Giếng cổ Gio An – hành trình về cội nguồn

Thứ hai - 26/12/2022 21:41
Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của con người, mỗi địa phương, mỗi vùng miền lại có những cách khai thác, sử dụng nguồn nước khác nhau. Hôm nay, chúng tôi có dịp trở về với vùng đất Gio Linh – nơi vẫn còn tồn tại một số lượng lớn các công trình cổ khai thác nước sử dụng chất liệu đá xếp với trên 30 giếng có cấu trúc độc đáo, phục vụ đặc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người bao đời nay.

Cánh đồng rau Liệt sinh sôi từ nước giếng cổ Gio An (Ảnh: Võ Văn Thanh)

      Về Gio An, cái nắng nóng trên 38 độ đã lấy đi của chúng tôi biết bao nhiêu sức lực. Vậy mà, khi vừa tới nơi, cái mệt mỏi, nóng bức tan biến hết, bởi ngay trước mắt chúng tôi là một cánh đồng rau Liệt (xà lách xoong) xanh mơn mởn, thấp thoáng xa xa còn thấy cả dòng nước nhẹ nhàng lách qua từng luống rau chảy mãi về tận cuối đồng. Những tảng đá lớn nhỏ được chất thành hàng tạo ra các khe nước chảy như nét chấm phá cho bức tranh màu xanh thêm phần hữu tình, thi vị và yên bình. Những tảng đá đó đã được cư dân nông nghiệp cổ tận dụng, sắp xếp để ngăn dòng, lập bể, dựng mương… tạo thành những công trình dẫn thủy nhập điền tồn tại hàng ngàn năm qua.
      Với địa hình là đồi núi đất đỏ bazan, nguồn nước xuất phát từ các mạch ngầm chảy từ trong khe núi, khe đồi tạo thành những dòng suối nhỏ tuôn ra ngoài. Từ trước đến nay, dù thời tiết khô hạn tới đâu, nước trong hệ thống giếng cổ chưa bao giờ cạn. Nước giếng cổ mát trong, là nơi bà con dân làng thường tập trung vừa để lấy nước sinh hoạt, rửa rau, tắm giặt; vừa trò chuyện với nhau về những điều xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Không gian những ngôi giếng xếp đá như cuốn sách ghi lại từng chuyển động của đời sống văn hóa tinh thần người dân nơi đây. Nhằm bảo vệ những công trình khai thác nước cổ vô cùng độc đáo này, ngày 13/3/2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành quyết định số 08-2001/QĐ-BVHTT công nhận 14 giếng tiêu biểu trong toàn bộ hệ thống này vào hạng di tích cấp quốc gia.
     Về thăm hệ thống các loại giếng dùng đá xếp còn tồn tại đến nay trên vùng đất Gio Linh, du khách có thể thấy về cơ bản có ba loại hình chính. Giếng nước được tạo thành bởi những bi đá, loại này mang hình ảnh của giếng khơi vùng nông thôn đồng bằng, nhưng lại có kỹ thuật chế tác điêu luyện từ những khối đá bazan có kích thước lớn. Người xưa đã tận dụng quy tắc bình thông nhau, nước được lấy từ những mạch nước ngầm bằng cách đào sâu xuống đất và chồng khoảng 3 – 4 bi đá tạo thành vách từ dưới đáy lên khỏi mặt đất. Bi trên cùng lộ thiên ra ngoài, có các lỗ thông lưng chừng thấp hơn một chút so với nền giếng để thoát nước ra ngoài khi mạch nguồn phun mạnh. Nền giếng được xếp bởi những khối đá tổ ong có hình vuông hoặc chữ nhật tạo thành mặt phẳng bao quanh giếng. Ở Thôn Tân Văn có ba giếng thuộc loại này, trong đó chỉ có một giếng còn nguyên vẹn, được gọi là giếng Pheo.
     Loại thứ hai là giếng được tạo thành một bể chứa nước lớn ngay tại chân mật nước ngầm. Các mạch nước này thuận tự nhiên chảy trực tiếp ra bể chứa được kè bởi những tảng đá to nhỏ khác nhau. Các bể chứa luôn có một cửa thoát ra ruộng bằng những đường mương, khe chảy cũng được tạo thành bằng cách xếp đá. Bể chứa là nơi người dân dùng để lấy nước ăn ở khu vực bên trong gần miệng mạch nước ngầm, phần bên ngoài là nơi để tắm, giặt. Tiêu biểu cho loại giếng này là giếng Bà, giếng Ông, giếng Tép tại làng Hảo Sơn.
      Loại hình giếng xếp đá cuối cùng có cấu trúc hoàn chỉnh nhất. Tiêu biểu cho loại hình giếng xếp này hiện còn là giếng Đào, giếng Trạng, giếng Kình, giếng Máng, giếng Côi, giếng Gái. Đây là hệ thống thủy lợi liên hoàn với nhiều chức năng hoàn toàn khác so với hai loại hình giếng có sử dụng bi và giếng có bể lớn ngay tại mạch nước ngầm. Giếng này có hai hoặc ba bậc cấp. Trên cùng, ngay tại mạch nước ngầm chảy ra là một mặt bằng xếp đá cuội rộng hẹp khác nhau được gọi là bể lắng (hay bãi hứng). Mực nước ở đây thường nhỏ và cạn, không quá 0,2m. Theo nhân dân địa phương, không ai được phép lấy nước ở bể lắng này. Tiếp theo đó là một bộ phận bãi tràn và bể chứa. Nước từ bể lắng chảy xuống bể chứa, qua bãi tràn có các máng đá (cũng có giếng nước chỉ thấm qua lỗ ở vách ngăn vì không có máng đá). Các máng đá này thường được chế tác có nửa hình trụ tròn dài 1,3m – 1,5m. Bế chứa thông thường có hình tròn hoặc hình bầu dục được xếp đá xung quanh, phía ngoài có một đường cho nước thoát ra. Đây là nơi người dân lấy nước sinh hoạt hoặc phục vụ tắm giặt. Thấp hơn bể chứa là các bể tháo nước. Nước qua đường dẫn từ bể chứa xuống, đây là nơi uống và tắm của trâu bò. Kích thước của các bể này thường lớn. Cuối cùng là hệ thống rảnh, mương dẫn nước chảy từ bể tràn, bể chứa ra ruộng.
        Một hệ thống hoàn chỉnh như vậy là điều đáng kinh ngạc trong kỹ thuật dẫn thủy nhập điền hàng ngàn năm trước. Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết được chủ nhân thực sự của những ngôi giếng cổ này là ai. Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra với các nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất đã kiến giải rằng chủ nhân của những công trình đá xếp dẫn thủy này là nhóm dân tộc nói ngôn ngữ Môn - Khơme mà ngày nay còn hai dân tộc sinh sống tại Quảng Trị là dân tộc Bru Vân Kiều và Tà ôi. Nhóm ý kiến thứ hai của học giả người Pháp Madeleine Colani, cho rằng xây dựng lên những công trình này là nhóm một dân tộc ngoại lai có gốc đa đảo. Một quan điểm khác của học giả Tạ Chí Đại Trường trong tác phẩm “Những bài dã sử Việt” của mình cho rằng: chủ nhân của những hệ thống này là người Việt di cư từ Bắc vào. Nhóm ý kiến được nhiều người tán thành nhất, đại diện là Giáo sư Trần Quốc Vượng, PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung và Thạc sỹ Lê Đức Thọ - PGĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị. Các nhà nghiên cứu này cho rằng, hệ thống công trình khai thác nước này thuộc về người Chăm. Niên đại của những ngôi giếng cổ trở thành đề tài gây tranh cải hàng chục năm và sẽ còn tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu. Tuy vậy, dù chủ nhân có là ai đi nữa, người đời sau đã, đang và sẽ vô cùng thán phục cách ứng xử vô cùng khôn khéo, thông minh trước tự nhiên của các bậc tiền bối.
        Du khách đến Gio An còn được thưởng thức món rau Liệt – là loại rau sạch bám nhẹ trên đất đá, lớn lên xanh tốt nhờ lấy dinh dưỡng chủ yếu từ nước giếng cổ. Nhiều người thử bơm nước giếng cho chảy vào ruộng nhưng rau không phát triển được. Loại rau này thật đặc biệt, người trồng rau Liệt không cần phải bón phân hay phun thuốc trừ sâu, du khách có thể ăn thử rau ngay tại ruộng. Thương hiệu rau Liệt Gio Linh ngày càng có tiếng trong và ngoài tỉnh, nhất là khi vấn đề an toàn thực phẩm đang trở nên vô cùng nóng bỏng như hiện nay. Hệ thống giếng cổ Gio An là công trình vừa có giá trị lịch sử vừa mang một tầm vóc về chiều sâu văn hóa. Địa chỉ này đang ngày càng được quan tâm và trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa đến thăm và trải nghiệm hành trình trở về cội nguồn của cha ông ta thời xưa - ngày các mẹ, các chị vẫn ra giếng làng gánh nước, trẻ con thi nhau quẫy nước tắm tuổi thơ, đàn trâu bò ung dung uống nước mỗi chiều về no cỏ.
Đến với Gio An hôm nay - giữa lúc cái nắng chang chang của mùa hè đang len lỏi khắp bờ cây ngọn lá; được đắm mình trong dòng nước mát lành; được tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên làng quê dung dị, mộc mạc; được thưởng thức món rau Liệt truyền thống; thì cũng giống như việc bạn đang đi giữa sa mạc hoang vu bỗng gặp một hồ nước mát trong vậy.
 

Tác giả bài viết: Tamin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây