Trống đồng được xem là biểu tượng cho nền văn hóa cũng như nền văn minh của người Việt cổ thời dựng nước. Trống đồng trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, như một vật quý báu hội tụ hồn thiêng sông núi, những tinh hoa dân tộc trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt, là vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta. Trống đồng là sản phẩm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, là một hiện vật vô cùng quý báu, một trong những niềm tự hào sâu sắc của văn hoá Việt Nam.
Trống đồng Trà Lộc được ông Hoàng Công Sơn phát hiện vào ngày 20/3/1998 trong khi rà tìm phế liệu tại khu vực Rú Cát thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân (huyện Hải Lăng).
Bảo tàng Quảng Trị ( Ảnh: Phan Hoài An)
Trống có đường kính mặt 33,5cm, đường kính chân trống là 41,5cm, chiều cao toàn thân là 27cm và có trọng lượng 8kg. Trống có thân thon, đế choãi, có 4 quai, tang phình, mặt trống tròn có đường kính 8,7cm, ở chính giữa trang trí ngôi sao 10 cánh. Xen giữa các cánh là 5 chữ V lồng, đỉnh hướng vào tâm trống. Trên các bộ phận mặt trống, tang trống và thân trống đều được trang trí theo hai loại hoa văn: hoa văn hình học và hoa văn hiện thực. Trong đó, hoa văn hình học được tạo ra nhằm làm nền cho hoa văn hiện thực.
Tính từ tâm ra ngoài, mặt trống trang trí 7 vành hoa văn trên trống gồm các họa tiết: 4 con chim hạc bay ngược chiều kim đồng hồ, vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, chấm dãi, răng cưa. Tang trống trang trí hoa văn 4 hình chiếc thuyền có người chèo, ở giữa người cuối thuyền và người giữa thuyền là một chim mỏ dài, đứng cách điệu. Thân trống trang trí 8 con bò có kích thước to nhỏ khác nhau, toàn bộ hình bò nhìn nghiêng, u bò nổi cao, sừng dài, thân bò trang trí các vạch dọc song song, mắt bò hình tròn có chấm giữa. Quai trống có hai đôi quai kép hình bán khuyên, bản quai trang trí hoa văn thừng tết.
Mặt trên trống đồng trà Lộc ( Ảnh: Phan Hoài An)
Phần thân trái trống đồng Trà Lộc ( Ảnh: Phan Hoài An)
Những họa tiết trên mặt trống thể hiện một không khí sôi động trong sinh hoạt của người Việt cổ, phản ánh khá trung thực đời sống văn hóa của cư dân Việt thời bấy giờ. Trống đồng Trà Lộc là hiện vật gốc mang tính độc bản, tiêu biểu; trống không những là loại hình nhạc cụ nổi trội, độc đáo nhất mà còn là biểu tượng của vật thiêng, của quyền lực, là tài sản quý báu của cư dân Việt cổ tại Quảng Trị. Hiện vật có giá trị đặc biệt, hình thức độc đáo, còn nguyên vẹn với sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn hình học và hoa văn tả thực một cách hoàn hảo, sắc nét đến từng chi tiết, gắn liền với tiến trình lịch sử của vùng đất Quảng Trị cũng như dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, trống còn là tác phẩm mỹ thuật thể hiện sự công phu của các nghệ nhân xưa. Họ đã biết vận dụng sự sáng tạo của trí óc trong việc định hình nên kiểu dáng, thiết kế bố cục, căn chỉnh cấu trúc, phân chia mảng miếng; kết hợp với sự khéo léo của đôi bàn tay để khắc ra những hoa văn trên khuôn đất trước khi thực hiện công đoạn đúc trống. Do bố cục hết sức chặt chẽ trên bề mặt, thân và tang trống, nên mỗi hình tượng luôn được dành cho một mảng có giới hạn nhất định, giữa các con thú như chim, bò đều giữ khoảng cách một cách trọn vẹn, đồng đều.
Phần thân trước trống đồng Trà Lộc ( Ảnh: Phan Hoài An)
Việc phát hiện ra trống Trà Lộc đã góp phần làm phong phú thêm cho bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam. Từ đó, khẳng định Việt Nam là quốc gia có nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng thế giới, phát sinh và phát triển ngay tại bản địa, có truyền thống chế tạo và sử dụng trống đồng từ rất lâu đời… Những chiếc trống đồng này được thiết kế tinh xảo, trau chuốt về đường nét, tinh tế về thẫm mỹ với kỹ nghệ đúc đồng độc đáo, đã được tôn thờ và đã trở thành báu vật truyền quốc. Hiện vật có giá trị đặc biệt gắn liền với diễn trình lịch sử vùng đất Quảng Trị cũng như của dân tộc Việt Nam. Chiếc trống đồng mang nhiều ý nghĩa, nói lên với chúng ta hay những thế hệ đời sau những gì về con người, về xã hội đương thời, về thuở dựng nước đầu tiên của ông cha ta, về trí tuệ, tình cảm, tâm hồn của người xưa và về tinh thần cũng như lý tưởng của xã hội cũ.
Để giúp du khách hiểu hơn và cũng như muốn tìm hiểu sâu hơn về loại trống đồng này thì du khách có thể ghé tham quan Bảo tàng Quảng Trị ngay tại số 8, đường Nguyễn Huệ, thành phố Đông Hà vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Cũng tại nơi đây, du khách sẽ thấy một Quảng Trị rất độc đáo thời kỳ còn là lãnh thổ của người Chăm Pa cổ, những dấu án này được tái hiện lại ở hệ thống đền tháp, thành lũy, mộ táng. Và cũng không thể thiếu hình ảnh vùng đất khói lửa anh hùng Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những chiến thắng vang dội ghi dấu lịch sử như Đường 9 Khe Sanh, Thành cổ 81 ngày đêm, Gio Linh kiên cường, Vĩnh Linh lũy thép,…tất cả được tái hiện rõ nét ở đây. Nếu có dịp đi tour du lịch Quảng Trị, về vùng đất nắng gió này đừng quên ghé thăm bảo tàng Quảng Trị để hiểu hơn về đất và người nơi đây./.