6. Mít thấu
Món mít thấu Quảng Trị được làm từ rất nhiều nguyên liệu như mít non, miến dong, da heo, đậu phụ, rau sống, lạc rang… Mít non bỏ vỏ, thái miếng vừa phải, cho vào nồi, đậy kín nắp và luộc già lửa đến khi chín mềm. Băm nhỏ (hoặc xé nhỏ) mít non vừa luộc. Miến dong ngâm qua nước lạnh khoảng 10 phút, sau đó cho vào nước sôi luộc qua (miến phải dai vừa phải, không được quá chín). Đậu phụ chiên vàng, thái sợi vừa ăn. Da heo rửa sạch, thái mỏng (hoặc có thể luộc qua trước khi thái).
Mít thấu (Ảnh: Tamin)
Quy trình chế biến món mít thấu như sau: Làm nóng hai thìa cà phê dầu ăn trong chảo, đổ hành tím vào phi thơm. Cho mít, đậu hũ, da heo vào, dùng đũa đảo đều; nêm thêm xì dầu, hạt nêm, muối, nước mắm, ớt bột và để lửa nhỏ đến khi gia vị thấm. Khi hỗn hợp trên đã thấm gia vị, tiếp tục cho miến dong vào đảo liên tục để miến không bị dính vào nhau. Mít thấu thường ăn kèm với rau sống, mì chiên giòn, và đậu phụng. Món ăn dân giã này được các bạn trẻ rất ưa chuộng, một phần bởi giá cả rất “bình dân”, nhưng điều lôi cuốn hấp dẫn thực khách vẫn là hương vị đậm đà được hòa trộn bởi đậu phụng rang giòn, miến dong dai dai, mít non bùi bùi, và không thể thiếu vị cay nồng của ớt.
7. Bún hến Mai Xá
Bún hến Mai Xá (Ảnh: Tamin)
Bún hến Mai Xá là một đặc sản của làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) . Đây là một món ăn ngon và nổi tiếng ở Quảng Trị. Sự khác biệt của món Bún hến Mai Xá với những thương hiệu bún khác chính là "Chắt chắt", một loài sinh vật nước lợ này giàu chất đạm nên rất bổ dưỡng.
Công đoạn chế biến món Bún hến này cũng khá kì công. “Chắt chắt” sau khi được cào từ sông về, phải được ngâm bằng nước vo gạo và ớt qua đêm để nhả hết sạch bùn. Hôm sau, “chắt chắt” được luộc bằng nước sôi trong vòng 15 phút, muốn cho “Chắt chắt” ra vỏ nhanh và đều, phải dùng đũa khuấy qua. Sau đó, “chắt chắt” được vớt ra rổ, lọc bỏ vỏ. Bún hến làng Mai sẽ trọn vẹn vị ngon khi “Chắt chắt” được ướp thấm gia vị. Phần nước luộc được lọc sạch, thêm tiêu, ớt, gừng để tạo nên hương vị thơm mát, đậm đà khó có loại nước dùng nào sánh được. Một tô Bún hến phải đầy đủ các thành phần: Chắt chắt, bún, rau sống, bánh tráng, đậu phụng, gia vị ớt tiêu gừng; và ăn kèm một chén nước luộc chắt chắt. Trộn đều bát Bún Hến trước khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị hòa quyện của chắt chắt ngọt mát, rau sống tươi non, bánh tráng giòn tan, và nước dùng thơm nóng.
Bún Hến làng Mai là một món ăn dân dã, mang đậm hương vị riêng của một vùng quê tỉnh Quảng Trị, khiến ai đã từng được thưởng thức thì sẽ nhớ mãi không quên, muốn một lần được quay lại. Đây chính là món ngon góp phần tô điểm, làm phong phú nền ẩm thực của Quảng Trị nói riêng và những làng quê Việt Nam nói chung.
8. Cháo bột vịt
Bên cạnh những món cháo nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị, Cháo bột vịt khiến du khách gần xa không thể quên nếu đã một lần được thưởng thức.
Cháo bột vịt được nấu bằng bột lọc, bột gạo hoặc bột mì. Điều đặc biệt khiến món cháo này trở nên hấp dẫn đó là: Cháo thường được nấu với vịt cỏ - một loại vịt chắc thịt và ít mỡ. Thịt vịt sau khi được chặt nhỏ và ướp các gia vị như nước mắm, tiêu, ném, ớt, gừng, bột ngọt… khoảng 1 tiếng là có thể nấu được.
Quy trình chế biến món Cháo bột vịt đòi hỏi tính kì công và tỉ mỉ: Bắc chảo với ít dầu lên bếp phi thơm với củ ném, rắc ớt bột làm màu cho hấp dẫn rồi đổ vịt đã thấm gia vị lên xào. Khi vịt vừa chín tới thì tắt lửa, vịt không nên xào quá lâu vì khô miếng thịt, đến lúc hầm sẽ mất vị ngọt. Sau đó, nấu một nồi nước sôi, cho vịt đã xào lên hầm đến khi miếng vịt mềm chín tới. Khi vịt đã mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn, nếu có ruốc thì thêm một ít sẽ nghe mùi rất thơm.
Một tô cháo bột vịt thường có nước dùng rất thơm ngon và đậm đà. Cháo sẽ ngon hơn khi ăn kèm với hành, tiêu và một chén nước mắm gừng. Du khách thưởng thức món ăn này sẽ được cảm nhận được vị ngon của sợi bột nóng dai, cùng thịt vịt mềm, chắc thịt mà không kém phần đậm đà, thơm ngon cùng vị cay nồng mặn mà của nước mắm và tiêu gừng ớt đính kèm.
Với người dân nơi đây, món ăn này rất phổ biến, có thể ăn sáng, ăn bữa chính, hay dùng cả trong tiệc tùng hội hè, đám giỗ. Với du khách và những người con xa quê hương, Cháo bột vịt có lẽ là một trong những thứ khiến họ xao xuyến khó quên mỗi lần nhắc đến Quảng Trị yêu thương.
Cháo bột vịt (Ảnh: IPA Quảng Trị)
9. Bánh ướt An Lạc
Bánh ướt An Lạc (Ảnh: Tamin)
Sở dĩ, món ăn có tên gọi là bánh ướt An Lạc bởi nó được làm ra từ những người con của mảnh đất An Lạc, nay thuộc phường Đông Giang, Đông Hà, Quảng Trị. Món ăn là sự kết hợp hài hòa giữa độ tươi ngon của nguyên liệu và sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm bánh. Nhiều người thường đùa rằng, đến Quảng Trị mà chưa nếm thử món ăn này nghĩa là chưa thực sự trải nghiệm văn hóa ẩm thực nơi đây.
10. Trâu lá trơơng
Trâu lá trơong là một trong những món ăn ngon và nổi tiếng, tô điểm cho sự đa dạng của ẩm thực Quảng Trị.
Thịt trâu khá phổ biến ở khắp các vùng miền của đất nước Việt Nam, nhưng ở Quảng Trị, thịt trâu được chế biến và ăn kèm với một loại lá thường mọc ở vùng rừng núi Quảng Trị: Lá trơơng. Lá trơơng sờ vào thấy cứng, có gai nhọn nhỏ ở phần rìa lá và gân sau của lá. Loại lá này có mùi thơm rất riêng biệt và chút cay nồng, thường dùng cuốn với thịt trâu ướp nướng, trâu hấp hoặc thái mỏng với món thịt trâu xào. Thịt được chọn chế biến các món ăn này phải là thịt trâu non (mềm, ngọt).
Món trâu nướng ăn kèm lá trơng (Ảnh: IPA Quảng Trị)
Món nướng: Thịt trâu cắt bản vừa, ướp thấm gia vị, sau đó đưa lên nướng. Vĩ nướng được lót lá lốt đều hai mặt. Lớp lá lốt này khi nướng lên sẽ có mùi thơm, thấm vào thịt. Nướng thịt trên bếp than hồng cho tới khi se lại, nghe mùi thơm của thịt, thấy mỡ thấm qua lá lốt chảy ra bên ngoài. Bốc lớp lá lốt đã có phần cháy sạm sẽ thấy được phần thịt trâu chuyển màu nâu vàng óng ánh mỡ. Đem thịt ra thái miếng vừa ăn, bày ra đĩa cùng lá lốt, đậu bắp hoặc rau cải. Thịt trâu nướng ăn kèm với lá trơng, cùng dĩa muối tiêu ớt giả mịn, vắt thêm ít chanh. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt trong từng thớ thịt giòn dai, vị thơm nhẹ nhàng của mùi lá lốt quyện vào thịt, và vị cay cay nồng nồng của lá trơng. Những người chuộng cay còn ăn kèm thêm tỏi và tiêu tươi, sẽ thêm phần hấp dẫn và đậm đà cho món ăn.
Món xào: Thịt trâu được thái mỏng từng miếng vừa ăn, ướp gia vị. Lá trơơng rửa sạch, để ráo nước, thái bản mỏng. Cho một ít dầu ăn vào chảo, cho tỏi và ớt tươi vào phi thơm. Thịt trâu sau khi ướp thấm cho lên chảo, đảo đều, to lửa đến khi chín tái thì xúc tạm ra dĩa. Tiếp tục cho thêm ít dầu ăn và hành tây vào chảo đảo qua. Khi hành tây vừa chín tới, cho thịt trâu vừa xào và lá trơơng vào đảo thêm một chút nữa là được. Vị cay nhẹ của lá Trơơng, hăng hăng của hành hòa quyện với cái ngọt của thịt trâu non khiến món ăn trở nên hấp dẫn, thơm ngon, làm mê mẩn thực khách.
Món trâu xào lá trơng (Ảnh: IPA Quảng Trị)
11. Nem lụi Chợ Sãi
Nem lụi chợ Sải là món ăn mang đậm chất vùng quê Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị, vốn được biết đến là nơi sinh ra và lớn lên của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, một trong những học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyên liệu chính để làm nên món nem lụi gồm thịt heo được xay nhuyễn và bì thái mỏng như miến. Đem tất cả các nguyên liệu này ướp cùng muối, tiêu, đường, và trộn đều lên. Sau đó đem thịt vo dài xiên vào thanh tre mỏng rồi đem nướng trên than hồng cho đến khi chín. Điều thú vị làm nên hương vị đặc biệt quyến rũ thực khách đó chính là bát nước chấm. Nước chấm nem lụi chợ Sải được chế biến vô cùng đặc biệt: đậu phộng, thịt heo được xay nhuyễn, thêm chút nước mắm để cô đặc lại, nếm thêm gia vị vừa đủ, tạo nên một chút hương vị vùng quê qua bát nước chấm đặc sệt, thơm ngon.
Người miền Trung khi ăn, thường cuốn nem lụi thêm ít rau thơm, chuối xanh, dưa chuột, xoài thái mỏng cuộn trong bánh tráng, rồi chấm với thứ nước chấm cũng rất đặc biệt. Mùi thơm của miếng nem lụi nướng vàng ươm, chút cay cay của tiêu và ớt, vị ngọt của xoài, khẽ béo ngậy, bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát từ rau xanh…tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị hài hòa và vô cùng tinh tế.
Nem lụi ăn kèm với rau sống (Ảnh: Tamin)