Nghĩa Trủng Đàn - Nghĩa trang người lính Việt

Chủ nhật - 29/03/2020 23:24
Nhắc tới mảnh đất Quảng Trị, người ta thường nhớ đến những nghĩa trang với hàng nghìn chiến sỹ đã yên nghĩ nơi đây như: Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang  liệt sĩ đường 9…thế nhưng mấy ai biết rằng, cũng chính tại mảnh đất máu lửa này còn có một nơi yên nghỉ của những người lính Tây Sơn áo vải, cờ đào một thời theo vua Quang Trung ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh xâm lược. Và như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nói: “Đây là nghĩa trang đầu tiên của người lính Việt” đó chính là Nghĩa Trủng Đàn.
Nằm phía bên kia con kênh Nam Thạch Hãn, thuộc địa phận làng Thạch Hãn xưa (nay thuộc khu phố 8, Phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Nghĩa Trủng Đàn được xây dựng trên khu đất có hơn 3.000m2, đây là nơi thờ cúng các vong linh hồn và là nơi an nghĩ của hơn 600 hài cốt người lính Tây Sơn áo vải ra Bắc dẹp quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789.
 
image 20200330101825 1
Cổng Chính Nghĩa Trủng Đàn ( Ảnh: Phan Hoài An) 
 
Nghĩa Trủng Đàn là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25). Năm 1872, Ông Hoàng Hữu Lợi cùng phu nhân trong một chuyến đi thị sát vô tình chứng kiến nhiều phần mộ của những lưu dân Nam tiến dọc sông Thạch Hãn bị sạt lở, lộ cả hài cốt ra ngoài. Cảm thương cho những số phận những người bất hạnh, ông và phu nhân đã bàn bạc mua một mảnh đất 7 sào của cư dân làng Thạch Hãn, trong đó, ông bà đã giành riêng 3 sào để lập nghĩa trang và tiến hành cho di dời những mồ mã vô chủ ởbờ sông Thạch Hãn và nhiều nơi khác trong tỉnh về quy táng tại đây và cái tên Nghĩa Trủng Đàn ra đời từ đó.
 
image 20200330101825 2
Nhà thờ Nghĩa Trủng Đàn (Ảnh: Phan Hoài An)
 
Nghĩa Trủng Đàn được lập từ 1872, đúng 100 năm sau, ngay trên vùng đất này một cuộc chiến  đã diễn ra ròng rã 81 ngày đêm để rồi đi vào lịch sử như một trận chiến khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thành cổ Quảng Trị – mùa hè đỏ lửa 1972, bây giờ thì không ngày nào không có những đoàn khách đến thăm viếng, tưởng niệm những liệt sĩ ở Thành Cổ, ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9…những nghĩa trang cấp Quốc gia với cả vạn nấm mồ, nhưng ít ai biết Nghĩa Trủng nơi góc làng Thạch Hãn ấy cũng là một nghĩa trang quốc gia của những nghĩa binh Tây Sơn  áo vải cờ đào đã ngã xuống trong trận chiến đại thắng quân nhà Thanh được quan Tuần Vũ người họ Hoàng làng Bích Khê (Quảng Trị ) đưa hài cốt vượt dặm trường từ đất Bắc vào nằm lại chốn linh thiêng này.

Từ khi khai dựng năm 1872, đến nay, trải qua khói lửa chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc của Nghĩa Trủng Đàn đã nhiều lần bị tàn phá. Năm 1990, trước sự trăn trở thúc đẩy của bà con, ông Hoàng Hữu Dai, hậu duệ đời thứ 16 họ Hoàng làng Bích Khê, đã chủ xướng quyên góp tài lực trong con cháu nội ngoại gần xa để lên kế hoạch trùng tu. Năm 1994, Nghĩa Trủng đàn được tái thiết lại toàn diện với sự trực tiếp chỉ đạo của ông Hoàng Hữu Chỉ - đời thứ 16, ông Hoàng Thạch Cẩm - đời thứ 17. Đến năm 1996, Nghĩa Trủng đàn cũng lại được nâng cấp chỉnh trang tiếp với việc xây thành ở hai đầu Đông - Tây khu mộ địa, dựng bia tưởng niệm. Năm 2019, cùng với sự đóng góp của con cháu họ Hoàng – Bích Khê, và các nhà hảo tâm trong cả nước và gia đình tỷ phú Hoàng Kiều (cháu của nhạc sỹ nổi tiếng Hoàng Thi Thơ), Nghĩa Trũng  Đàn được trùng tu, nâng cấp và mở rộng thêm 2ha. Đến nay, khu Nghĩa Trủng  Đàn bao gồm : Nhà thờ chính (Chánh điện và Hậu cung), khu lăng mộ, nhà bia và khuôn viên cảnh quan. Trước mặt tiền là tấm Bình Phong ngoài ra có thành bao bọc xung quanh và cổng Tam quan.

Hàng năm vào dịp 25 tháng Chạp và 15 tháng 7 âm lịch, Nghĩa Trũng  Đàn đều được hương khói chăm sóc chu đáo. Người dân trong vùng cũng thường xuyên lui tới thăm viếng, nhang khói làm cho cảnh quan hết sức ấm cúng. Vậy là những vong hồn phiêu tán, những nghĩa binh Tây Sơn được quy táng ở Nghĩa Trủng Đàn đã không còn cô độc, hoang lạnh nơi bãi cỏ bờ sông, từ công đức của hai cha con ngài Hoàng Hữu Lợi và Hoàng Hữu Xứng cũng như tấm lòng trắc ẩn của những người dân trong vùng tiếp nối đến tận ngày nay. 

 
image 20200330101825 3
Khu lăng mộ Nghĩa Trủng đàn ( Ảnh: Phan Hoài An)
 
Để ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn cũng như tạo thuận lợi cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy những giá trị vốn có của Nghĩa Trủng Đàn, ngày 16/12/2010 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định công nhận Nghĩa Trủng Đàn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2437/QĐ-UBND. Như vậy, từ nay trở về sau, với sự quan tâm bảo trợ của chính quyền các cấp ở địa phương, sự nhiệt tình chăm sóc hương khói của cư dân làng Thạch Hãn cùng với sự chung tay góp sức của bà con Hoàng tộc – Bích khê – Triệu Long, tin tưởng rằng Nghĩa Trủng Đàn sẽ từng bước được tôn tạo trang nghiêm, bề thế và toàn diện hơn trong thời gian tới, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa văn hóa của di tích này cũng như góp phần tạo nên 1 địa điểm du lịch tâm linh mới cho tỉnh Quảng Trị.

Dù ở giai đoạn lịch sử nào đi nữa thì người lính vị quốc vong thân khi ra chiến trận giữ gìn đất nước, hẳn xứng đáng được người đời xưng danh là liệt sĩ. Và ai biết đến Nghĩa Trủng Đàn - nơi yên nghỉ của hơn 600 người lính Tây Sơn áo vải cờ đào theo Nguyễn Huệ ra Bắc chinh phạt quân Thanh - hẳn sẽ không tiếc lời gợi nhớ./.

Tác giả bài viết: Phan Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 57 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây