời gian diễn ra lễ hội Ariêu piing, đến nhà nào cũng thấy các mẹ nấu xôi, làm bánh. Các loại bánh của đồng bào Pa Cô không cầu kỳ, sử dụng những nguyên liệu có sẵn như nếp, mè – là những nông sản do chính bà con trồng được. Người Pa Cô thường sử dụng nếp than để làm bánh. Loại nếp này rất dẻo và để được lâu hơn so với nếp canh tác ở đồng bằng. Nếp được trồng trên rẫy và phát triển hoàn toàn tự nhiên. Đồng bào Pa Cô gieo nếp từ khi ra giêng cho đến tháng 7 mới thu hoạch, đó là chưa kể nếu thời tiết không thuận lợi, thời gian thu hoạch có thể lâu hơn, kéo dài tới 9 tháng. Sau khi thu hoạch, nếp được phơi tại rẫy và mang về nhà giã bằng tay.
          Đồng bào Pa Cô thường làm ba loại bánh: ben, a quạt và a choi. A quạt và a choi được gói bằng lá dong lấy từ rừng. Nếp được ngâm qua, đem gói và nấu chín. Bánh ben được làm công phu hơn: nếp hấp chín và mang ra cối giã. Vừa giã vừa cho thêm mè đến khi nếp và mè được trộn đều và dẽo nhuyễn.
          Người làm bánh chủ yếu là các mẹ, các chị, các em bé gái vì cần đôi tay khéo léo buộc bánh sao cho vừa chặt, vừa giữ được dáng bánh. Khoảng thời gian làm bánh mọi người cùng nhau quây quần nói chuyện với nhau rộn rã, làm cho không khí lễ hội thêm phần náo nức, rộn ràng.
Khi các bản làng tụ họp và tranh tài
          Lễ hội Ariêu piing còn là dịp để các bản làng gặp nhau. Vào ngày thứ hai của lễ hội, đoàn Ra Gioóc (khách ở các bản xung quanh trong bộ áo quần truyền thống cùng các loại nhạc cụ như tù và, cồng chiêng, trống… nhảy múa từ đầu bản hướng về phía trung tâm theo điệu nhạc rất vui nhộn. Đoàn Ra Gioóc là những vị khách không mời mà đến. Theo quan niệm của người Pa Cô, những vị khách không mời này mới là những vị khách quí nhất, và lễ hội sẽ thiếu đi sự vui nhộn nếu không có sự viếng thăm của đoàn Ra Gioóc. Trong dịp này, các hoạt động thể dục thể thao được tổ chức giữa các bản thu hút sự quan tâm của hàng trăm người xem.
          Ném vòng là một trò chơi dân gian truyền thống nhưng đang bị mai một dần theo thời gian. Nghệ nhân Cray Sức cho biết, môn ném vòng bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa, khi trong bản có ít thiếu nữ, các chàng trai muốn chọn vợ phải ném vòng đi qua các khung tre nơi có các thiếu nữ đứng. Ai ném trúng và được các cô gái “đáp lễ” sẽ nên duyên vợ chồng. Ngày nay, trò chơi ném vòng xuất hiện trong các lễ hội lớn của thôn bản, được bạn trẻ hăng hái tham gia.
 
Môn thi ném vòng (Ảnh: Tamin)
 
          Không khí thi tài giữa các thôn bản làm cho lễ hội thêm hấp dẫn, góp phần gắn chặt thành viên trong làng thành một khối đoàn kết và tăng cường mối quan hệ cộng đồng dân cư các khu vực lân cận.
Khi nam phụ lão ấu đều hòa mình trong từng điệu nhạc
          Đến Ariêu piing, ngoài mắt thấy tai nghe nhiều phong tục, tập quán, du khách còn được thưởng thức rất nhiều điệu hát – múa truyền thống, hòa lẫn tiếng nhạc được tạo ra từ nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau như khèn, cồng, chiêng, trống, tù và, đàn ta lư, ta ngát…
Các loại nhạc cụ của đồng bào Pa Cô khá phong phú: Tù và được làm bằng sừng trâu; Khèn được làm bằng tre hoặc nứa; Đàn Ta Lư làm từ gỗ cây hoa sữa hoặc gỗ cây mít, loại đàn này chỉ có hai giây khi đánh lên chỉ có 2 thanh; Trống và chiêng là hai nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội và phong tục tập quán của đồng bào Pa Cô; Ta Ngát là loại nhạc cụ đặc trưng được làm từ những cây tre nhỏ có chiều cao khoảng 2m…
          Khi tiếng nhạc cất lên, những chàng trai, cô gái, ông già, bà lão, các nghệ nhân đã mang những lời ca tiếng hát dân tộc, mang tiếng âm vang của cồng chiêng đến tham gia tại lễ hội với điệu hát Xiêng, Klơi, Cha Chấp, Ra Doác, Vũ điệu công chiêng, điệu hát Azên, Vũ khúc mừng ngày hội Ariêu Aza…
          Vào ngày thứ 2 của lễ hội, các đoàn Ra Gioóc diễu hành vào khu vực trung tâm. Vừa đi mọi người vừa nhảy theo điệu nhạc, không kể là đàn ông hay đàn bà, thanh niên hay phụ lão, không kể người vai vế chức sắc hay dân thường, tất cả đều hòa theo tiếng nhạc, tay múa, chân đưa vô cùng nhịp nhàng. Có những cụ ông cụ bà đã thuộc vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn tham gia vào lễ hội, có những thanh niên tuổi vừa đôi mươi cũng nhiệt tình đánh chiêng, đánh trống một cách bài bản và đầy say mê.
          Trải dài theo dãy Trường sơn hùng vĩ, các dân tộc thiểu số vùng núi tỉnh Quảng Trị cũng giống như những dân tộc khác, mỗi dân tộc, mỗi dòng họ, đều có những phong tục, tập quán, khác nhau, được kết nối và truyền thụ qua nhiều thế hệ, qua những mối liên hệ về tâm linh, tính ngưỡng của con người nói chung. Về với Ariêu piing, phải thực sự đắm mình trong các hoạt động của lễ hội mới cảm nhận được sâu sắc nhiều giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng sự kiện. Lễ hội không chỉ nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, vừa kế thừa đổi mới trong quá trình hội nhập và phát triển của quê hương đất nước./.

Tác giả bài viết: Tamin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây