Tham dự Lễ bàn giao có Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cùng các cá nhân thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Ông Nguyễn Hữu Thắng - PGĐ Sở KH&CN phát biểu tại buổi lễ bàn giao
(Ảnh: Hồng Ngọc)
Trên cơ sở kết quả thực hiện của các nhiệm vụ Khoa học Công nghệ đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành đánh giá nghiệm thu đạt kết quả tốt. Nhằm cung cấp các luận cứ khoa học trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc triển khai ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng suất chất lượng dịch vụ và tăng trưởng kinh tế, phục vụ định hướng phát triển các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh đặc biệt là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong đó, nổi bật là đề tài: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch tinh Quàng Trị”, do Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì thực hiện. Bước đầu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu Di sản văn hóa Quảng Trị trong đó với các thông tin du lịch thuộc phạm vi về Di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, các di tích lịch sử, văn hóa tại Thị xã Quảng Trị và một số di tích lịch sử văn hóa lân cận (Gọi tắt là Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị và vùng lân cận); Bên cạnh đó, đề tài còn góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc riêng của Di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 cũng như cho tỉnh Quảng Trị giúp khai thác hiệu quả cho xúc tiến và phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Góp phần là một trong các công cụ giá trị hỗ trợ cho quá trình xây dựng và phát triển Thị xã Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình (Festival Hòa bình), biểu tượng cho sức sống của nhân loại trên mảnh đất từng bị bom đạn hủy diệt này.
Đề tài thứ 2 là:“Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Trị”, do Trường Đại học Thương mại là đơn vị chủ trì thực hiện. Đề tài này đã góp phần hệ thống hoá cơ sở lý luận cơ bản về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững và cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững; Đánh giá thực trạng du lịch Quảng Trị trong giai đoạn 2010-2020; Đánh giá thực trạng từng sản phẩm du lịch đặc thù (thuộc 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm du lịch lịch sử - cách mạng; sản phẩm du lịch biển đảo - sinh thái; sản phẩm có dư địa nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả (du lịch mạo hiểm, du lịch lễ hội và du lịch cộng đồng) của tỉnh Quảng Trị và tạo ra các giải pháp phát triển cho từng sản phẩm du lịch đặc thù theo hướng bền vững (3 nhóm sản phẩm) của tỉnh Quảng Trị.
Cả hai đề tài nghiên cứu khoa học lần này đều tập trung nghiên cứu về các giải pháp và xây dựng các ứng dụng công nghệ số, nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch Quảng Trị một cách toàn diện, bền vững và góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho địa phương.
Các đơn vị nhận bàn giao các kết quả nghiên cứu Khoa học và Công nghệ
(Ảnh: Hồng Ngọc)
Tại buổi Lễ bàn giao, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết biên bản bàn giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ với các tổ chức tiếp nhận chuyển giao, gồm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh để triển khai, ứng dụng có hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, Sở cũng đề nghị các đơn vị sau khi nhận bàn giao xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các kết quả nghiên cứu, phối hợp với cơ quan chủ trì và chủ nhiệm của nhiệm vụ khoa học công nghệ đưa ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn một cách hiệu quả. Hằng năm, báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ./.