Chẳng biết bây giờ, đông đã đến chưa, hay đã sắp xuân. Chỉ thấy lảng bảng, một chút se se, lẫn trong gió nhẹ, bồng bềnh sương khói. Chợt nhận ra, thế sự nổi trôi, đến cả càn khôn, cũng không ngừng xoay chuyển. Nhớ cách đây hơn mươi năm, cứ đến tầm tháng bảy, mưa lũ dồn về, đến khoảng tháng mười, gió lạnh cắt da. Nhưng nay nhắm mắt, say nồng ban trưa, cũng không mơ nổi mùa đông năm nào.
Đồi thông bên cạnh Dzà Giàn (Ảnh: Nhật Lượng)
Những mùa đông ấy, cùng lũ chúng bạn, lẽo đẽo theo đuôi bò con bò mẹ, lên núi tìm cỏ. Áo quần đôi ba lớp mà vẫn thấy lạnh thấu xương, đành khoác thêm tấm nilon, hòng chặn mùa đông, được chút nào hay chút ấy. Những đứa trẻ ấy, tay cầm cúi rơm, vừa đi vừa thổi, giữ lửa khỏi tắt. Bàn tay còn lại nắm chặt cây roi, từ sớm mai đến tối mịt về tới nhà vẫn không bỏ, là bởi bàn tay ấm áp lạ thường.
Dzà Giàn mùa ấy, trâm mốc chín đầy, tím thẫm trĩu cành. Bọn trẻ chúng tôi vừa đi vừa hái, chưa kịp nhả hạt trong miệng ra, đã nhét thêm vài trái khác. Quả trâm mốc tuy không ngọt lắm, nhưng lại có vị chát sít răng. Màu tím sẫm xủa trâm mốc bám đầy mép môi, dính trên vòm lưỡi, vào tận cổ họng. Tuổi thơ lúc ấy chỉ biết ăn chơi, nào đâu hiểu được công dụng tuyệt vời mà trâm mốc mang lại. Trâm mốc vị chát, ăn vào trị được các bệnh lỡ loét, lại còn chữa được bệnh hiểm tiểu đường. Lá cây trâm mốc có thể nấu nước uống như chè như vối. Ngày Tết Đoan Ngọ, mùng năm tháng năm, cụ ông cụ bà lên rừng tìm lá về phơi, không thể bỏ qua lá cây trâm mốc. Phơi thật nhiều nắng, đến độ giòn tan rồi mang cất đi, uống dần trong năm. Vị ngọt thanh của lá rừng là thức uống giải khát, tăng lực cho các thành viên trong gia đình sau những giờ đồng áng mệt nhọc.
Bạt ngàn sim ven đường (Ảnh: Nhật Lượng)
Dzà Giàn, cái tên này chúng tôi biết đến như biết thứ dưới chân là đất, thứ trên cao là trời. Tôi chẳng rõ vì sao lại mang tên này và cũng không chắc mình phát âm đúng chư ẩn ý ban đầu mà người ta đặt cho. Có thể là cái tên Đá Dàn cũng nên. Chỉ biết rằng, nơi đây địa hình rất đẹp, bằng phẳng bạt ngàn. Loại đá tổ ong là chủ trị nơi đây. Năm xưa đi chăn bò thấy dấu vết cắt xẻ, thành những rãnh những bậc, vuông vức thẳng tắp. Hỏi ra mới biết, các cụ ngày xưa đục xẻ lấy đá, mang về xây nhà và các công trình của thôn, của xã. Thế nên nơi này còn gọi Đục Đá. Đá tổ ong, mang về làm nhà, mùa hè thì mát, mùa đông ấm áp. Lại là loại đá cây cỏ dễ bám, nếu làm tường rào, trồng cây dây leo, hoa hồng hoa lý, chắc chắn sẽ có cảnh tượng thần tiên đẹp đẽ ở đấy.
Ở phía đông Dzà Giàn có con suối nhỏ, bốn mùa nước lững lờ trôi. Lại có ao sâu, xung quanh, dưới đáy rất nhiều đá cuội to nhỏ xen lẫn. Mỗi lần chăn bò, mệt mỏi khô khan có thể xuống ao để múc nước uống. Nước từ khe đá chảy ra ngọt lịm, mát cả tâm can. Bọn trẻ biết bơi, ì ỏm sung sướng. Kẻ nhát gan là tôi chỉ biết ngồi trên tảng đá to ngắm nhìn mơ ước nơi này xuất hiện Tuyết Ma Nữ hay Long Cô Cô mà đội phim di động chiếu tối hôm qua.
Con suối nhỏ quanh năm lững lờ (Ảnh: Nhật Lượng)
Mùa hè chói chang, lũ trẻ chúng tôi thường mang đồ ăn thức uống để khỏi đi về vừa xa vừa mệt. Cơm của bọn trẻ chăn bò thường là bát rưỡi độn sắn, dưa muối cá khô. Tôi được ông bà ngoại thương, thường luộc thêm vài củ môn, củ sắn, bỏ vào trong cái giỏ đan để cháu thêm chắc bụng.
Trời trưa nắng gắt, những chú bò đã tìm chốn nghỉ ngơi. Lũ trẻ chúng tôi, cùng vài cụ già chui vào giữa lùm cây để trốn nắng. Những cây duối dẻo dai đan vào nhau khăng khít, được thú hoang, chồn cáo đi qua đi lại, lâu ngày tạo thành lối mòn sạch sẽ. Chúng tôi chui vào trong đó, gió mát rười rượi, còn chưa ăn hết cơm đã ríu mắt, nghiêng ngửa ngủ luôn.
Đặc sản Dzà Giàn không thể bỏ qua là quả sim tím. Bạt ngàn sim ven đường, dọc sườn đồi, xen lẫn trong rừng thông kim. Mùa sim chín, lũ chúng tôi bao giờ cũng xách theo giỏ đan, bao bì, tay hái bỏ miệng, tay hái bỏ bao. Có khi tham ăn lạc mất cả bò. Có anh ăn quá nhiều sinh táo bón, tối về ôm mãi gốc giàn mướp, ị mãi không ra. Vĩnh Chấp quê tôi nỗi tiếng về sim, muồng, chổi là vậy đấy. Rất nhiều người làng tôi, lên tận nơi đây, khi về gồng gánh từng quang thúng sim, đợi sớm mai đi chợ thị, đổi chút tiền mua thịt cá cải thiện và áo quần sách vở cho con cháu. Nào có ngờ đâu, giờ sim càng hiếm. Cánh đàn ông đã biết đến ngâm sim chín vào rượu, để tầm vài tháng, màu rượu đỏ tươi, hương nồng thấm đượm. Mỗi độ gặp nhau, bê hũ rượu sim, khoe khoang khoác lác, trăng lặn mới về.
Bạt ngàn nền đá tổ ong (Ảnh: Nhật Lượng)
Trải qua bao nắng mưa, gặp bao thăng trầm cuộc sống, đã sớm nhận ra đời là hư ảo. Nhắm mắt tĩnh tọa, chợt nhớ miền dấu yêu xưa. Những muốn trở lại, chọn lấy một khoảnh ở bên ao đá, kêu người khỏe mạnh cắt đá tổ ong, xây một am nhỏ bao bởi tường rào. Trong vườn trồng cúc, vài ba khóm trúc, nào nhài, nào quế, sim, mốc, muồng, chổi. Lấy nước ao đá, pha trà nấu cơm. Lấy lá thông kim, đượm bếp lửa hồng. Chén rượu sim nồng ru vào giấc mộng. Trăng khuya lồng lộng, cất tiếng sáo thiền, vào miền cực lạc.
Than ôi! Hôm nay trở lại, chẳng nhận ra lối cũ, chẳng còn thấy ao xưa. Đá ong tan tác, tràm mọc xanh um. Cứ độ năm năm, Dzà Giàn lại cấp tiền tỉ cho các hộ gia đình gieo cây trồng tràm. Chỉ có kẻ ngu khờ là tôi, mơ mộng hão huyền, tiếc nuối chút xưa đến lạc lỏng thân tâm. Thôi thì…tâm trú trong thân, thiền trú trong tâm. Nhắm mắt tĩnh tọa ở giữa vườn nhà, ngắm cỏ trồng hoa cho qua ngày tháng.
Vĩnh Chấp, 08/11/ 2019