Những chuyến du lịch trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa, đặc biệt là cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số với nhiều lễ hội, nhiều phong tục, tập quán thú vị, độc đáo luôn có sự hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ với khách du lịch trong nước mà cả những du khách nước ngoài và những người quan tâm đến văn hóa tộc người. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường giao lưu văn hóa giữa các khu vực.
Lễ hội A riêu Ping làng A Liêng xã Tà Rụt (Ảnh: Hồ Phương)
Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh có 27 lễ hội, chia thành bốn nhóm loại hình: Lễ hội dân gian truyền thống; Lễ hội lịch sử cách mạng; Lễ hội tôn giáo và Lễ hội văn hóa du lịch. Trong đó, Lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô chiếm 6 lễ hội, gồm: Lễ hội Mừng lúa mới; Lễ hội Cồng chiêng; Lễ hội Đâm trâu; Lễ hội A riêu Ping; Lễ hội AraPựt; Lễ hội Uống rượu thề.
Trong những năm gần đây, ngành văn hóa rất quan tâm làm thế nào để các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số vừa đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch, vừa giữ nguyên được bản sắc. Thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở VHTT&DL Quảng Trị đã hỗ trợ phục hồi và phát huy giá trị lễ hội dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhờ đó, nhiều lễ hội tiêu biểu đặc sắc có nguy cơ mai một, như: Lễ hội A Riêu Ping, Lễ Hội Ara Pựt, Lễ hội Uống rượu thề,… nay đã được bảo tồn, được tiến hành một cách nghiêm túc, đảm bảo tính nguyên bản, đồng thời loại bỏ một số hủ tục lạc hậu. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thu hút khách du lịch gần xa. Ngoài ra, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức cho các công ty lữ hành, các nhà báo đi thực tế, lãnh đạo các cấp tham dự một số lễ hội truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô để có cách nhìn nhận, định hướng, đồng thời giới thiệu những giá trị truyền thống đặc sắc này đến du khách. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các đoàn làm phim của VTV thực hiện các phóng sự ngắn giới thiệu điểm đến và nét văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa trên các kênh của Đài Truyền hình quốc gia và các kênh mạng xã hội do Trung tâm quản lý.
Lễ hội truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô là một phần quan trọng tạo nên di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Lễ hội còn là nơi giáo dục tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân biết quý trọng và bảo tồn những tinh hoa quý giá mà cha ông đã tạo nên trong quá trình xây dựng quê hương đất nước./.