Quảng Trị - Một vùng đất lửa kiên cường của Tổ quốc, nơi đã chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Trải qua biết bao đau thương mất mát, không ai có thể quên được những chiến công vang dội một thời của những người chiến sỹ đã ngã xuống, xương máu, linh hồn và tên của các anh đã hóa thân thành hình hài đất nước ngày hôm nay.
Sông Thạch Hãn (Ảnh: Phan Hoài An)
Ký ức về một thời bom đạn chiến tranh của cuộc kháng chiến, về ý chí kiên cường của những anh hùng đã khuất và về nỗi đau của những người ở lại như vẫn còn hằn sâu trên dòng sông Thạch Hãn lịch sử, khắc ghi từng dấu vết nơi Thành cổ Quảng Trị anh hùng. Trong hàng ngàn con sông trên mảnh đất hình chữ S này, có lẽ không nơi đâu từng chất chứa nhiều đau thương như dòng Thạch Hãn. Cùng với Thành cổ Quảng Trị, Thạch Hãn là một trong hai nghĩa trang không mồ lớn nhất cả nước, nơi hàng ngàn người con đã nằm lại, lặng lẽ từ mùa hè năm 1972.
81 ngày đêm - Khúc tráng ca Thành cổ vẫn mãi luôn vang vọng nơi đây, để rồi “Lễ hội đêm hoa đăng” được mở ra như một chương trình tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc và lời nhắc nhở thế hệ sau mãi khắc sâu những chiến công về “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.
“Lễ hội đêm hoa đăng” gắn liền với khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, thường được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng trong năm, tại thị xã Quảng Trị. Đây được xem là một dịp lễ quan trọng để tưởng nhớ, tri ân hàng ngàn chiến sĩ tuổi đời chỉ vừa tròn mười tám, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Thành cổ để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đồng thời, lễ hội được tổ chức như một cách giới thiệu cho du khách thập phương những nét văn hoá tiêu biểu của Thành cổ, một trung tâm chính trị văn hoá thời Nguyễn tại tỉnh Quảng Trị.
Lễ tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sỹ trên bến thả hoa (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)
Lễ hội gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được bắt đầu với lễ tưởng niệm tại tượng đài Thành cổ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc những chiến công về một thời đỏ lửa lịch sử. Tiếp theo sau đó là lễ dâng hương tại các hương án và lễ cầu siêu chung cho những người chiến sỹ đã nằm xuống để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc. Cuối cùng, tại lễ thả hoa bên bến sông Thạch Hãn, 8100 bông hoa đăng tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ được trang trọng thả xuống mặt sông. Trong màn đêm mờ mịt cùng sự lặng lẽ thành kính của đoàn người thả hoa, Thạch Hãn biến thành một dòng sông ánh sáng linh thiêng, trầm mặc. Hàng ngàn bông hoa đăng trôi giữa lòng sông như một cách xoa dịu nỗi đau, nỗi mất mát đã thành trầm tích nơi đáy sông lịch sử. Trong giây phút thiêng liêng, những câu thơ xúc động của nhà thơ Lê Bá Dương lại vang lên trong tâm trí của biết bao người đang thành kính tưởng niệm:
“Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm...”
Tiếp nối phần lễ, phần hội được diễn ra với các hoạt động giao lưu, tọa đàm dành cho các cựu chiến binh Thành cổ. Đồng thời, tại chương trình này, các hoạt động văn hoá thể thao, du lịch nhằm tôn vinh và quảng bá văn hoá truyền thống của Quảng Trị cũng được lồng ghép tổ chức để du khách có cơ hội được khám phá và trải nghiệm nét đẹp văn hóa của vùng đất anh hùng.
Lễ hội “Đêm Hoa Đăng” trên sông Thạch Hãn (Ảnh: Phan Hoài An)
Dòng sông lịch sử, Thành cổ oai hùng sẽ luôn là những biểu tượng hào hùng về một thời chiến đấu oanh liệt của quân và dân Quảng Trị nói riêng, và của cả nước nói chung. 81 ngày đêm như còn sống mãi trong tâm trí của mỗi người con đất lửa, là niềm tự hào ngàn đời của các thế hệ sau. Và “Lễ hội đêm hoa đăng” cũng sẽ luôn là một ngày hội, một chương trình để thể hiện lòng tri ân và biết ơn sâu sắc của những người con may mắn được sống trong thời bình tưởng nhớ về sự hy sinh của những anh hùng còn nằm lại dưới đáy sông Thạch Hãn, dưới mỗi lớp cỏ xanh non nơi Thành cổ Quảng Trị./.