Chinh phục Voi Mẹp

Thứ ba - 21/12/2021 09:36
Đặt chân lên đỉnh núi Voi Mẹp cao 1.707m, “nóc nhà” Quảng Trị, không quá khó nhưng cần một niềm đam mê khám phá kèm một chút may mắn.
Đỉnh Voi Mẹp, nóc nhà Quảng Trị, cao 1.707m (Ảnh: Hoàng Táo)

Tôi đọc về Voi Mẹp đã lâu nhưng cơ duyên chinh phục đỉnh núi này không dễ mà thành. Hẹn hò mãi, cuối cùng, nhờ vào tài tháo vát và khả năng tổ chức của một đồng nghiệp tại Đài Quảng Trị, tôi có được một chuyến “săn Voi Mẹp” vào cuối năm 2020.

Đêm trước khởi hành, nghỉ chân tại nhà ông Hồ Văn Pháo ở thôn Nguồn Rào Pin (xã Hướng Sơn), chúng tôi được chìm đắm trong câu chuyện về những lần lên núi Voi Mẹp gùi xác máy bay về bán đổi gạo của ông và những người trong thôn. Chuyện kể rằng, đầu những năm 1980, anh em Pháo theo bố lên núi hái chè rừng về uống. Lẩn khuất trong đám chè rừng, ông Pháo trong thấy những xác máy bay vỡ nát lưng chừng núi, nằm im lìm giữa sương gió bạt ngàn.

 
Bãi máy bay rơi trên đỉnh Voi Mẹp (Ảnh: Hoàng Táo)

Sau 1986, đất nước đổi mới, giao thương dần dà được nới lỏng. Nhớ đến những xác máy bay trên núi, ông Pháo rủ người cùng thôn lên gùi về bán, với hy vọng đổi được chút gạo và mắm muối đắp đổi qua ngày. Ông mang gùi trực chỉ Voi Mẹp, nhặt nhạnh những mảnh sắt trắng, nhôm đồng… rồi vượt đường núi trở về trong ngày. Những thứ nhặt về được người dân ở thị trấn Khe Sanh vào thu mua tận nhà, giúp ông đổi được gạo trong 2 tuần cho sáu miệng ăn. Hết gạo, ông lại lên rừng, nhẩm đi nhẩm lại được 6 chuyến.

Sáng hôm sau, cả đoàn dậy sớm chuẩn bị tư trang, ăn sáng và vào rừng. Đường lên Voi Mẹp không quá khó, chỉ cần vượt lên cái dốc đầu tiên ở ngay cửa rừng mà bạn vẫn còn thở, tức là bạn đủ sức để chinh phục đỉnh núi này. Đường lên men theo sống lưng của núi, mỗi lúc một dốc hơn. Bù lại, tôi được tận mắt thấy tổ một chú chim non đang chờ mẹ săn mồi trở về, hít thở không khí trong lành và nhìn ngắm những thân cây đại thụ vươn giữa trời cao. Cái háo hức khám phá những bí ẩn của “nóc nhà Quảng Trị” xua tan đi phần nào mệt mỏi.

Đến giữa trưa, trời mưa rả rích, đoàn bất ngờ bị tách làm 2 nhóm. Tôi đi cùng với 2 thanh niên bản địa, cách nhóm kia chỉ một tiếng hú nhưng không thể tìm được nhau. Con trai của người đàn ông kể chuyện tối hôm qua đã trèo lên cây xác định phương hướng, và dẫn chúng tôi về đến bãi cắm trại sau khoảng 30 phút lạc đường. Cuộc sống gắn bó với rừng đã giúp những chàng trai này có các kỹ năng không phụ thuộc vào phương tiện hiện đại mà người đồng bằng không thể có được.

 
Đường lên đỉnh núi men theo suối, dưới cánh rừng thâm u (Ảnh: Hoàng Táo)

Nhóm chúng tôi tìm củi đốt lửa để sưởi ấm. Trời vẫn mưa rả rích. Một tiếng sau, nhóm thứ 2 tìm về được bãi cắm trại. Một số người đi cuối nhóm mặt phờ phạc vì… lạc đường. Sau này, câu chuyện lạc đường giữa núi thường được nhắc lại như một kỷ niệm khó quen trong chuyến đi này.

Tranh thủ trời còn sáng và có vẻ hửng nắng, một nhóm tiếp tục đi lên đỉnh Pa Thiên, cao khoảng 1.600m, cách bãi cắm trại khoảng 30 phút đi bộ. Pa Thiên khá bằng phẳng, với rất nhiều tảng đá cuội to lớn. Thời tiết ở đây thay đổi trong chớp mắt, nắng rõ mặt người nhưng chỉ ít phút là sương mù kéo đến, gió thổi ngút ngàn. Đứng ở Pa Thiên, nhìn về hướng chính đông là đỉnh Voi Mẹp, chếch hướng đông nam là trụ điện gió ở Hướng Linh.

Chính ở Pa Thiên, tôi được trải nghiệm và kiểm chứng bãi xác máy bay mà ông Pháo đã kể vào tối hôm qua. Bãi phế liệu nằm ở một sườn đồi khá dốc, những vật liệu bằng sắt khá nặng, quá khó để mang về chân núi. Qua những gì còn sót lại có thể định hình đây là một chiếc trực thăng quân sự, rơi trong chiến tranh.

Trời tối dần, chúng tôi ngắt một nạm lá chè ở đỉnh Pa Thiên rồi trở về bãi cắm trại. Đêm xuống, quây quần bên bếp lửa, chúng tôi cùng lắng nghe tiếng suối róc rách, ếch rừng kêu và thưởng thức vị chát nhẹ đầu lưỡi của chè Pa Thiên ngấm sương gió nấu với nước suối đầu nguồn. Đêm ở Pa Thiên gió rít từng hồi, cái lạnh thấu xương dù đã quấn mình trong túi ngủ.
...
Sáng hôm sau, chúng tôi lên lại Pa Thiên nhưng thời tiết xấu hơn bao giờ hết. Gió thổi hạt mưa tát vào mặt, mù không thấy đường đi. Đứng giữa đỉnh núi trống hoác, đoàn người run lên vì ướt và lạnh.
Đến đây, tôi biết mình cần thêm một chút may mắn để chinh phục Voi Mẹp.

 
Đường từ đỉnh Pa Thiên sang Voi Mẹp (Ảnh: Hoàng Táo)

Qua tết Nguyên đán năm 2021, tôi lại sắp xếp một chuyến lên Voi Mẹp. Mỗi thời điểm lại một cảnh sắc khác nhau. Gần đến chân bãi cắm trại, hoa đào chuông nở đỏ rực dọc đường đi. Đào chuông mọc nhiều và kéo dài lên đến gần đỉnh Voi Mẹp.

 
Hoa đào chuông nở rộ sau mùa xuân, dọc suối dẫn lên Voi Mẹp (Ảnh: Hoàng Táo)

Ở Pa Thiên, chúng tôi bắt gặp phân của sơn dương, dấu chân của một loài thú móng guốc lớn. Dọc đường đi cũng có rất nhiều mảng rừng bị sạt lở, dấu tích của đợt thiên tai tàn khốc cuối năm 2020. 2 ngày đầu của hành trình, Pa Thiên mù mịt sương. Tôi đã chuẩn bị sẳn tâm lý “xuống núi” vào ngày thứ 3. Bất ngờ, trời chiều lòng người, giữa trưa ngày thứ 3 lên Pa Thiên thì nắng vàng rực rỡ.

Tôi cùng với 3 người khác trực chỉ Voi Mẹp. Đường đi băng qua một bãi sạt lở, men theo bờ suối rồi ngược lên đỉnh núi. Đào chuông bung nở, rụng xuống dạt thành từng mảng đỏ rực con suối.
Càng gần đỉnh núi, hơi thở càng gấp, lòng phấn chấn vì sắp đặt chân lên nóc nhà Quảng Trị. Tại đây, những cây đại thụ không còn nữa, thay vào đó là loài trúc sặt, cao từ đầu gối cho đến quá đầu người. Trúc sặt mọc ken dày, chân phải đặt vào dấu người đi trước, lách người qua từng thân cây để lên đỉnh.
Đỉnh núi được đánh dấu bằng chóp nhọn inox sáng bóng, khắc chữ “VOI MẸP – 1.707m”. Đặt chân lên đỉnh núi xoa tan đi mọi mệt mỏi, thay vào đó là cảm giác hứng khởi khi chinh phục thành công một dấu mốc mới, một hành trình mới. Bất giác nhìn lên bầu trời, một chú chim đại bàng chao cánh bay lượn trên nóc nhà Quảng Trị. Một đỉnh núi cao thì còn có những cánh chim bay cao hơn nữa, báo hiệu còn có những cuộc chinh phục khác chờ đón tôi.

Đặt chân lên đỉnh Voi Mẹp nhưng hành trình chưa kết thúc, vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi về Voi Mẹp mà tôi cần tìm hiểu, rằng những chiếc máy bay có số hiệu, nguồn gốc và một số phận như thế nào, ai là người đã điều khiển những chiếc máy bay này? Những cây chè ở đỉnh Pa Thiên có nguồn gốc từ đâu, là chè hoang dã hay con người mang lên trồng rồi sinh trưởng và phát triển ở chốn đầy sương gió này?
Sau chuyến đi, tôi đã chuyển những hình ảnh, video ghi lại hành trình cho một đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm, ngõ hầu một ngày gần nhất tỉnh nhà sẽ có những tour du lịch chinh phục Voi Mẹp!

 

Tác giả bài viết: Hoàng Táo (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây