Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến
khối Công Thương địa phương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin: “Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, Quý I/2023 GDP tăng thấp hơn so với kế hoạch và thấp hơn nhiều cùng kỳ. Nhiều địa phương được xem là đầu tầu kinh tế nhưng tăng trưởng rất thấp, thậm chí có địa phương tăng dưới 1%”. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương đánh giá thực chất tình hình, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ đó đưa ra các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ để ra.
Theo báo cáo từ Cục Công Thương Địa phương tại hội nghị, kết quả sản xuất, xuất khẩu quý I/2023 không mấy khả quan, tuy nhiên tình hình được dự báo sẽ khá hơn trong những tháng tới. Tính chung quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có IIP quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%) hoặc do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 286,1%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%).
Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm (Ninh Bình giảm 31,8%; Trà Vinh giảm 29,3%; Hà Giang giảm 24,9%; Cao Bằng giảm 21,9%; Hải Phòng giảm 18,5%...)
Về xuất nhập khẩu, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Trong quý I/2023, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%). Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,6%). Trong quý I năm 2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).
Trước tình hình đó, ngành Công Thương đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm đạt kế hoạch dự kiến năm 2023: Chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 8-9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Công Thương đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện như: Tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại; Kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và DN lớn toàn cầu. Phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan. Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất. Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sĩ Đồng chủ trì hội nghị trực tuyến Khối công thương địa phương quý I/2023 tại điểm cầu Quảng Trị do Bộ Công Thương tổ chức
Tại Hội nghị, một số địa phương đã thảo luận và trao đổi nhiều vấn đề về thực trạng hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tại địa phương, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với Bộ Công Thương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:
(i) Đối với lĩnh vực năng lượng, ngoài 42,3MW các dự án điện gió đã thi công hoàn thành trong năm 2022 nhưng chưa vận hành thương mại (Dự án NMĐG Hướng Linh 7 - 16,8MW và Dự án NMĐG Hướng Hiệp 1 - 25,5MW), trong năm 2023 dự kiến có 03 dự án điện gió hoàn thành công tác thi công (Tân Hợp - 38MW, Hướng Linh 3 - 30MW và Hướng Linh 4 - 30MW). Việc vận hành thương mại của các dự án điện gió này phụ thuộc vào quá trình đàm phán giá phát điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03 tháng 10 năm 2022 của Bộ Công Thương ban hành quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07 tháng 01 năm 2023 của Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.Theo báo cáo của các nhà đầu tư và EVN, việc đàm phán còn gặp một số vướng mắc cần được tháo gỡ. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thủ tục đàm phán nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc đối với các dự án năng lượng chuyển tiếp trong thời gian tới.
(ii) Hiện nay, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn diễn ra chậm do chủ yếu được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, trong khi đó nguồn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, huyện) còn hạn hẹp nên còn khó khăn trong bố trí vốn. Bên cạnh đó, do điều kiện hấp dẫn, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh không thuận lợi, chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng KCHT CCN, vì vậy đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ vốn từ Trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng CCN. Đây cũng là vấn đề được nhiều tỉnh đề xuất tại Hội nghị.
(iii) Ngành dệt may và chế biến gỗ rất khó khăn về đơn hàng, thị trường tiêu thụ (gỗ tồn đọng hàng hóa lớn, trong khi may mặc khó khăn trong nhận đơn hàng, giá trị đơn hàng giảm đến 20% nên hoạt động không có hiệu quả), vì vậy việc hỗ trợ thông tin thị trường, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là hết sức cần thiết.
(iiii) Cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế từ năm 2014, tuy vậy sau gần 10 năm hoạt động việc đầu tư xây dựng cở sở hạ tầng ở đây vẫn còn manh mún, chắp vá và chậm trễ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, đề nghị Trung ương nghiên cứu đầu tư nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, đồng thời xây dựng đường nối từ cửa khẩu LaLay đến cảng Mỹ Thủy (QL. 15D). Bởi lẽ hành lang La Lay - Mỹ Thủy là hành lang có tầm chiến lược, quan trọng kết nối vùng với các nước trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của quốc gia, vùng nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.
(iiiii) Kiến nghị Văn phòng - Bộ Công Thương phối hợp Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các trung gian thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia nâng cao cấu hình, tối giản về thời gian chuyển tiền vào tài khoản thụ hưởng của đơn vị cung cấp dịch vụ công đảm bảo theo quy định (hoặc đề xuất sửa đổi, điều chỉnh quy trình thanh toán trực tuyến trên Công dịch vụ công quốc gia theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo đúng quy định)./.