Chuyến đi của thanh xuân - Nước sạch về bản

Thứ năm - 16/12/2021 22:15
Cũng hơn 3 năm từ ngày tôi đưa ra một quyết định để đời, cùng những người bạn tạo nên những khoảng khắc tuyệt vời, đem đến những điều tuyệt vời đến Quảng Trị thân thương.
Toàn bộ đoàn gồm 31 tình nguyện viên cùng người dân trong thôn chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Lê Nhã)

Tút…tút…tút…
- Alo em chào anh, em là Lê Nhã, hiện là Đội trưởng Đội Tư Vấn Sinh Viên – Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Vào mỗi độ hè hằng năm, chúng em đều tìm đến một địa phương khó khăn và thực hiện chuyến tình nguyện khoảng 1 tuần, tuy nhiên vì là sinh viên Đà Nẵng với nguồn kinh phí cũng có hạn nên chỉ đi được quanh quanh Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhưng là một người con Quảng Trị, em hiểu được sự khó khăn của quê mình, em mong anh giới thiệu địa phương khó khăn ở huyện Hướng Hóa giúp tụi em nhé.
- Chào em, thật trân quý, ở đây thực sự quá khó khăn và cũng chưa bao giờ có đoàn tình nguyện sinh viên nào về quê mình cả, hẹn gặp em, anh sẽ cho em thông tin của Bản Bù, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa mình em nhé.
Sau cuộc điện thoại chắc nịch ấy, tôi cùng 5 bạn nữa vượt xe máy từ Đà Nẵng đến Hướng Hóa, Quảng Trị để tiền trạm. Lúc đó, quỹ đội chỉ còn đúng 1 triệu đồng, chúng tôi chỉ biết đi với một quyết tâm là phải đem những gì mình có thể làm được cho quê hương. Mùa hè ở Quảng Trị chỉ có cái nắng, cái gió rát da, nắng bạt vào tay, vào mặt làm chúng tôi muốn nản chí, nhưng chỉ cần những cái vỗ vai động viên, những câu hát ngân nga “Trong tim ta ơi mùa hè xanh thiết tha, vang câu ca trên những chặng đường xa” khiến chúng tôi như có thêm năng lượng để đến với Hướng Hóa. Đi hết huyện Cam Lộ, những ngọn núi hùng vĩ bắt đầu lộ ra, xen vào đó là vài ngôi nhà sàn lác đác, khí hậu cũng trở nên mát hơn, thi thoảng tôi còn thấy vài em bé chăn bò, chân đất, áo quần sọc xạch nhưng trên môi mấy đứa luôn có nụ cười thật tươi. Đến nơi, tôi gặp anh Sơn – bí thư Đoàn xã Tân Lập, anh đưa chúng tôi đi đến một bản làng trong xã, đó là Bản Bù, đi bộ khoảng 1km, trước mắt chúng tôi là một bản làng biệt lập với Thị Trấn. Chúng tôi lân la tới gần phỏng vấn một số bà con ở Bản, mấy o mấy chú còn không nói rành tiếng Kinh, bọn trẻ con thì e ngại, nhìn chúng tôi có vẻ xa lạ lắm. Tôi đi quanh cùng anh Chung – trưởng bản, nói chuyện một hồi mới biết được nơi đây thực sự rất khó khăn: trẻ em ít được đi học lắm, nhà đông con nên đứa lớn đi làm, đứa nhỏ chăm đứa nhỏ hơn cho ba mẹ đi rẫy,… Điều mà chúng tôi chú ý đến là nguồn nước nơi đây, nước được lấy từ trên nguồn rồi chia xuống 9 bể nước, bể đầu nguồn thì tràn cả ra lênh láng, cái cuối nguồn thì khô không còn một giọt nước, cát lọc và vòi khóa cũng như ống nước hư cả,…chưa kể mùa ngập lũ, bà con khổ lại càng khổ rồi…

 
Tặng quà gồm đồ vệ sinh răng miệng, đồ dùng học tập và đồng phục bóng đá trong Ngày Y Tế (Ảnh: Lê Nhã)

Kết thúc ngày tiền trạm và quay lại Đà Nẵng, ngẫm nghĩ, tôi cũng là người con nông dân ở Quảng Trị nhưng đến nay mới cảm nhận được cái khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn văn hóa của bà con dân tộc Vân Kiều nơi đây. Tôi trằn trọc mấy ngày liền, thực sự mình phải làm được gì đó cho quê hương. Cuối cùng sau 2 tháng chuẩn bị, gây quỹ, làm việc với địa phương để chuẩn bị, chương trình Tình Nguyện Hè “Nước sạch về bản” kéo dài 7 ngày cùng với 31 Tình nguyện viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng được khởi chạy. Chuyến xe đã lăn bánh và dừng chân tại Bản Bù, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hôm đó bà con tới đông lắm, vì đây là lần đầu tiên có sinh viên từ tỉnh ngoài về Bản, đám con nít cũng nhín ngó chúng tôi, chúng hóng hớt và mong chờ những thứ mà chúng tôi đem từ “phố” về.
 
Buổi chiếu phim sinh hoạt cộng đồng cho dân bản (Ảnh: Lê Nhã)

Trong vòng 7 ngày đó, tôi chia nhóm làm 4 ban đảm nhận 4 nhiệm vụ khác nhau. Ban lao động cùng nhóm thanh niên địa phương đi vệ sinh từng bể nước, xúc bể, đổ nắp bể, lắp ống nước. Ban dân vận chơi đùa cùng bọn nhỏ, nhảy dân vũ, múa, hát, kể chuyện, học Tiếng Anh. Lúc đầu mấy đứa còn ngại lắm, không có đứa nào dám lấn tới, nhưng khi những giai điện nhạc dân vũ vang lên hòa cùng những động tác đơn giản của anh chị sinh viên, chúng ùa vào, nhảy theo, cùng nhau cười ồ. Xen kẽ các ngày, chúng tôi còn tổ chức chương trình “Ngày Y Tế” hướng dẫn các em đánh răng, buộc tóc, vệ sinh cá nhân, phát kem, bóp đánh răng cùng dụng cụ học tập. Đứa nào cũng tí ta tí tởn, vui lắm cơ. Đến tận bây giờ, sau 3 năm rồi, cô giáo của tụi nhỏ còn nói với tôi: “Ngày thường mấy đứa ít đi học lắm, kêu gọi cũng không đi, một phần ba mẹ nó không hiểu bắt ở nhà đi làm, giữ em, nhưng từ khi đoàn tình nguyện về tụi chăm đi học hẳn, ba mẹ tụi nhỏ cũng hiểu hơn, gắng cho con đi học, cô rất mừng”. Còn ban Hậu cần đã lo đồ ăn cho cả Đoàn, bà con ở đây khó khăn lắm, không có gì ăn nhưng hôm nào cũng đem các thứ quà quê đến cho Đoàn, nào mít, rồi măng, chôm chôm rừng,... Và để ghi lại những hình ảnh tươi đẹp về con người nơi đây, ban Truyền thông sáng ghi hình, tối làm video để cho ra những thước phim chân thật nhất. Khung cảnh mà đến bây giờ tôi còn nhớ là buổi chiếu phim cho bà con Bản Bù, một màn hình chiếu rộng mà chúng tôi đem từ Đà Nẵng vào, tối đó bà con đến chật cứng sân trường, đây là lần đầu bà con được xem phim với màn hình to như thế.
 
Ban lao động cùng thanh niên địa phương gấp rút chuẩn bị nắp bể (Ảnh: Lê Nhã)

Thoáng chốc 7 ngày đã hết thúc, công trình bể nước cũng đã hoàn thiện, cả đoàn cũng thấm mệt, tôi thầm nghĩ: “Quảng Trị mình đẹp vậy, mình phải giới thiệu cho anh chị em của mình chứ”. Thế là ngày cuối cùng tôi cùng anh Phước trong xã dẫn cả đoàn đi tham quan để biết thêm về lịch sử, cảnh quan Hướng Hóa anh hùng. Nơi đầu tiên là Bảo Tháp Quảng Trị, ngon tháp cao, hùng vĩ với rừng thông xung quanh vô cùng thơ cảnh. Địa điểm tiếp theo là nhà tù Lao Bảo, tới đây cả đoàn như nghẹn lại, những cảnh tra tấn chân thực không tưởng nổi, lúc đó tôi mới thấm được cái gian khó của những người chiến sĩ đã hy sinh mình để bảo vệ quê hương. Đến trưa, cả Đoàn đói lả, chúng tôi ghé chợ Lao Bảo – thiên đường ẩm thực tại Quảng Trị với đầy món ăn ngon, thức hàng lạ, quán nào Đoàn chúng tôi ghé qua là quán đó hết sạch không còn một miếng. Đến chiều chúng tôi đến cửa khẩu Lao Bảo, kế đó là cửa khẩu Lào, lòng yêu nước bỗng dâng lên trong tôi khi đứng trước cánh cổng to đồ sộ cùng những anh lính gác thật oai nghiêm. Chuyến đi chưa dừng lại ở đó, cả đoàn kéo nhau đến thác Ồ Ồ, thác mùa hè nước thật trong, thật mát, hòa cùng khung cảnh thiên nhiên, núi rừng. Thực sự tôi phải thốt lên: “Ôi! Quảng Trị mình đẹp quá”.
 
Buổi sinh hoạt team Building giữa tình nguyện viên với các em trong thôn của ban Dân Vận (Ảnh: Lê Nhã)

Chuyến đi nào cũng đến lúc chia tay, chúng tôi xếp đồ lên xe, hôm đó trời mưa lắm, nhưng bà con đến từ sớm, thật đông. Mấy đứa nhỏ cứ ôm chúng tôi mãi không rời, ai nấy ôm nhau khóc nức nở. Không hiểu sao lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái tình cảm dạt dào này từ bà con, tôi biết mình đã làm được gì đó cho quê hương, cho bà con bản Bù nói riêng và cho Quảng Trị nói chung.
Sau chuyến đi tôi như trưởng thành hơn, cảm nhận được Quảng Trị trong tôi là tình thương giữa con người với con người, là những cái ôm thật chặt và là những nụ cười hạnh phúc khi được sẻ chia.

 

Tác giả bài viết: Lê Nhã (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây