Đại úy Tạ Tiến Đạt (BCHQS tỉnh Quảng Trị) đưa cháu đi thăm Thành cổ Quảng Trị vào một ngày tháng Tư. (Ảnh: Tạ Thị Điệp)
Tôi đã thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vào một chiều mùa hạ hơn mười năm trước. Nơi tiếng gió vi vút của hàng ngàn ngôi mộ xếp ngay hàng thẳng lối. Tôi nhặt một chiếc lá đa vừa rụng bỏ vào túi xách, và bây giờ nó vẫn nằm trên bàn làm việc của tôi. Với tôi, mỗi chiếc lá ngọn cây ở đây đều mang những linh hồn bất tử. Tôi đã khám phá làng hầm Vịnh Mốc, và hít hà vị biển mặn mà của biển Vĩnh Thái, Cửa Tùng. Tôi lỡ chuyến tàu ra đảo Cồn Cỏ một bữa sáng ngủ nướng, nhưng tôi sẽ đến đảo nhỏ vào một ngày gần đây, khi dịch bệnh được kiểm soát bởi đó là nơi đã được tôi đánh dấu trên bản đồ dịch chuyển. Tôi đã nhiều lần trèo lên những động cát nằm ven biển lấp ló hàng dương. Ngồi trên động cát, đón gió sớm, thả những bước chân mềm mịn giữa thiên nhiên hùng vĩ mọi người như lạc vào một tiểu sa mạc ở một đất nước xa xôi. cát mịn và trắng lắm, gió biển đưa hàng dương khe khẽ hát, dưới chân động dòng nước từ “mội” chảy ra trong veo. Chúng tôi vẫn uống nước từ “lộ mội” mỗi khi trượt động cát về trưa mà không hề õng eo bụng dạ. Nhưng ấn tượng hơn cả của mảnh đất Quảng Trị trong tôi là Thành cổ Quảng Trị, nổi tiếng với khúc tráng ca 81 ngày đêm.
Mùa hè đổ lửa năm 1972, để giành thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận ngoại giao lấy được thế chủ động trên bàn đàm phán tiến tới ký kết hiệp định Paris, cả hai bên tham chiến đều mong muốn kiểm soát được khu vực Thành cổ Quảng Trị. Giữa chiến tranh, người Việt Nam đã làm được những điều kỳ diệu, khi có sự tương quan không thể so sánh được về lực lượng, sự hiện đại ở phía đối phương. Chúng ta thắng vì chúng ta là dân tộc Việt kiên cường, để như trong tấm bia viết ở bảo tàng Thành cổ, Cố Tổng bí thư Lê Duẩn có nói “Chúng ta đã chịu đựng, không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy vì bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ Quốc, trước thời đại”.
Đứng bên sông Thạch Hãn, dòng sông ấy có lúc như nghẽn lại vì máu, vì sự hi sinh anh dũng của những người con ưu tú của đất Việt. Những thành phố có sông là những thành phố giàu có nên tôi có quyền hi vọng, mong chờ một Quảng Trị tươi trẻ sẽ đổi thịt thay da. Để nhắc đến Quảng Trị, người ta sẽ nói đến tiềm năng du lịch tâm linh, hướng về nguồn cội, mà những thứ xuất phát từ lòng thành linh thiêng sẽ níu giữ văn hóa và dạy con người ta gốc rễ để sống hướng thiện và có ích hơn.
Phía bờ bắc sông Thạch Hãn, nơi xưa kia là căn cứ để bộ đội vượt sông vào Nam giờ đang là những bụi tre già, những bài bồi xanh um những ngô với lạc, thấp thoáng rừng tràm mơn mởn. Tôi đứng từ bờ Nam nhìn sang, đường tấp nập xe cộ của một thị xã trẻ, nơi có quán cà phê bờ kè gần sát mặt sông. Trong buổi sáng mát lành, gió từ bờ sông đùa những chiếc lá rơi khẽ xuống vỉa hè thoáng đãng.
