Thành Cổ Quảng Trị - Khát vọng hòa bình

Thứ năm - 02/01/2020 02:35
Soi mình bên dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, Thành cổ Quảng Trị uy nghi, trầm mặc. Đây được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập.
Nơi đây, dưới lớp cỏ non Thành cổ, lòng đất đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào Quảng Trị. Và ngày nay, giữa không gian thanh bình, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành điểm đến, không chỉ là nơi ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn là điểm du lịch hấp dẫn. Thành Cổ Quảng Trị nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam. Đây vừa là công trình thành luỹ quân sự, vừa là trụ sở hành chính của nhà Nguyễn trên đất Quảng Trị từ năm 1809 đến năm 1945. Theo các nguồn tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2 thị xã Quảng Trị).
image 20200102143601 1
Vị Trí Toạ Lạc Của Thành Cổ Quảng Trị ( Ảnh: Foody.vn)

Là một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc. Ban đầu, thành cổ được đắp bằng đất, tới năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh được làm từ gạch nung cỡ lớn, kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác. Thành cổ có dạng hình vuông, chu vi tường thành là gần 2.000m, cao 9.4m, dưới chân dày 12m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành trổ bốn cửa chính Đông Tây Nam Bắc, mỗi cửa rộng 3.4m, được xây theo kiểu vòm cuốn, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói.

Những năm 1809 – 1945, thành cổ này được nhà Nguyễn chọn làm trụ sở hành chính và thành lũy quân sự. Từ 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao và biến nơi đây thành nơi giam cầm những người có quan điểm chính trị đối lập.

 
image 20200102143601 2
Cổng Thành Cổ Năm 1968 ( Ảnh: David Dubin)
 
Nhắc đến thành cổ Quảng Trị, người ta thường nhớ ngay đến trận chiến rực lửa năm 1972, năm được ví như “mùa hè đỏ lửa” với hàng trăm ngàn tấn bom dội xuống suốt 81 ngày đêm đã biến tòa thành này thành nơi biết bao con dân Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ lũy thành giang sơn, vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước, đây là một trận đánh ác liệt và tàn khốc. Sau trận này, toàn bộ thành cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn lại một cửa phía Đông, vài đoạn tường thành và giao thông hào chi chít vết bom đạn. Đến thập niên 90 của thế kỷ 20, UBND tỉnh Quảng Trị đã tôn tạo lại thành cổ dựa trên các dấu tích lịch sử, và hình thành nên khu di tích. Đến năm 1986, thành cổ đã được nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích người ta xây đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong những ngày đêm khốc liệt này.
 
image 20200102143601 3
Thành cổ 1972 ( Ảnh: ST)
 
Sau chiến dịch năm 1972, cả tòa thành cổ gần như bị san phẳng, chỉ có duy nhất cửa hướng Đông là còn khá nguyên vẹn, toàn bộ đoạn tường thành cùng hệ thống hào bên ngoài thì chi chít vết bom đạn. Rất nhiều di vật, đồ dùng cũng như là thư tín của bộ đội xưa kia gửi về vĩnh biệt gia đình trong thời máu lửa đến nay vẫn được lưu giữ lại ở Bảo tàng Thành Cổ. Cùng với nỗ lực bảo tồn của người dân nơi đây, thành cổ Quảng Trị bây giờ đã trở thành miền đất tâm linh cho những người còn sống từ thời chiến tranh đến để ôn lại một thời hào hùng, cho những thế hệ tiếp theo đến để chiêm ngưỡng, tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống vì bảo vệ quê hương.
Thành cổ Quảng Trị ngày nay
Hiện nay, thành cổ đã được phục chế các đoạn tường thành, làm lại bốn cổng chính, trung tâm được xây một đài tưởng niệm ghi dấu ấn 81 ngày đêm năm 1972. Toàn bộ đường dẫn vào khu di tích và mặt đất bên trong thành được tráng xi măng, xung quanh bài trí hoa cây cảnh. Phía tây thành cổ, song song con đường từ cửa Hữu dẫn ra bờ sông Thạch Hãn là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích, gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà tưởng niệm liệt sĩ, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông nhằm vọng tưởng linh hồn các anh hùng, liệt sĩ.

 
image 20200102143601 4
Đài dâng hương tại Thành Cổ ( Ảnh: ST)
 
Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ nhìn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, tả, hữu mà là một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẩm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính vì vậy, Thành cổ trở thành mảnh đất thiêng, nơi hội tụ tình cảm của chiến sỹ, đồng bào cả nước. Thành cổ Quảng Trị hiện nay đã được tu sửa lại với một màu xanh đầy sức sống của cây cỏ, thế nhưng vì dưới lớp đất của thành có các anh đang yên nghỉ nên những công trình trước kia sẽ không được phục hồi. Bù lại, một đài tưởng niệm lớn đã được xây dựng ở chính giữa thành cổ, đài được xây dựng theo triết lí âm dương, được đắp nổi bằng đất như một nấm mồ chung, dưới  chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, nơi dâng hương là biểu trưng của lưỡng nghi còn mái đình là thái cực.

Tại Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan, nhà quản lý về Đề án tổ chức “Festival vì Hòa Bình” tại tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 27/12/2019, các đại biểu cũng đã thống nhất cao trong việc lựa chọn thị xã Quảng Trị với điểm nhấn Thành cổ Quảng Trị là một trong những địa điểm chính để tổ chức các hoạt động Festival, nơi biểu thị và tôn vinh các giá trị của Hòa bình.

 
image 20200102143601 5
Một góc cổng phía Nam cuả Thành Cổ( Ảnh: ST)
 
Với những gì mà thành cổ quảng trị đem lại cho du lịch Quảng trị nói chung và du lịch thị xã nói riêng thì cũng là một trong những địa diểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Quảng trị, được xem như một tour du lịch DMZ từ thành cổ, chúng ta có thể sang thả hoa tại bến hoa Thạch Hãn phía nam, dâng hương các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống ở dòng sông này, Viếng thăm nhà cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn, Tháp Chuông…Thì việc phát triển du lịch ngày càng đi lên, đưa du lịch tỉnh Quảng trị đến nhiều nơi trong cả nước. 
 
image 20200102143601 6
Dòng người hướng về thành cổ Quảng Trị để tri ân những người đã khuất (Ảnh: ST)
 
Đất nước Việt Nam nghìn năm văn hiến, trải qua biết bao mưa bom bão đạn cùng với sự hi sinh của biết bao người con đất Việt mới có được hòa bình của ngày hôm nay. Thành cổ Quảng Trị vẫn đứng đó, không chỉ là một điểm du lịch thu hút khách, mà còn là vết tích của thời gian, nhắc người ta về một thời máu lửa. Về thăm đất Quảng, bạn nhớ đến thăm thành cổ để có thể cảm nhận được không khí lịch sử hào hùng nơi đây nhé.

Tác giả bài viết: Phan Hoài An

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây