Thị xã Quảng Trị nhìn từ trên cao
50 năm kể từ ngày giải phóng quê hương và cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hơn 30 năm thị xã Quảng Trị trở về với tên gọi thân thương của mình, thời gian chưa phải là dài so với bề dày lịch sử 210 năm của thị xã, vết thương chiến tranh chưa lành hẳn trên thân đất, thân người… nhưng thị xã đã vươn mình đứng dậy, khắc phục khó khăn, nỗ lực không ngừng, đạt được những thành tựu to lớn và tương đối toàn diện.
Cùng với việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, thị xã Quảng Trị đã chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch và phát triển du lịch. Hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích được hoàn thiện. Các di tích lịch sử văn hóa, các công trình tưởng niệm được trùng tu, nâng cấp. Thành cổ - Tháp chuông – Quảng trường Giải phóng - Đền tưởng niệm bến thả hoa bờ Nam, bờ Bắc và sông Thạch Hãn trở thành “không gian thiêng” trong không gian tưởng niệm Thành cổ. Lễ hội hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sĩ trở thành sản phẩm đặc trưng riêng có của địa phương.
Việc kết nối trung tâm di tích Thành cổ với cụm di tích lưu niệm 81 ngày đêm và các di tích lịch sử văn hóa trong khu vực như: Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổ đình sắc tứ Tịnh Quang, Nhà thờ La Vang, Nhà thờ Trí Bưu, Nghĩa trũng đàn... được chú trọng. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn và các dịch vụ phục vụ du khách được khuyến khích phát triển. Từ năm 2018 đến nay, thị xã đã tổ chức và duy trì hoạt động của phố đi bộ Ngô Quyền, định kỳ tổ chức các hoạt động tri ân, tưởng niệm kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đường phố để thu hút du khách. Giai đoạn 2015-2020, lượng du khách đến với thị xã trên 1,78 triệu lượt người, những tháng đầu năm 2022 có tăng... và tập trung vào các dịp lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước; trong đó, năm cao nhất (2018) khoảng 400.000 lượt. Những nỗ lực của thị xã trong thu hút và phát triển du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và tạo dấu ấn về một đô thị vừa có bề dày lịch sử - văn hóa - cách mạng, vừa trẻ trung hoà vào dòng chảy của thời đại với đầy ắp khát vọng hòa bình - phát triển.
Cùng với những sản phẩm hoài niệm và tâm linh, thị xã Quảng Trị còn có một địa thế hài hòa, sông nước nước hữu tình. Nằm hai bên bờ đầu nguồn sông Thạch Hãn, dòng sông linh thiêng đã đi vào thơ ca như những trang sử bi tráng thấm đượm máu và hoa. Trung tâm thị xã thuộc bờ Nam con sông, có chiều dài hơn 15km, hai bên đoạn sông này có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đầu nguồn là con đập tràn của công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn, có dòng nước trong xanh đổ về từ sông Ba Lòng và sông Đakrông, nơi đoạn gần con đập là môi trường sống lý tưởng cho dòng cá chình, cứ mỗi mùa nước lũ tràn về, từng đàn cá con ngược dòng, vượt con đập lên sinh sống ở sông Ba Lòng. Chính vì thế, đầu nguồn sông Thạch Hãn có nhiều mô hình nuôi cá chình lòng đã xuất hiện nhiều năm nay. Chùa Long An nằm bờ Bắc con sông thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, đây là một ngôi chùa có từ lâu đời và có quy mô lớn; bến thả hoa đăng hai bờ Bắc Nam ngay trung tâm thị xã; Khu di tích tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm ở bờ Bắc phía Đông của thị xã.
Từ thị xã Quảng Trị xuôi về theo con sông gần 20km là đến bãi tắm Cửa Việt, khi đi qua đoạn sông này có nhiều khu rừng cây bần cao 4-5m hai bên bờ sông, đây là dự án trồng rừng chống xói lở bờ sông, có nhiều đàn chim, cò tá túc, dưới chân cây rừng có nhiều hải sản như tôm, cua, cá sinh sống phát triển…Với quần thể này, thị xã Quảng Trị còn có tiềm năng phát triển du lịch trên sông với nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, đến nay trên dòng sông này mới có một số hoạt động mang tính tâm linh, đó là lễ hội “Đêm hoa đăng” được tổ chức vào những dịp lễ kỷ niệm, hay đêm rằm, 30 mùng 1 âm lịch.
Đêm hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn
Tổng quan thị xã Quảng Trị, với góc nhìn về lĩnh vực phát triển du lịch thì thị xã Quảng Trị có những nét khá tương đồng với thành phố Hội An (Quảng Nam). Hội An có danh lam, thắng cảnh, có sông, ở thị xã Quảng trị có bề dày lịch sử, và cũng có sông nước… Nhưng Hội An đã trở thành điểm đến du lịch ấn tượng với du khách thập phương trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư đến với thị xã Quảng Trị để phát triển du lịch, mà tiềm năng chưa được đánh thức.
Lãnh đạo thị xã Quảng Trị cũng thừa nhận rằng: Với tư cách là một điểm đến, du lịch thị xã Quảng Trị phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch hiện có không nhiều, quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu; nguồn vốn đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp; thu hút đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế; công tác tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả…
Để phát triển về lĩnh vực du lịch ngang tầm mà vốn dĩ tiềm năng đã có ở thị xã Quảng Trị, nhiều chuyên gia phát triển du lịch cho rằng, tỉnh Quảng Trị nói chung, thị xã Quảng Trị nói riêng cho rằng, thời gian tới thị xã Quảng Trị tiếp tục khai thác, phát huy một số sản phẩm du lịch hiện có như trở lại chiến xưa và đồng đội, kết hợp tham quan các di tích văn hóa và cồng trình tri ân tưởng niệm, tour du lịch văn hóa hiện có, kết hợp du lịch sinh thái, khám phá các thắng cảnh tự nhiên ở địa bàn thị xã và vùng lân cận; tour du lịch hoài niệm... Đồng thời, triển khai thực hiện thêm một số sản phẩm du lịch mới, như tour du lịch cộng đồng; tour theo dòng Thạch Hãn, cụ thể là từ trung tâm thị xã đưa du khách đi thăm những địa danh lịch sử và thắng cảnh nằm bên dòng sông theo hai hướng ngược lên thượng nguồn và xuôi dòng ra biển, du thuyền trên sông và hát cho đồng đội tôi nghe...
Đặc biệt chú trọng và triển khai sôi động công tác quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch của thị xã, đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn đến với thị xã Quảng Trị, một địa chỉ giàu tiềm năng phát triển du lịch chưa được đánh thức.