Tôi kể cho con mình về chiến tranh và chiến thắng, tôi chỉ cho con biểu tượng “Quang Sơn còn – Quảng Trị còn”, tượng đài “Hoài niệm” thể hiện mảng tường cổ chi chít mảnh bom đạn bên dòng sông. Đó là dòng sông gắn với lịch sử một phần đất nước. Con trai tôi ngồi trầm ngâm nhìn ra bờ sông, nơi có những cánh chim đang chao lượn trong buổi sáng, bật nhiên, con hỏi tôi “thế người Mỹ có xấu không hả mẹ”.
Cậu bé 5 tuổi bên dòng Thạch Hãn luôn hỏi về chiến tranh và hòa bình. (Ảnh: Tạ Thị Điệp)
Trời trong xanh, thấp thoáng gợn nhẹ những làn mây trắng trên vòm cây phượng vĩ. Như những thành cổ khác, ở mặt ngoài của thành cũng có hào sâu và tường thành chắc chắn. Trong tiếng nhạc nhẹ nhàng của ca khúc “Cỏ non thành cổ” phát ra, tôi vẫn thấy cỏ ở đây non tơ, mềm mịn. Anh hướng dẫn đoàn kể cho chúng tôi nghe, “hầu hết ai đến Quảng Trị đều ghé Thành cổ”. Khu di tích vẫn chỉ một màu cỏ non tơ dưới ánh nắng trưa vàng khét. Cái nắng làm người ta liên tưởng đến mùa hè đỏ lửa khi nhìn vào hàng trang của người lính được trưng bày tại đây. Với mũ tai bèo, dép cao su, bi đông, ruột tượng, ba lô, gậy, súng… những người lính trẻ hăng hái vào chiến trường.
Thành cổ hôm nay, trên con đường tỏa bóng dừa rợp mát, có người đến thăm lại chiến trường xưa, có người trẻ đưa học sinh đến thắp hương tri ân. Họ gặp nhau ở niềm cảm xúc không dấu được trên khuôn mặt khi nước mắt lăn dài. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ, chiếc lá ở đây dường như đều chứa những điều bí ẩn.
Bên dòng Thạch Hãn ghi dấu lịch sử không chỉ có thành Cổ mà là lịch sử quật cường của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Xuôi dòng Thạch Hãn là đến nhà của cố Tổng bí Thư Lê Duẩn. Một căn nhà nhỏ nằm nép mình bên sông, đến mùa lụt lên, nước cũng lập lò ở cửa. Căn nhà cũng là một di tích nhưng nó nằm trong làng, mặt trước hướng ra sông, còn lại xung quanh là hàng xóm láng giềng, không bờ rào ngăn cách, nhà nhà cách nhau chỉ bởi bờ giậu thưa ngăn ngắt xanh. Cuộc sống người học trò lỗi lạc của chủ tịch Hồ Chí Minh, người có thời gian làm Tổng Bí thư lâu nhất nước ta chỉ vẹn vẹn ở căn nhà ngói vài chục mét vuông được giữ nguyên trạng…
Đất Quảng Trị anh hùng, người Quảng Trị kiên trung. Lời cha tôi dạy rằng “trong chiến tranh, dân quê miềng ở hai đầu phân cách, vậy nhưng chưa khi nào người dân có ý nghĩ lung lạc hay thiếu niềm tin”. Cha dạy chúng tôi, dù sống ở đâu các con luôn giữ tính cách ngay thẳng, bất khuất của người con Quảng Trị. Cha dặn tôi nếu cha không còn được thở con hãy đưa cha về nằm dưới động cát quê hương để nghe gió hàng dương vi vu réo rắt, để nghe từ xa tiếng sóng vỗ ì oạm vào bờ ở đó cha đã lớn bằng vị biển mặn mòn và hơi khói đạn bom hun vào từng vạt rú, ruộng bàu.