1. Chỉ là một vùng đồng bằng nhưng có đến hơn bảy mươi ngôi chùa, làng nào cũng có chùa. Trong đó có nhiều ngôi cổ tự là nơi xuất xứ của các cao tăng, nhiều ngôi chùa được vua ban sắc phong. Nhưng ám ảnh hơn cả, là những câu chuyện thiêng liêng về đức tin khiến ai đến một lần cũng nhớ mãi. Những chuyện ấy, kể thì tưởng là truyền thuyết hay cổ tích, nhưng chẳng phải, đấy là chuyện có thật, gắn liền với cuộc chiến tranh đau thương trong thế kỷ hai mươi. Để rồi có một sự kết nối của quá khứ với hiện tại, có sự hóa giải khúc mắc, và cả sự hòa giải giữa những người đôi bên chiến tuyến. Cái lằn ranh ấy, cái vĩ tuyến ngăn cách lòng người ấy, tưởng khó mà thật dễ, lại được hòa giải chính trên mảnh đất này.
Qua chùa làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, được nghe kể khi xưa chùa dựng trên một bãi cát. Mùa nắng gió thốc cát bay, mùa mưa rửa trôi đất, lồ lộ ra những hình tượng phật. Giặc Pháp biết chuyện cho ghe thuyền tấp vào bến lấy tượng phật chở đi. Nhưng rồi hằng năm, lại mưa lại gió, tượng phật cứ trồi lên nên người dân gọi là chùa Phật Lồi.
2. Đúng thật chuyện tâm linh không đùa được đâu. Biết bao nhiêu tượng phật và pháp khí của chùa làng ở vùng quê này bị hao tổn, thất lạc rồi lại được hoàn trả. Khi về chùa Trường Khánh ở làng Bồ Bản, xã Triệu Trạch lại được nghe chuyện về một tượng phật Quán Thế Âm nữa. Sư thầy Mãn Toàn trụ trì chùa thắp hương và thỉnh bức tượng nhỏ cỡ hai bàn tay xuống cho chúng tôi chiêm bái. Bức tượng bằng đá thạch anh trắng phau, vừa mới được trả lại chùa Bồ Bản năm 2018, sau nửa thế kỷ, đi nửa vòng trái đất. Câu chuyện ly kỳ này như một sự tích nhân quả, như một sự nhiệm mầu của đức tin, và được nhìn nhận dưới góc độ nhân văn về chiến tranh, về hóa giải hòa hợp.
Bức tượng Quan Âm bằng đá thạch anh được trả lại cho chùa Trường Khánh (Bồ Bản) (Ảnh: HCD)
Năm 1968, ông Muller là người chỉ huy một đại đội Mỹ thực hiện càn quét ở phía Đông Quảng Trị. Một lần, Muller dẫn đại đội qua làng Bồ Bản, ông đi vào một ngôi chùa đầu làng có tên hiệu Trường Khánh. Chùa tiêu điều bởi đạn bom, chỉ còn bốn cột gỗ, dưới đất có nhiều tượng Phật bị đánh rơi ngổn ngang. Nổi bật trong số đó có một tượng phật ngồi, tạc từ đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay. Muller lấy bức tượng cho vào ba lô mang đi.
Những cuộc hành quân sau đã lấy mất của ông Muller một chân. Khi về Mỹ, ông luôn ám ảnh cảnh bom đạn tang thương ở Việt Nam. Nhiều đêm Muller nằm mơ thấy mình đi qua những đổ nát hoang tàn khói lửa, và hiện lên một ngôi chùa làng, ông thấy chính mình trong giấc mơ đã lấy bức tượng. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại khiến Muller ấp ủ ước mơ phải trở về Việt Nam, phải trở về Quảng Trị, phải trở về ngôi chùa Trường Khánh để trả lại bước tượng. Muller không theo tôn giáo và không biết tên cũng như ý nghĩa bức tượng, song qua những giấc mơ, ông nghĩ hẳn đây là vật linh thiêng nên ông đặt chưng trên một giá sách.
Không may, những ám ảnh chiến tranh giày vò đã khiến ông đột quỵ, không thể đi lại được dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Ước nguyện trở lại Việt Nam càng xa vời đối với ông. Năm 2006, Muller mất. Trong giấy tờ để lại, Muller có bản di nguyện gửi gắm những người đồng đội nếu có dịp quay về Việt Nam hãy giúp ông trả bức tượng cho chùa Trường Khánh.
Ông Anderson, một người dưới quyền chỉ huy của Muller, sau này về Mỹ cũng là người bạn thân của Muller. Những ám ảnh Muller trải qua, cũng chính là những ám ảnh chung về chiến tranh Việt Nam của bao nhiêu binh lính Mỹ được gọi chung là "Hội chứng Việt Nam" (Vietnam Syndrome). Khi Muller mất, Anderson nghĩ phải tiếp quản di nguyện của bạn, để bạn và mình cùng được thanh thản.
Năm 2008, Anderson có chuyến trở lại Việt Nam nhưng không tìm được thông tin gì về ngôi chùa để trả bức tượng. Các ngôi chùa làng ở Việt Nam hầu hết đều có tên hiệu Hán Việt nhưng ít được dùng, thay vào đó người dân lấy tên làng để gọi tên chùa. Chùa Trường Khánh dân gọi là chùa Bồ Bản, vì nằm ở làng Bồ Bản. Chính điều này mà Anderson hỏi thăm chùa Trường Khánh thì không nhận được câu trả lời xác đáng.
Quay về Mỹ, Anderson tìm đến Viện Bảo tàng quân đội Mỹ mượn tấm bản đồ chiến tranh tại Quảng Trị. Trên bản đồ chi chít những chấm đen là căn cứ quân sự Mỹ, các mũi tấn công càn quét và thời gian càn quét được ghi chú rõ ràng. Dò tìm mãi cuối cùng Anderson cũng tìm ra tên địa danh Bồ Bản, ghi chú thời gian càn quét qua đây là ngày 7/4/1968. Sự trùng hợp trong bản di nguyện Muller và tấm bản đồ đó đã giúp cho Anderson định vị được chính xác địa chỉ ngôi chùa Trường Khánh.
Bức tượng "lưu lạc" đúng 50 năm. Trong khoảng thời gian đó có gần bốn mươi năm là dặng dặc ám ảnh chiến tranh của người cựu binh Mỹ Muller và hơn mười năm ông Anderson day dứt thực hiện nguyện vọng sau cùng của bạn. Khi trao bức tượng lại cho chùa, người cựu binh mỹ Anderson vẫn còn hồi hộp lo sợ và ăn năn. Ông nhắc đi nhắc lại rằng người bạn của ông không cố ý đánh cắp, có thể vì thấy bức tượng nằm nghiêng ngả dưới đất mà Muller cảm thương rồi mang đi thôi. Và sự ăn năn về cuộc chiến phi lý mà chính họ đã tham gia từ nửa thế kỷ trước khiến ông toát mồ hôi.
Nhưng vị sư trụ trì đã mỉm cười giải thích cho ông rằng bức tượng này là phật Quán Thế Âm Bồ Tát, mang hình ảnh của người mẹ hiền lắng nghe những khổ đau và cứu độ chúng sanh. Đến lúc ấy ông Anderson mới thở phào, xúc động chia sẻ có lẽ nhờ bức tượng mà đó mà ông Muller được sống sót để trở về Mỹ, và đại đội do ông chỉ huy trong đó có Anderson cũng qua được nguy nạn chiến tranh. Hôm nay ông trở về đây, bức tượng được hoàn trả về chùa, là những mong được hóa giải và hòa giải.
*
Cuộc điền dã chùa làng Triệu Phong còn dài, hầu hết ngôi chùa nào cũng có những câu chuyện như thế. Tính thiêng liêng có mặt ở xứ này đều gắn liền với lịch sử, cuộc sống. Sự mầu nhiệm ấy, hóa ra chẳng phải điều gì quá xa xôi hay tâm linh huyền bí, mà nó mang đến sự hóa giải, khai mở nhân tâm. Giống như mưa gió đã từng gột rửa và làm hiện ra những tượng phật trầm tích.