Bánh tét mặt trăng – Đặc sản của quê hương Quảng Trị

Thứ hai - 26/12/2022 21:48
Mỗi năm Tết đến xuân về tôi nhớ lại những kỷ niệm cùng với Mẹ trong những ngày giáp Tết đó là giúp Mẹ làm bánh chưng, bánh tét, mà được cha ông ta đúc kết trong câu ca dao:
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
 
Bánh Tét mặt trăng đã dược nấu chín Ảnh: Lê Thị Thu Thanh

     Đây cũng là món không thể thiếu trong ngày Tết của gia đình tôi và người dân Quảng Trị. Nhắc đến bánh Tét không thể không nhắc đến làng Đại An Khê – xã Hải Thượng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với đặc sản bánh Tét mặt trăng gắn liền với người dân làng từ đời này sang đời khác. Sở dĩ được gọi là bánh Tét mặt trăng bởi bánh khi cắt ra có hình bán nguyệt như vầng trăng khuyết, một đôi bánh thường được cột với nhau để khi xếp hình lại sẽ được một vầng trăng tròn, mang ý nghĩa mỗi lứa đôi đều sẽ được hạnh phúc viên mãn, đủ đầy. Đây cũng là sản phẩm để dân làng Đại An Khê lưu giữ, nhắn nhủ với các thế hệ con cháu không quên cội nguồn đồng thời là nghề truyền thống được phát huy trong đời sống hiện đại.
     Làng nghề truyền thống làm bánh Tét Đại An Khê là làng nghề nổi tiếng bậc nhất Quảng Trị, nơi mà mỗi ngày hàng nghìn chiếc bánh được xuất đi khắp nơi trong tỉnh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... Nếu ai một lần đặt chân đến làng Đại An Khê và thưởng thức bánh Tét mặt trăng truyền thống ở đây, có lẽ sẽ chẳng thể nào quên được. Nghề làm bánh Tét mặt trăng truyền thống ở Đại An Khê có từ khi nào, ngay cả đến các bậc cao niên trong làng cũng không thể nào nhớ được, chỉ biết rằng khi họ lớn lên thì nghề làm bánh Tét đã có rồi. Cứ vậy, người đi trước truyền lại cho người đi sau và nghề gói bánh Tét mặt trăng đã trở thành một nét văn hóa, bản sắc riêng của người dân làng Đại An Khê.
     Nếu nói đến bánh Chưng, bánh Tét thì khắp đất nước Việt Nam ở đâu cũng có, nhưng điểm khác biệt so với những vùng miền khác làm nên thương hiệu của làng bánh Đại An Khê đó chính là bí quyết “gia truyền” mà cha ông để lại từ xa xưa. Hiện cả làng Đại An Khê có khoảng 25 hộ nấu bánh với quy mô lớn, trung bình mỗi hộ nấu từ 300-500 bánh chưng, bánh tày, bánh tét mặt trăng mỗi ngày để cung cấp ra thị trường.
     Được coi là “đại gia” thường niên và lâu năm có tiếng của làng bánh Tày, bánh Tét mặt trăng, năm nào cũng vậy, giáp Tết, nhà ông Đào Bá Vây lại đông khách ra vào tấp nập bởi số người đến đặt bánh, gói bánh và chuyển bánh đi khắp nơi. “Nhà tôi gói bánh Tày, bánh Tét mặt trăng quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là vào dịp Tết cuối năm, số lượng lên cả vạn chiếc. Không làm xuể nên thời điểm cận Tết, tôi phải mướn người gói thuê ở làng. Người lau lá chuối, người gói bánh, người thì trông canh nồi bánh để giao cho khách, người thì ghi chép đơn đặt hàng của khách… Các khâu tạo thành một hệ thống chuyên nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng, ngon và vị đậm đà của bánh. Sản phẩm bánh của chúng tôi tuyệt đối không sử dụng chất phụ gia hay tạo màu mà hoàn toàn bằng thiên nhiên với nếp, nước lá rau ngót, đậu xanh, thịt heo, lá chuối và gia vị. Chính vì vậy, bánh của gia đình tôi luôn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng giữ vững”, ông Vây chia sẻ. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, gia đình ông Vây gói trên 1 tấn nếp để làm các loại bánh tày, bánh tét và bánh chưng xuất bán. Vì giữ nghề, yêu nghề và không muốn nghề gói bánh tét mặt trăng ở Đại An Khê bị mai một nên ông Vây quyết tâm giữ bằng được.  Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Hải Lăng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, qua đó từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm OCOP, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, UBND và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Thượng đã phối hợp với phòng Công Thương huyện Hải Lăng tạo điều kiện thành lập “Tổ hợp tác (THT) sản xuất bánhTtét mặt trăng thôn Đại An Khê” hỗ trợ người dân kinh doanh và phát triển làm bánh hiệu quả hơn. Đến nay THT có 20 thành viên.
    Cuối năm 2021, sản phẩm bánh Tét mặt trăng Đại An Khê được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khẳng định được chất lượng của bánh Tét mặt trăng, đồng thời giúp người tiêu dùng thêm yên tâm hơn khi sử dụng.

 
Sản phẩm bánh Tét Mặt Trăng Đại An Khê được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022
Ảnh: Lê Thị Thu Thanh

     Tổ trưởng THT sản xuất bánh Tét mặt trăng thôn Đại An Khê Hoàng Thị Kim Cúc cho biết: “Việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP đã đem lại nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm bánh Tét mặt trăng của THT. Đặc biệt, dịp cuối năm 2021, THT đã tiêu thụ số lượng sản phẩm bánh kỷ lục, số lượng tăng gấp khoảng 1,5 lần so với những năm trước đó. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ vững thương hiệu bánh tét mặt trăng, trong quá trình sản xuất, các thành viên của THT luôn tuân thủ theo các tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm bánh Tét Mặt trăng ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Ngoài bánh Tét, THT còn sản xuất thêm bánh Tày, bánh Chưng vô cùng độc đáo. Giá mỗi loại bánh dao động từ 35.000đồng/kg đối với bánh Tét và 12.000đ/cặp với bánh Tày. Nhờ làm nghề truyền thống bánh Tày, bánh Tét Mặt trăng, những năm gần đây đã có nhiều gia đình trong thôn Đại An Khê thoát nghèo và những cái Tết cũng ấm no hơn nhờ vào nghề này.
     Thời gian qua, sản phẩm bánh Tét mặt trăng đã trở nên nổi tiếng bởi sự độc đáo, chất lượng thơm ngon. Không chỉ tiêu thụ tại địa phương trong mỗi dịp lễ, tết, đến nay bánh Tét Mặt trăng đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh và trong nước.
Những ngày Tết đến Xuân về, những chiếc bánh Chưng, đòn bánh Tét luôn có trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình để dâng cúng ông bà tổ tiên. Đây là nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt từ xa xưa. Mỗi miếng bánh như là lời dặn dò của thế hệ trước đối với con cháu sau này phải luôn giữ gìn truyền thống của dân tộc. Người Việt ở xa xứ dù có thưởng thức những món ăn của Âu - Á nhưng họ vẫn nhớ và thưởng thức món bánh Chưng, bánh Tét của dân tộc.
      Bánh Tét là món ăn bình dị, dân dã không thể thiếu của người Việt Nam vì nó tượng trưng cho món ăn ngày Tết. Màu xanh của bánh, vị béo của miếng thịt mỡ béo ngậy đã đủ đánh thức vị giác, đánh thức không khí Tết đang về trên khắp mọi miền đất nước ta. Không chỉ để ấm lòng, món bánh tét ngày Tết còn là một nếp văn hóa thể hiện qua dấu ấn ẩm thực của người Việt. Việt Nam còn Tết thì còn bánh Chưng, bánh Tét. Vì vậy Làng Đại An Khê đã giữ gìn, phát huy món bánh Tét Mặt trăng hơn hàng trăm năm tuổi, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực và văn hóa Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung.
      Bánh Tét Mặt trăng là một đặc sản nổi tiếng, một nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của Quảng Trị. Người dân Quảng Trị tự hào với đặc sản quê mình. Mỗi khi nhắc đến Quảng Trị du khách không thể nào quên được bánh Tét Mặt trăng vừa ngon, vừa béo, vừa thơm, có màu xanh bắt mắt mà cũng không nơi nào làm giống được. Có thể nói bánh Tét Mặt trăng luôn gắn bó với cuộc hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực, du lịch ở vùng đất Quảng Trị. Đây là điểm đến cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm rất thú vị mỗi khi đến Quảng Trị./.

Tác giả bài viết: Lê Thị Thu Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây