Như Lệ - Điệu hò bên dòng sông Thạch Hãn

Thứ ba - 04/02/2020 02:37
Xã Hải Lệ nằm dọc theo bờ Nam sông Thạch Hãn, cư dân ở đây thừa hưởng phù sa màu mỡ của dòng sông đã tạo nên những biền ngô xanh mướt soi bóng xuống dòng xanh tha thướt, lững lờ ôm cả trời mây, làm cho dáng vẻ của vùng quê đẹp như cô gái tuổi dậy thì. Hải Lệ là vùng quê vừa có sự sôi động, ồn ào của thị xã Quảng Trị ở phía đông, vừa có nét trầm tư của miền gò đồi, sơn cước giáp với xã Ba Lòng của huyện  miền núi ĐakRông ở phía tây. Hải Lệ có năm thôn: Tích Tường, Như Lệ, Phước Môn, Tân Lệ, Tân Mỹ.
Thôn Như Lệ nằm ở trung tâm xã. Nơi bắt nguồn từ dòng sông Thạch Hãn đầy kí ức một thời hào hùng của dân tộc. Xuôi theo dòng Thạch Hãn xanh trong, Như Lệ hiện hữu là một làng quê trù phú, cảnh sắc đượm tình. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, hò Như Lệ không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn nức tiếng khắp vùng Bình Trị Thiên khói lửa. Tác động của hò Như Lệ đối với phong trào cách mạng, đến tận bây giờ nhiều người vẫn còn nhắc điệu hò đằm thắm mà dịu dàng, mộc mạc mà thông minh, tinh tế. Hò Như Lệ là di sản văn hóa quý báu mà bao nhiêu thế hệ người con của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này đã tích lũy, sáng tạo và gìn giữ.
 
image 20200204143811 1
Thôn Như Lệ, Nơi bắt nguồn điệu hò Như Lệ (Ảnh: Phan Hoài An)
 
“Ai về Hải Lệ quê tôi
Nắng dòng Thạch Hãn bãi bồi dưa non
Đâu đây vọng tiếng ru con
Giọng hò Như Lệ vẫn còn vấn vương”
Ra đời cách đây 70 năm, điệu hò Như Lệ không chỉ là món ăn tinh thần cổ vũ bao thế hệ thanh niên cầm súng bảo vệ quê hương, mà còn là ngọn đuốc soi đường cho những đứa con lạc lối buông súng trở về với cách mạng. Hò Như Lệ được biến điệu từ hò mái nhì, thuở ban đầu, người dân nơi đây sáng tác nên những làn điệu hò đò dọc để gửi gắm tâm tình, hò trong lúc lên thuyền xuống biển. Khi kháng chiến nổ ra, dân quân Hải Lệ đã dùng điệu hò Như Lệ với những câu hò chan chứa ân tình để cảm hóa, thức tỉnh những người con quê hương bên kia chiến tuyến buông súng trở về với cách mạng, với nhân dân. Vậy nên, hò Như Lệ còn có tên gọi là “hò địch vận”, “hò kháng chiến”.
 
image 20200204143811 2
Bà Thời (trái) và bà Khuyến, cùng nhau hò lại điệu hò Như Lệ 
(Ảnh: quangtrionline)
 
Xã Hải Lệ tự hào quê hương mình có thôn Như Lệ sinh ra một thứ giọng hò bên dòng sông thơ mộng Thạch Hãn, không giống nơi nào nhưng nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cũng  thừa nhận và đặt tên nó là giọng hò Như Lệ. Giữ được nét duyên của một thời trẻ trung sôi nổi, góp vui trong những lần hội làng, những đêm văn nghệ bằng điệu hò truyền thống của quê hương. Hiện nay ở Như Lệ có ba người từ tuổi sáu mươi lăm trở lên đã từng một thời đem giọng hò của xứ sở mình sánh cùng các giọng hò của những miền quê khác, đó là các mẹ: Ngô Thị Thời, Ngô Thị Huế và Ngô Thị Khuyến.  Đây được xem như ba cây cổ thụ trong thôn Như Lệ về điệu hò bên dòng sông Thạch Hãn. Họ là những người đã giữ được điệu hò cho đến ngày hôm nay. Từ dòng máu “văn nghệ” của mẹ Ngô Thị Thời  nên ba đứa con đều vào đời bằng nghiệp ca hát. Đó là ca sĩ Thu hằng ở Đoàn Ca kịch Thừa Thiên Huế, ca sĩ Kiều Như ở Đoàn ca nhạc Cung đình Huế, còn đứa con gái út Nguyễn Thị Bình cũng theo học ở Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Huế. Con em của Như Lệ sinh ra trong điệu hò man mác của quê hương, lớn lên một chút lại được theo mẹ cha đến với những đêm văn nghệ đắm say, cứ thế, giọng hò nơi biền ngô, dòng sông Thạch Hãn trong xanh của làng đã thôi thúc trái tim của nhiều cô gái đến với nghệ thuật ca hát.
 
image 20200204143811 3
Bà Ngô Thị Thời và Ngô Thị Huế hò lại điệu hò bên dòng sông Thạch Hãn ( Ảnh: youtube)
 
Từ giọng hò Như Lệ của xã Hải Lệ, tỉnh Quảng Trị tạo cảm xúc cho người nghe có được một nhạc phẩm trữ tình, mang nét đẹp của mạch nguồn xứ sở Sông Hãn Non Mai. “Giọng hò thương nhớ” ấy sẽ đưa quý khách về với miền quê Hải Lệ, để được hiểu thêm sự quyến rũ của giọng hò riêng biệt chỉ có được sinh ra trên mảnh đất này. Nghe những người già ở Như Lệ say sưa hò lại những điệu hò thời xa xưa, mới hiểu được rằng: Loại hình văn nghệ dân gian này chỉ có sinh ra trên mảnh đất này, đã chia bùi sẻ ngọt với con người trong cuộc sống lao động, tình yêu, trong chiến đấu với giặc ngoại xâm.

Giọng hò Như Lệ đi qua thời gian, làm đẹp thêm cung bậc cuộc đời. Giữa xô bồ cuộc sống, giọng hò ấy vẫn ngân vang một giai điệu riêng. Buồn vui của con người, của vùng đất đã in dấu qua mỗi điệu hò. Những ai có công sưu tầm giọng hò Như Lệ, chắc sẽ thấy rất rõ mỗi bước thăng trầm của xứ sở này qua từng mốc thời gian. Được một lần thưởng thức điệu hò Như Lệ giữa đất trời đang tràn ngập xuân sang, mới phần nào cảm nhận được hết cái tinh tuý, sự tài hoa của mảnh đất và con người nơi đây. Hò Như Lệ xứng đáng là một tài sản phi vật thể có giá trị và mang bản sắc riêng của vùng quê đã sản sinh ra nó, quê hương Hải Lệ anh hùng. Và trong lòng những người gần trọn cuộc đời gắn bó, chung thuỷ với điệu hò quê hương như bà Huế, bà Thời luôn dâng lên một niềm tự hào, bởi họ là lớp người giữ gìn một nét văn hóa đặc sắc, góp phần bồi đắp văn hoá cộng đồng trong quá trình xây dựng cuộc sống mới hôm nay./.

Tác giả bài viết: Phan Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 55 trong 13 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 13 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây