UBND tỉnh Quảng Trị họp nghe báo cáo về đề án phát triển kinh tế ban đêm.

Thứ tư - 08/11/2023 04:35
Sáng 08/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nội dung dự thảo Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp
 
Cuộc họp đã được đại diện Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án. Theo đó, khái niệm về phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) còn khá mới mẻ, các hoạt động phát triển kinh tế chủ yếu diễn ra vào ban ngày; bên cạnh đó, các hoạt động KTBĐ trên địa bàn tỉnh tuy đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức thường xuyên, quy mô còn nhỏ; kết cấu hạ tầng phát triển nhưng còn chậm, việc liên kết với các tỉnh lân cận còn hạn chế, chưa phát triển như mong muốn.
Do đó, để tìm được mục tiêu, định hướng, chính sách phát triển KTBĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thì việc nghiên cứu và xây dựng Đề án là cần thiết. Mục đích của Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để hình thành các mô hình, sản phẩm độc đáo, khác biệt vào ban đêm; góp phần nâng cao chất lượng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan và lưu trú dài ngày; phát triển KTBĐ để bổ trợ cho các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, kể cả ban ngày và ban đêm.
Theo dự thảo Đề án, trong giai đoạn 2023-2025 phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7-7,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 11,7%/năm. Triển khai thí điểm 3-4 khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ.
 
Phố đêm Đông Hà chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2023.
 
Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 8-8,5%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 14,3%. Đến năm 2030, thu hút 4.074 nghìn lượt khách du lịch; trong đó có khoảng 50% lượt khách du lịch tham gia vào KTBĐ. Toàn tỉnh có cơ sở lưu trú 9.400 buồng phục vụ khách du lịch lưu trú qua đêm. Duy trì và mở rộng 4-5 khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, trình diễn văn hóa – nghệ thuật về đêm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện Đề án khoảng 14.796 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa; trong đó ngân sách nhà nước khoảng 101,4 tỉ đồng; vốn xã hội hóa khoảng 14.694,6 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Đề án. Đồng thời, đề xuất và thảo luận một số nội dung liên quan đến việc lựa chọn thời gian, khảo sát địa điểm phù hợp; kế hoạch sử dụng tài sản công trong quá trình triển khai Đề án; đề xuất các địa phương nghiên cứu các loại hình đặc trưng của từng sản phẩm, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển KTBĐ riêng theo từng giai đoạn; chú trọng đến nguồn lực cho hoạt động KTBĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn nguồn khách trực tiếp tham gia vào các hoạt động KTBĐ tại tỉnh…
Sau khi lắng nghe các ý kiến và đề xuất, kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam khẳng định phát triển KTBĐ là cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quảng Trị cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KTBĐ. Hiện nay, các hoạt động KTBĐ trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho hình ảnh của địa phương, góp phần tạo dựng công ăn việc làm cho nhân dân và phát triển ngân sách của tỉnh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thống nhất với tên gọi của Đề án. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu, điều chỉnh về không gian, thời gian cho các hoạt động KTBĐ, gắn với những hoạt động cụ thể của từng địa phương. Xác định thời gian cụ thể thực hiện đề án, từ đó triển khai quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện tại những điểm đã có hình ảnh, thương hiệu như TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa) ... Sau đó, mỗi địa phương nghiên cứu triển khai các hoạt động đặc thù, phù hợp tình hình thực tế để đa dạng hóa loại hình du lịch. Xem xét đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động KTBĐ. Phân cấp, phân quyền rõ ràng trong công tác quản lý. Các địa phương có thể quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của mình liên quan đến phát triển KTBĐ. Quy hoạch và phát triển các hệ thống giao thông công cộng, hình thành văn hóa thân thiện, mến khách, văn hóa kinh doanh các hoạt động KTBĐ để giữ chân du khách đến với Quảng Trị….
Trên cơ sở ý kiến thảo luận và đề xuất của các sở, ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu có chọn lọc, hoàn thiện dự thảo Đề án để khi được thông qua, Đề án sẽ thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Sau khi dự thảo Đề án hoàn thiện, UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương, trình HĐND tỉnh xin chính sách, nguồn lực.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây