Mảnh đất của những linh hồn

Chủ nhật - 19/12/2021 05:15
Có một vùng đất như miếng vá làm lành lặn dải đất hình chữ S. Tại vết chém năm xưa, bây giờ là di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ở đó, mặt đất đã hồi sinh, như chưa từng có chiến tranh. Nhưng hình thành nơi ấy một thế giới khác, thế giới “bên kia” đã tồn tại song hành với sự sinh sôi, ảnh hưởng qua lại đến đời sống, văn hóa của con người. Đó là Quảng Trị, vùng đất Giới Tuyến và có thể gọi bằng nhiều tên khác đầy hình tượng: Phên dậu của Tổ quốc, điểm tựa của chiếc đòn gánh, chảo lửa chiến tranh…
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Ảnh: Đoàn Duy Long)

Có chương trình nghệ thuật rất đặc biệt, bởi dàn dựng phục vụ cho “người âm”. Và cũng lần đầu tiên tôi biết, có một đêm công chiếu bộ phim nổi tiếng phục vụ cho các linh hồn đã khuất.
Chương trình nghệ thuật ấy đã diễn ra ngay tại nghĩa trang Quốc gia có hơn 10 ngàn mộ liệt sĩ. Tôi nhớ chiều đó, sau cơn mưa, trời chập choạng tối, gió hú dưới tán lá thông nghe rờn rợn. Trường Sơn quạnh đặc, u tịch. Lớp lớp những dãy mộ bàng bạc, nằm bạt ngàn các sườn núi. Tranh tối, tranh sáng hòa với ánh nến là các đốm lửa bập bùng lượn lờ. Khói hương lởn vởn như bóng người ẩn hiện, nhẹ nhàng thanh thoát trong làn bụi mưa. Đó là khung cảnh trước giờ phát sóng trực tiếp chương trình nghệ thuật “Huyền thoại cõi Trường Sơn”.

Mùa hè đỏ lửa năm 2004 sắp qua, những cơn mưa rừng bắt đầu rào rạt rồi tạnh. Nhưng cũng có cơn mưa kéo dài suốt nhiều ngày, không ngớt. Chuyện mưa Trường Sơn không có gì lạ, nhưng một cơn mưa như trời tuôn nước mắt không nguôi, đúng lúc ở đây đang chuẩn bị diễn ra một sự kiện quan trọng - ngày giỗ của các liệt sĩ - 27/7 thì mới đáng kể. Tôi nhớ anh Lại Văn Sâm ở VTV và nhà văn Xuân Đức lúc đó hay dùng từ “Bể” để nói sự đổ vỡ một chương trình nghệ thuật nếu trời không thuận. Suốt cả tháng, ê kíp của VTV với ông Giám đốc sở Văn hóa Thông tin: lúc thì chạy ra Hà Nội, khi thì vào Quảng Trị; khi thì ở Đông Hà, lúc thì ở nghĩa trang; khi thì trưa, khi thì tối, khi đang ngủ cũng như đang thức. Họ hẹn nhau chờ mặt trời mọc, họ hẹn nhau chờ mặt trời lặn...Họ ngồi ở nghĩa trang, với liệt sĩ để nghiên cứu tất cả các tình huống cho kịch bản... Nhiều trang thiết bị sân khấu hiện đại ở VTV3 được đưa vào gắn ở nghĩa trang Trường Sơn, công phu và hoành tráng. Các anh nói, làm việc với liệt sĩ không ba lơn được. Nói như vậy để mọi người hình dung, nếu đêm nay trời vẫn mưa thì “Bể” là chắc chắn. Từ “Bể” nghe đơn giản nhưng đó là lý do làm phờ cả râu, rạc cả người; sẽ mất mát về tiền của chưa nói mà còn tâm sức, trí tuệ. Và hơn hết, là vai trò, ý tưởng của ban tổ chức bị xem xét. Không dám nói ra, nhưng nỗi sợ lớn nhất là sợ Liệt sĩ không ủng hộ chương trình, do lần đầu tổ chức tại nghĩa trang, có mặt của lãnh đạo Trung ương và nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Còn một giờ nữa là lên sóng truyền hình trực tiếp. Trời vẫn mưa, nhà văn Xuân Đức trú trong xe nói với tôi "yên tâm đi, trước giờ phát sóng sẽ tạnh, ở Quảng Trị bão tố còn sợ liệt sĩ, huống hồ chỉ là mưa".
Như câu nói thách thức với trời đất của ông Giám đốc Sở, tôi nhớ gần đây có một lần ở Thành cổ Quảng Trị, bão số 4 kịp suy yếu trước chương trình cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ vào 20h  đêm 26/7/2017, với 4 điểm cầu trên cả nước, thì câu chuyện này không ngoại lệ.

 
Bia đá khắc 4 câu thơ của nhà thơ Trần Bạch Đằng được dựng trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị (Ảnh: Đoàn Duy Long)

Còn hơn 30 phút, ban Tổ chức đặt lễ lên đài trung tâm thắp hương khấn vái. Đang khấn, bỗng một tiếng sấm nổ đùng từ đỉnh núi cao rầm rầm lan xuống các khu mộ, chạy quanh một vòng rồi tan cùng mây gió. Mưa ngừng và bầu trời quang đãng. Tất cả quan khách và nhân dân đi ra khỏi mái che ngước nhìn trời ngỡ ngàng, cởi bỏ áo mưa ra sân hành lễ vái vọng, như để cảm ơn các anh hùng liệt sĩ. Khi tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt đếm ngược 4,3,2,1 là đúng 18 giờ, dòng chữ “Huyền thoại Cõi Trường Sơn” xuất hiện trên sóng truyền hình toàn quốc. Cả nghĩa trang với 10 khu mộ được bao phủ 140.000 mét vuông rừng thông chợt bừng sáng, lung linh ánh nến và âm thanh dìu dặt. Lần đó chương trình nghệ thuật đặc biệt đầu tiên được diễn ra suôn sẻ tại một nghĩa trang. Một đồng chí chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa nhận xét, đại ý: Đó là sự sáng tạo độc nhất vô nhị, cho người sống và người đã khuất thưởng thức một chương trình nghệ thuật công phu đạt chất lượng cao, kéo quá khứ - hiện tại, cõi âm - dương lại gần nhau... 

Còn đó 72 nghĩa trang liệt sĩ trên mảnh đất Quảng Trị, thì có 2 nghĩa trang Quốc gia với hơn 2 vạn liệt sĩ ở khắp mọi miền chọn nơi này yên nghỉ… Nhưng còn một nơi rất đặc biệt, người đời vẫn gọi là nghĩa trang không mộ, đó chính là Thành cổ Quảng Trị. Câu chuyện bộ phim “Mùi cỏ cháy” của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm được tổ chức chiếu phục vụ các linh hồn của liệt sĩ là vì lẽ đó. Bình thường, hàng ghế đầu dành cho các đại biểu, nhưng đêm nay có một dãy ghế đầu tiên để trống, trên mỗi ghế có khoác một chiếc ba lô, cái mũ tai bèo chiến sĩ và ngọn nến. Tôi là người phục vụ đứng chếch về mép khán đài để theo dõi. Nếu chỉ là ý tưởng thì đã nói lên mối liên kết giữa âm - dương, nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Khi đèn tắt, cuộn phim nhựa đầu tiên nhả những hình ảnh bắt đầu, thì hàng nến trên dãy ghế đầu lập lòe bùng sáng, gió thổi xoáy tròn đưa hương trầm quyện vào không gian buổi lễ. Tôi như bị hoa mắt, thấy trên mỗi chiếc ghế khói hương như làn sương mỏng chụm vào các ngọn nến tạo thành vầng hào quang, mờ ảo như bóng các chiến sĩ ngồi vào vị trí ngay ngắn. Tôi dụi mắt mấy lần, bóng người biến mất rồi lại xuất hiện. Tôi đem câu chuyện đó kể với anh em phục vụ, thì có người nói nhìn thấy, có người lại nói, hình như có bóng người…

Tôi không tin có "người âm" nhưng cũng không giải thích được việc "người âm nhập". Tôi cũng không giải thích được các hiện tượng tự nhiên có yếu tố tâm linh lặp đi lặp lại trên mảnh đất này, giúp người dân vượt qua thiên tai, địch họa. Tôi tin vào mắt mình, tin vào linh cảm. Gọi là "hồn ma" hay "người âm nhập” đều có thể được. Khi có du khách tự dưng thay đổi sắc diện, rồi đổi giọng từ miền Trung chuyển sang giọng miền Bắc, họ kể rành mạch các tình huống rất chi tiết trong quá khứ chiến tranh. Rồi có chuyện người phụ nữ đang thắp hương rùng mình than khóc, đổi thành giọng đàn ông, xưng tên tuổi, nơi chốn, làm người nhà hoảng hốt. Có nhiều trường hợp tương tự như thế diễn ra, trở thành quen và gần gũi, âm - dương có thể đối thoại, nhờ thế mà tìm được nhiều hài cốt và danh tính của các liệt sĩ.
Bởi vậy mà ở Quảng Trị người ta truyền rằng, có một thế giới khác, một thế giới “bên kia” đã tồn tại song hành với sự sinh sôi, có ảnh hưởng qua lại đến đời sống, văn hóa tâm linh của con người.

 

Tác giả bài viết: Đoàn Duy Long (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây