Căn cứ Dốc Miếu – Hàng rào điện tử Mc Namara: Điểm tham quan lý thú và có ý nghĩa sâu sắc

Thứ năm - 30/11/2023 03:16
Căn cứ Dốc Miếu – Hàng rào điện tử Mc Namara là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của ông cha ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi đây sẽ là điểm tham quan lý thú, có ý nghĩa sâu sắc. Khai thác tiềm năng này là một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ngày một khởi sắc.
 
Toàn cảnh khu vực căn cứ Dốc Miếu lúc bấy giờ

- Căn cứ Dốc Miếu: là cách gọi để chỉ một căn cứ quân sự của Mỹ - nguỵ đóng tại Dốc Miếu1 (thôn Gia Môn, xã Phong Bình (trước đây là xã Gio Phong), huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) trong những năm chiến tranh. Di tích này đã được công nhận là di tích quốc gia theo Quyết định số 236/VH-QĐ ngày 12/12/1986 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
- Hàng rào điện tử Mc Namara2: là một hệ thống hàng rào đặc biệt được Mỹ xây dựng dọc phía nam vùng giới tuyến quân sự tạm thời (nam sông Bến Hải) từ bờ biển Gio Linh qua đồi 31 (Gio Mỹ) đến Dốc Miếu, Cồn Tiên lên biên giới Việt – Lào nhằm ngăn chặn sự tấn công của quân và dân ta từ phía bắc vào. Trong hệ thống hàng rào này thì địa điểm Dốc Miếu được bố trí thành trung tâm của các phương tiện điện thám tinh vi được xem là “con mắt thần” của toàn bộ hệ thống hàng rào này.
Vì vậy, khi nói đến căn cứ Dốc Miếu là đồng nghĩa với việc đề cập đến hàng rào điện tử Mc Namara và ngược lại, khi nghiên cứu về tuyến hàng rào này thì không thể bỏ qua vị trí chiến lược của căn cứ Dốc Miếu.
Căn cứ Dốc Miếu – Hàng rào điện tử Mc Namara trong những năm mới hình thành là một vấn đề quân sự vừa bí mật, vừa mang tính thời sự nóng bỏng. Đây là một “phát minh” mới của giới quân sự Mỹ về phương tiện chiến tranh được áp dụng dọc khu phi quân sự tại phía bắc miền Nam Việt Nam với hy vọng sẽ là “lá chắn thép” vững chắc ngăn chặn sự chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Theo kế hoạch thì Hàng rào điện tử Mc.Namara được kéo dài dọc bờ nam sông Bến Hải (cách bờ sông trung bình 5-7km) từ vùng biển Gio Linh cho đến tận biên giới Việt – Lào rồi sang Lào. Như vậy, vùng đất đặt tuyến hàng rào này bao gồm cả vùng cát ven biển (Gio Hải), vùng đồi trung du (Gio Sơn) và vùng rừng núi tây Gio Linh, Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), biên giới Việt - Lào. Nhưng, thực tế thì hàng rào điện tử này mãi đến cuối năm 1968 mới hoàn thành được có 3 km từ bờ biển (thuộc địa phận thôn 8, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) lên căn cứ Đồi 31 (xã Gio Mỹ), chứ không phải 100 km như trong kế hoạch của các nhà khoa học Mỹ.
Có nhiều lý do để giải thích như: sự “phản ứng mạnh mẽ” của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ; chính quyền Mỹ chuyển từ Giônxơn qua Nichxơn, từ Mc Namara sang Clipphơt, hay như trong đề án “phải chờ đủ thì giờ chế tạo những vũ khí mới để làm hàng rào…”.

 
Những "Cây nhiệt đới" mà Mỹ đã từng sử dụng ở khu vực Cồn Tiên - Dốc Miếu

Hàng rào điện tử Mc Namara với đoạn hoàn chỉnh nhất là từ vùng biển phía bắc Cửa Việt lên đồi 31 dài 3km. Tập trung tiền, trí tuệ và cả danh dự nước Mỹ cho 3 km hàng rào này với mục đích: Thí nghiệm và làm một tấm lá chắn bảo vệ cho cảng Cửa Việt – một cảng quân sự quy mô nhỏ ở miền Nam Việt Nam. Hàng rào được làm bằng 12 lớp dây thép kẽm gai (gồm các loại: bùng nhùng, ô vuông, mắt cáo, khung cửi…) đặt chồng lên nhau thành một bức tường thép cao 3m vừa cứng vừa có sức đàn hồi. Loại tường này rất khó phá, nhiều loại vũ khí thường không phát huy được tác dụng, khi một mảng bị chọc thủng thì tự nó kéo co lại tức khắc. Mặt khác, vì nó chuyền chấn động rất nhạy nên nó đã gây nổ các loại mìn bố trí trên hàng rào.
Bãi mìn phía trước hàng rào kẽm gai rộng từ 500–700m, dài 3km với đủ loại mìn, mỗi lúc xuất hiện thêm những loại mới: Mìn chống tăng, mìn từ trường, mìn muỗi (có nhiều dây mắc vào cây cối lụp xụp, rất dễ vướng phải) mìn lá, mìn ba càng (đạp trúng càng là nhảy lên cao, nổ trên không, sát thương mạnh ở ngực và bụng)…rãi đại trà là mìn Jip (M14) đánh vào bàn chân, rất dễ gặp. Bên ngoài hàng rào mìn là cả một hệ thống máy phát hiện tinh vi, “vô hình”. Đó là “cây nhiệt đới” máy thu âm thanh tự động, “máy cảm ứng”… và sau này có nhiều loại có dạng giống như mẫu củi mục nhỏ bằng ngón tay, nhặt lên bẻ ra thấy pin, bóng đèn mới biết là thiết bị do Mỹ cài đặt hoặc có loại giống phân thú rừng rất khó phân biệt.
Trên trời cao, máy trinh sát đủ các loại luân phiên nhau túc trực 24/24 giờ dọc tuyến hàng rào. Đó là loại máy bay trinh sát không người lái, các loại này đều khó nhìn thấy, là loại máy bay RC130… Nhiệm vụ của chúng là nhận tín hiệu từ những máy báo tiếng động phát đi và ngay lập tức chỉ điểm cho pháo, bom tọa độ dội đến mục tiêu. Gọi là hàng rào điện tử nhưng ở đây có cả hàng rào người bảo vệ. Đó là bọn biệt kích dơi, nhện, gà tàng, trâu điên…được Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở miền Nam (MACV) huấn luyện đặc biệt. Bọn chúng hoạt động dọc tuyến hàng rào, cách 3-4 km trở lại và có nhiệm vụ phục kích, gài bẩy mìn.
Sát chân hàng rào là một tuyến xe tăng, gồm 12 chiếc thường xuyên cơ động giữa thôn 8 và đồi 31 để tuần tiểu, phục kích. Ngoài ra, pháo hạng nặng từ Dốc Miếu, Hạm đội 7 luôn luôn yểm trợ cho tuyến hàng rào này.
Riêng đồi 31 còn là đồn trú ẩn của hơn 1 đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ với trang bị hoả lực hiện đại. Ngoài ra, chúng còn cho pháo đài bay thả xuống các lô cốt đúc sẵn, rồi đào công sự, rào kẽm gai, đặt mìn xung quanh.
Căn cứ Dốc Miếu – con mắt thần của Hàng rào điện tử Mc Namara: Dốc Miếu là một quả đồi đất đỏ ba zan rộng khoảng 262 ha, có quốc lộ 1A đi qua. Đây là quả đồi cao nhất (50m) ở phía đông Gio Linh, nằm gần vùng phi quân sự, cách bờ biển Gio Hải khoảng 10 km, cách Cồn Tiên 12 km và cách Chi khu Quân sự Đông Hà 15 km. Vì vậy, Dốc Miếu được xem là vị trí chiến lược vô cùng lợi hại ở phía đông bắc Quảng Trị. Khi hàng rào được thực hiện một đoạn hoàn chỉnh dài 3km từ bờ biển đến đồi 31 thì Dốc Miếu nằm trong tuyến hàng rào theo kế hoạch là một trung tâm quân sự kiên cố, hùng mạnh để bảo vệ đoạn hàng rào điện tử này và sẽ là “con mắt thần” khi hàng rào đó được kéo dài về phía tây.

 
Lực lượng vũ trang Do Linh bí mật vào các căn cứ để tháo gỡ  và vô hiệu hóa
 các loại mìn trên tuyến hàng rào

Trước khi đề án xây dựng hàng rào điện tử của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ được đem ra để áp dụng thì Dốc Miếu đã là vị trí tiền đồn của chính quyền nguỵ - Sài Gòn. Từ năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm trên cơ sở hệ thống đồn bốt cũ của thực dân Pháp tiếp tục sử dụng, mở rộng làm căn cứ chốt giữ vùng nam giới tuyến, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Tuy nhiên, do tình hình chiến sự lúc đó chưa xảy ra, hai bên đang thi hành hiệp định Giơnevơ, Dốc Miếu lại là nơi đóng trụ sở của Tổ quốc tế 76 (Giám sát việc thi hành Hiệp định ở vùng phi quân sự) nên chính quyền ở miền Nam chưa dám xây dựng nơi đây thành căn cứ với quy mô lớn. Lúc này, ngoài lực lượng cảnh sát ngụy đang bảo vệ giới tuyến thường xuyên có mặt là một vài đơn vị của Sư đoàn 1 bộ binh – Sư đoàn giới tuyến của quân lực Việt Nam Cộng hoà chốt giữ.
Căn cứ Dốc Miếu được bảo vệ bởi nhiều hàng rào khác nhau. Vòng ngoài cùng phải kể đến là sức công phá của các loại pháo hạng nặng như 155mm, 175mm, 406mm (pháo từ Hạm đội 7). Muốn vào được Dốc Miếu, trước hết phải vượt qua các trận “bão đạn, pháo” của địch thay nhau bắn từ Cồn Tiên, 241, Dốc Miếu, Hạm đội 7… ra vùng giới tuyến Vĩnh Linh, vùng phi quân sự. Để dễ bề quan sát, ra hiệu cho pháo nhã đạn, Mỹ Ngụy dùng chất độc hoá học cho máy bay chở đến rãi khắp vùng giới tuyến để huỷ diệt cây cối, tạo vành đai trắng phía bắc các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy. Vào ban đêm, tại các căn cứ này chúng đặt hệ thống đèn pha chiếu sáng cực mạnh, quét ra tận bờ bắc sông Bến Hải. Từ Tháp canh, hễ phát hiện một vật di động tiến về phía nam, chúng liền báo hiệu cho pháo nhã đạn tới tấp đến mục tiêu hàng tiếng đồng hồ.
Hàng rào thứ hai là lính phục kích và bãi mìn. Mỹ đã huấn luyện thành đội quân gọi là “dơi – nhện”, “gà tàng”, “trâu điên” chuyên đi phục kích vào ban đêm. Bọn này xâm nhập vào đủ các nơi: Có thể trà trộn với du kích ở đoạn vắng, ở đoạn bộ đội thường qua lại, cả những nơi mà du kích không ngờ tới như con kênh, giữa ruộng, lùm cây…
Còn bãi mìn thì được chúng bố trí đa hình, đa dạng. Thông thường thì chúng dùng mìn Clâymo chôn thành trận địa hình chữ V, khoảng 20 – 30 trái/hình chữ V. Mìn được chôn ở khoảng đất trống xung quanh đồn, ở hàng rào, ở  bụi cây…Tiếp đến, ở chân đồn và triền dốc là hệ thống hàng rào kẽm gai, giao thông hào dày đặc.
Vượt qua được hàng rào kẽm gai và công sự lại gặp một loạt lô cốt án ngữ xung quanh. Đây là loại lô cốt đúc sẵn, máy bay cẩu đến đặt thành hàng rào. Nối liền giữa các lô cốt với nhau là giao thông hào. Hết lớp lô cốt và giao thông hào là toàn cảnh của một căn cứ quân sự mạnh nhất trong tuyến hàng rào.

Tại Dốc Miếu có các công trình quân sự sau
- Trận địa pháo: Các loại pháo cỡ lớn như 105mm,155mm và 175mm. ngoài ra còn có cả loại pháo phòng không 37mm. Trận địa này được bố phòng ở phía bắc căn cứ do một tiểu đoàn pháo binh phụ trách. Cùng với trận địa pháo là hệ thống xe vận tải, đài quan sát, rađa, máy tính, hệ thống bám, xoay…
- Nơi đặt thiết đoàn M113 và M118: gồm 2 địa điểm: một ở góc tây bắc, một ở trung tâm. Có nhiệm vụ xuất quân tuần tra, ứng cứu, bảo vệ hàng rào điện tử.
- Cụm công sự canh gác các lối ra vào: ở phía nam Dốc Miếu và trong khu quân sự này có rất nhiều đường đi, ngõ vào dành cho xe cơ giới. Để kiểm soát việc ra vào của xe cộ, binh lính và chốt giữ khi đối phương tấn công, Mỹ - ngụy cho lập tại góc tây nam (giáp quốc lộ 1A) và phía nam hai cổng ra vào. Cổng vào không có giao thông hào chắn ngang nhưng được bố trí lô cốt, công sự ở hai bên, thường xuyên có các nhóm lính với trang bị vũ khí, điện đàm, hệ thống báo động…trực 24/24 giờ.
- Hệ thống trại lính, nhà kho, hầm lán: Căn cứ Dốc Miếu có đến hàng chục nhà ở, hầm kho. Nhà giành cho lính ở có cột, kèo bằng sắt, mái lợp tôn, bên cạnh đó còn có lán trại dã chiến được căng bằng bạt. Hầm có nhiều loại, chủ yếu là hầm bê tông, cốt thép và hầm cuvơ. Kết cấu hầm có dạng hình vòm ở phía trần, kiểu bán âm (một nửa nổi trên mặt đất). Hầm để chiến đấu được làm bằng cách chồng bao cát lên xung quanh và cả phía trên trần, giàn giá đỡ bên trong là các tấm ghi sắt. Tất cả các hầm được nối với hệ thống giao thông hào. Kho tàng để chứa lương thực, vũ khí đều lợp bằng tôn, một số dùng bạt để che, đặc biệt có cả hầm ngầm để chứa vũ khí. Trong hệ thống trại lính có một số rất kiên cố, đúc bằng bê tông, cốt thép dành cho cố vấn Mỹ và Bộ Chỉ huy pháo binh, trung tâm điều hành quân ngụy ở. Khu kiên cố này nằm ở gần trung tâm, bao quanh là các nhà ở, trại lính Mỹ - ngụy.
- Tháp canh: Xây dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép, có dạng hình vuông, cao trên 10m, nằm ngay đỉnh đồi gần trung tâm chỉ huy căn cứ. Tháp gồm 2 phần: Phần bên dưới hình khối chữ nhật với kích cở khoảng 5 x 5 x 6m. Phần trên nhỏ hơn, giông như một chòi canh, mái lợp tôn rộng chừng 4-5m2 . Ngoài ra, còn có một số tháp canh quy mô nhỏ hơn làm bằng giàn giá sắt ống dựng ở các góc khác trong căn cứ và dọc toàn tuyến hàng rào.
- Trung tâm xử lý thông tin, liên lạc: Nằm chính giữa căn cứ, nơi cao nhất của Dốc Miếu. Nhiệm vụ của trung tâm ngoài việc liên lạc, chỉ huy với các căn cứ xung quanh còn chủ yếu là xử lý các thông tin trên tuyến hàng rào. Từ các thiết bị thu tiếng động được rãi khắp nơi, khi phát hiện có tiếng động của người và xe cộ, nó phát tín hiệu truyền thẳng về trung tâm hoặc thông qua các loại máy bay dò thám trên trời, các máy thu tiếng động này phát tín hiệu lên máy bay và máy bay chuyển tiếp thông tin về căn cứ Dốc Miếu. Sau khi xử lý thông tin (xác định tọa độ, quy mô, người hay xe), trung tâm này lập tức ra lệnh cho pháo mặt đất hoặc máy bay thả bom bắn phá mục tiêu. Ngoài các công trình công sự nêu trên, trong khu vực căn cứ Dốc Miếu địch còn bố trí cả bãi đắp của máy bay trực thăng, bãi đỗ xe…
- Hàng rào điện tử Mc Namara bị vô hiệu hóa: Chiến lược đánh quá hàng rào điện tử Mc Namara của quân và dân ta được thực hiện ở nhiều nơi từ vùng rừng núi huyện Hướng Hoá cho đến vùng ven biển xã Gio Hải, Gio Mỹ, từ đồi núi Cồn Tiên, Dốc Miếu đến vùng đồng bằng huyện Gio Linh… và theo tình hình, địa thế mỗi nơi mà có cách đánh thích hợp. Do vậy, dù là một căn cứ hiện đại, nhưng hàng rào điện tử Mc Namara đã dần dần bị vô hiệu hóa trước những mưu trí chiến lược của ta. Quân và dân ta đã tấn công và lần lượt phá hủy từng đoạn, đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Lực lượng du kích ngày đêm khống chế không cho Mỹ - ngụy tự do hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa...Trong những ngày đầu năm 1972, quân và dân ta đồng loạt nổi dậy nổ súng vây chặt, bắn hàng trăm quả đạn DKD, A12 và bom phóng vào căn cứ. Sau ba ngày tấn công, đêm 31/3/1972, lực lượng địch buộc phải tháo chạy, bỏ lại đồn bốt, công sự cùng với hệ thống hàng rào điện tử hiện đại.
Hiện nay, trên đỉnh đồi Dốc Miếu là một Tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ giao liên đã góp phần đập tan hệ thống pháo đài Dốc Miếu - Cồn Tiên. Dưới chân Tượng đài chiến thắng là các đồi cây cao su xanh mướt, minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất một thời mưa bom bão đạn. Đứng trên Tượng đài nhìn về phía bắc khoảng 8km là cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, một biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam trường kỳ kháng chiến suốt 21 năm ròng rã.
Căn cứ Dốc Miếu - Hàng rào điện tử Mc Namara là một chứng tích tiêu biểu tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Với âm mưu xâm lược nước ta, chúng đã không từ bỏ một thủ đoạn nào để đạt được ý đồ cuồng vọng của mình. Từ việc ném bom, bắn phá ra khu vực giới tuyến nhằm ngăn chặn khát vọng thống nhất đất nước của nhân dân ta đến âm mưu hủy diệt sự sống bằng các loại bom, chất độc hóa học khác. Đây cũng là nơi minh chứng hùng hồn về sức mạnh vĩ đại của dân tộc ta, là nguồn tư liệu sinh động cho công tác nghiên cứu về nghệ thuật quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh.
Di tích căn cứ Dốc Miếu - Hàng rào điện tử Mc Namara nằm trên Quốc lộ 1A, gần với các điểm du lịch, di tích lịch sử tiêu biểu như: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Đường mòn Hồ Chí Minh... nên nếu được đầu tư xứng tầm và khai thác tiềm năng hợp lý, nơi này sẽ trở thành điểm tham quan lý thú, hấp dẫn tạo thành chuỗi di tích phục vụ du lịch về chiến trường xưa. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nhất là ngành Du lịch./.

Tác giả bài viết: Ngô Văn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây