Tiềm năng tuyến du lịch đường sông Đông Hà – Thị xã Quảng Trị

Thứ tư - 22/12/2021 19:55
Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng mà tỉnh Quảng Trị đang thúc đẩy đầu tư và quảng bá. Nhiều tour, tuyến du lịch đã và đang được hình thành cùng với việc xúc tiến xây dựng cầu tàu và bến du thuyền đã mở ra hướng mới cho phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với tăng cường khảo sát, mở rộng tour, tuyến, điểm đến mới của các hãng lữ hành, bằng nhiều hình thức khác nhau, sản phẩm du lịch đường sông đang dần trở thành một trong những thế mạnh lớn của ngành du lịch Quảng Trị, góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn cho du khách.
 
Với lợi thế có sông chảy quanh thành phố Đông Hà, có cửa biển sông Thạch Hãn chảy ra, các tuyến du lịch đường sông bằng du thuyền, thưởng ngoạn cảnh quan hai bên bờ sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Đặc biêt, dọc theo con sông Thạch Hãn gắn liền với các di tích lịch sử, sự phát triển, đổi thay của thành phố như: Đình làng Lập Thạch, ngã ba Gia Độ, chùa Long An, Bến Hoa đăng... Đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm thú vị; đồng thời, từng bước khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, đang là xu thế tất yếu trong du lịch. Theo đó, phát triển du lịch đường sông Đông Hà – Thị xã Quảng Trị trở thành một sự lựa chọn phù hợp đối với tỉnh Quảng Trị, dựa trên tiềm năng sẵn có và những ưu thế vượt trội.
1. Cảng Đông Hà
Cảng quân sự Đông Hà hôm nay (Ảnh: Phan Hoài An)

Cảng Đông Hà nằm ở bờ nam sông Hiếu, cạnh quốc lộ 1A và cầu Đông Hà trên địa phận làng Điếu Ngao (nay thuộc khu phố 5, phường 2, thành phố Đông Hà), cách Cảng biển Cửa Việt chừng 13 km về phía Tây. Cảng được xây dựng năm 1967, làm nơi tập kết hàng hóa, phương tiện chiến tranh bằng đường thủy phục vụ cho chiến trường Đường 9 - Nam Lào và Bắc Quảng Trị của địch. Sau năm 1972, khi cụm cứ điểm Ðông Hà bị tiêu diệt, Cảng quân sự Ðông Hà nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng và trở thành một trong những nơi tập kết, giao nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, trước khi vận chuyển vào phía Nam. Di tích cảng quân sự Đông Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.

2. Di tích đình làng Lập Thạch
Đình làng Lập Thạch (Ảnh: Phan Hoài An)

Ngôi đình nằm sát bờ Tây sông Thạch Hãn thuộc địa phận làng Lập Thạch, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, cách quốc lộ 1A khoảng 1,5km về phía Đông.  Đình làng được xây dựng trong những năm cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Khuôn viên của đình có nghi môn và hệ thống tường thành ở 3 phía được tạo dựng rất công phu, bên trong có đại đình theo kiểu nhà Rường, bố trí theo chiều ngang. Trong đình, ngoài nghi môn thì ngôi đình chỉ được tạo bởi hai nếp nhà song ngang theo lối chữ “nhị” với lối kiến trúc bình thường như một nhà dân, quy mô nhỏ bé. Tiền đường là một ngôi nhà xông 3 gian thông thoáng dùng làm nơi tổ chức các cuộc hội họp, ăn uống trong những ngày tế, lễ.
 
Toàn cảnh Đình làng Lập Thạch (Ảnh: Phan Hoài An)

Đình làng Lập Thạch là công trình có giá trị về văn hoá, nghệ thuật; nhất là công trình nghi môn. Đình toạ lạc ở vị trí đắc địa về phong thuỷ và có sơn thuỷ hữu tình, quay mặt về hướng đông nam. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh, hiền hoà đóng vai trò như một minh đường; hậu chẩm dựa lưng vào xóm làng, ruộng đồng trù phú.

3. Địa điểm bờ Bắc ngã ba Gia Độ
Di tích Ngã ba Gia Độ (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Di tích ngã Ba Gia Độ nằm ở đoạn hợp lưu của hai con sông Thạch Hãn và sông Hiếu Giang, thuộc địa phận phường Đông Giang, TP. Đông Hàcách quốc lộ 1A chừng 5km về phía đông bắc. Hơn 50 năm về trước, vào mùa Xuân năm 1968, trên dòng sông này, đã tái diễn một trận “Bạch Đằng trên sông Hiếu” của quân và dân Quảng Trị. Thắng lợi ấy đã cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược của Mỹ - Ngụy và khởi đầu cho nhiều chiến công hiển hách về sau của quân và dân ta và tạo tiền đề cho chiến dịch Đường 9 – Nam Lào thành công sau này.

4. Khu di tích nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Khu di tích nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (Ảnh: Phan Hoài An)

Khu di tích nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, thuộc địa phận làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Khu di tích bao gồm: Nhà lưu niệm đồng chí Lê Duẩn – nơi sinh hoạt của gia đình đồng chí từ khi chuyển từ Bích La Đông lên Hậu Kiên và hiện nay là nơi thờ tự hai cụ thân sinh và đồng chí tại quê hương. Nhà tưởng niệm, là nơi tổ chức lễ viếng thăm của khách hành hương và khách tham quan. Nhà trưng bày lưu niệm là nơi trưng bày những hiện vật, tư liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp đồng chí Lê Duẩn.

Nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng, gần với cụm di tích 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Khu di tích lưu niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn còn là một trong những địa chỉ tham quan du lịch, “hành hương về cội nguồn” của các cựu chiến binh, du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Quảng Trị, làm tăng thêm tính sinh động, phong phú và đa dạng cho loại hình di tích lịch sử cách mạng Quảng Trị.  Ngoài ra, quý khách có thể ghé thưởng thức những món ăn ở vùng quê này như Nem Lụi chợ Sải và bánh ướt Phương Lang đặc sản của vùng quê Triệu Thành – Triệu Phong.

Khu di tích là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và là một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống, sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ không chỉ riêng đối với Quảng Trị mà còn đối với cả nước. chính vì vậy, ngày 29/10/2010 Khu di tích nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 3810/QĐ-BVHTTDL.

 
Khu di tích nhà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhìn từ sông Thạch Hãn vào (Ảnh: Phan Hoài An)

5. Chùa Long An
Chùa Long An (Ảnh: Phan Hoài An)

Tọa lạc tại địa phận của làng Xuân An, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, hướng ra dòng sông Thạch Hãn yên bình và trong xanh, chùa Long An có cổng chùa được thiết kế theo lối tam quan vọng gác. Hai bên sân chùa là tượng bà Quan âm bồ tát và chuông đồng, mang lại sự uy nghiêm và tĩnh lặng cho nơi này. Diện tích chùa Long An khá rộng và cao, gồm có chính điện, nhà thờ và nhà tăng cùng các công trình phụ trợ khác. Chính điện được làm hoàn toàn bằng gỗ, thờ bổn sư, quan âm, địa tạng, tam thế với ý nghĩa giúp chúng sinh buông bỏ những muộn phiền, tham sân si mà về với bản ngã tự nhiên nhất của con người: Vị tha, bao dung và yêu thương nhau.

Đây là ngôi chùa quê hương của cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu, trong hàng trăm năm tồn tại chùa đã nhiều lần trải qua sự tàn phá của thiên tai cũng như chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chùa đã bị san bằng bởi bom đạn. Năm 2015, chùa được cho xây dựng và tái tạo lại nằm bên bờ sông Thạch Hãn huyền thoại. Ngôi chùa được biết đến như một trong những chứng tích còn sót lại sau chiến tranh đầy bom đạn bên dòng sông Thạch Hãn huyền thoại.

6. Bến Hoa Đăng – Sông Thạch Hãn
Bến hoa đăng – Nơi tri ân các anh hùng liệt sỹ (Ảnh: Phan Hoài An)

Lịch sử đã ghi dấu ấn tại Thành cổ Quảng Trị bằng trận chiến khốc liệt, bi hùng, đó là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Và cũng trong những ngày tháng ấy, trên dòng sông Thạch Hãn, hàng ngàn chuyến đò từ bờ Bắc đưa các đơn vị bộ đội vượt sông sang bờ Nam để giữ Thành cổ Quảng Trị và nằm xuống trên dòng sông máu lửa này. Chính vì lẽ đó, thả hoa trên sông Thạch Hãn là hoạt động thường niên của nhân dân địa phương và cả nước nhằm tri ân những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hi sinh nằm xuống.
Hàng năm, cứ vào ngày 14,15 âm lịch và các ngày lễ nhân dân cả nước đều về đây, kính cẩn nghiêng mình, thắp một nén hương, thả một nhành hoa, ngọn nến trên sông để tri ân những người đã ngã xuống vì non sông. Hàng ngàn người tham gia đã thả 8.100 chiếc đèn hoa đăng trên sông, tượng trưng cho 81 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

7. Đập Tràn Hải Lệ
Đập tràn Hải Lệ (Ảnh: Phan Hoài An)

Ngược dòng sông Thạch Hãn đi lên, Đập tràn Hải Lệ - Công trình thuỷ lợi nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chống hạn phía Nam Thạch Hãn. Đây là địa điểm du lịch dã ngoại cuối tuần của nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ thích khám phá. Với phong cảnh dân dã, gió mát và nguồn nước mát tự nhiên, rất tuyệt vời cho du khách đến đây tận hưởng cảm giác trong lành, mát mẻ, cùng với đó là những bức ảnh check-in cùng bạn bè. Tại đây, quý khách cũng có thể thưởng thức Điệu Hò Như Lệ trên sông Thạch Hãn, một điệu hò mang tính đặc trưng của vùng quê yên bình.

Du lịch đường sông là một sản phẩm khá thịnh hành hiện nay, mỗi sản phẩm du lịch này đều có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, hoặc duyên dáng, quyến rũ, hoặc trầm tư, cổ kính. Đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm thú vị,đồng thời, từng bước khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, đang là xu thế tất yếu trong du lịch. Phát triển du lịch đường sông trở thành một sự lựa chọn phù hợp đối với Quảng Trị, dựa trên tiềm năng sẵn có và những ưu thế vượt trội.


 

Tác giả bài viết: Phan Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây