Quảng Trị - Mùa tri ân tháng 7

Thứ bảy - 22/07/2023 23:32
Với thương hiệu là điểm đến du lịch gắn liền với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cứu nước, Quảng Trị là nơi thể hiện rõ nhất về lịch sử cách mạng hào hùng của Việt Nam và là minh chứng cho sự hồi sinh rực rỡ của dân tộc trên đóng tro tàn của chiến tranh.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, những hễ đặt chân đến những địa danh lịch sử của Quảng Trị, lắng nghe những câu chuyện về cuộc chiến tranh ác liệt vẫn còn được nhớ đến trên mảnh đất Quảng Trị nắng gió, lòng ta lại thấy bồi hồi xao xuyến, nhắc nhở về một thời oanh liệt anh dũng của cha anh. 

Thành Cổ Quảng Trị
Nếu về Quảng Trị những ngày tháng 7, du khách nhất định không thể không ghé thăm Thành cổ Quảng Trị - một trong những địa danh hào hùng nổi tiếng nơi đây.

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị
 
Thành Cổ Quảng trị nằm bên dòng sông Thạch Hãn và được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây gắn liền với nhiều trận đánh lớn trong thời kỳ chiến tranh. Đặc biệt là chiến dịch Thành Cổ diễn ra năm 1972. Sau chiến dịch, toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng, chỉ còn sót lại một cửa phía Đông và vài đoạn tường thành cùng hào giao thông chi chít vết tích bom, đạn. 
Ngày ấy, khi mà quân đội Mỹ ném xuống Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) năm 1945. Trung bình mỗi chiến sĩ chiến đấu tại Thành Cổ phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Vậy mà họ vẫn kiên định bám trụ, chiến đấu hàng tháng trời để bảo vệ Thành Cổ.
Nơi đây với những địa điểm diễn ra sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 đã thấm đẫm máu của hàng vạn chiến sĩ cả nước và đồng bào Quảng Trị trong cuộc chiến bảo vệ đất nước
Ngày nay, Thành Cổ trở thành địa điểm tâm linh, hàng năm đón hàng chục vạn lượt khách hành hương thăm lại chiến trường xưa, du khách trong và ngoài nước đến thắp những nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống và hy sinh xương máu đễ bảo vệ đất nước.

Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải

Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là một trong bốn di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh Quảng Trị, di tích bao gồm các hạng mục nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Nơi đây là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền đất nước rõng rã suốt hơn 20 năm.
 
Toàn cảnh di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải
 
Ngày 20/7/1954, Sau khi Hiệp định Giơ –ne –vơ được ký kết, đất nước Việt Nam đã bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam, sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 là ranh giới chia Việt Nam thành 2 vùng tập kết quân sự để chờ đến tháng 7 năm 1956 tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, miền Bắc thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, miền Nam thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, do sự phá hoại của thế lực thù địch, đến tận năm 1975, 2 miền Bắc - Nam mới được thống nhất. 
Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bên Hải bao gồm các hạng mục: cây cầu Hiền Lương, dòng sông Bến Hải, Cột cờ phía Bắc, Nhà Liên hợp, Hệ thống loa phóng thanh bờ Bắc, Đồn công an Hiền Lương, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Đồn cảnh sát bờ Nam và Cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất"...
Đây là điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam

Địa đạo Vịnh Mốc

Địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, được xây dựng cách biển Cửa Tùng 6km về phía Bắc. Hệ thống địa đạo được xây dựng trong khoảng 2 năm, từ năm 1965 đến 1967
 
Du khách tham quan giếng thông hơi tại Địa đạo Vịnh Mốc
 
Địa đạo Vịnh Mốc có địa hình phức tạp bởi địa đạo là 8.000 ngày công gian khổ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng 140 cùng với nhân dân Vịnh Mốc đã đào và vận chuyển hơn 6000m3 đất đá kiến tạo nên một hệ thống làng hầm đồ sộ tại một quả đồi đất đỏ bazan ở phía nam làng Vịnh Mốc, sát với biển.
Nơi đây là minh chứng mãnh liệt nhất về sự kiên cường bám đất bám làng, chống lại kẻ thù bảo vệ từng tấc đất của nhân dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2014, di tích đã được đặc cách công nhận là di tích Lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.
 
 Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn 
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nằm tại khu vực Bến Tắt, cạnh quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Linh Tường, huyện Gio Linh, cách thành phố Đông Hà khoảng gần 30km.Được xây dựng trong 2 năm từ 1975 đến 1977, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có tổng diện tích khoảng 14 ha, nằm trên 3 quả đồi, cạnh thượng nguồn sông Bến Hải.

 
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
 
Đây là một trong những nghĩa trang có kiến trúc, bố cục độc đáo, đồng thời cũng là công trình đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng tiếc thương và biết ơn vô hạn với những anh hùng, liệt sĩ. Khu trung tâm nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi có đài tưởng niệm làm bằng đá trắng, rỗng ruột và khuyết ba mặt. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng xanh mát. Mỗi khu đều có nhà tưởng niệm riêng với lối kiến trúc quen thuộc của các vùng quê Việt Nam. 
    
Đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đứng giữa hơn 10.000 phần mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau từng hàng trải dài giữa đồi núi mênh mông, du khách viếng thăm càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh to lớn của những người đã không tiếc xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 


Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 nằm tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang nằm trên một quả đồi, hướng mặt về đường quốc lộ 9. Đây là nơi yên nghỉ của gần 10.000 anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh tại mặt trần đường 9 và trên đất bạn Lào. Trong đó có hơn 3.200 phần mộ đã xác định danh tính, số còn lại là mộ của những liệt sĩ chưa rõ thông tin. 
 
Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
 
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường 9 là con đường chiến lược nối từ biên giới Việt-Lào về Đông Hà. Dọc trục đường này, quân đội Mỹ cho xây dựng các căn cứ quân sự, lô cốt nhằm cắt chi viện của quân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chính vì thế, Đường 9 là một trong những mặt trận ác liệt ở miền Trung, nơi hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, thanh niên xung phong đã chiến đấu và hy sinh. 
Để tỏ lòng biết ơn những anh hùng, liệt sỹ đã nằm lại nơi đây, năm 1995, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 được tôn tạo và mở rộng với 16 hạng mục lớn nhỏ. Trong đó, nổi bậc nhất là Tượng đài chiến thắng cao 18m và khu hành lễ có nhà tưởng niệm, 3 bức phù điêu và 4 cụm tượng.   
Không chỉ là nơi nhân dân cả nước tới viếng thăm, bày tỏ lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 còn là điểm đến thể hiện tinh thần đoàn kết giữa Việt Nam và nước bạn Lào. 
Giữa cái nắng chói chang của những ngày tháng 7, từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc tấp nập đổ về dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh tại các di tích lịch sử cách mạng của mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Là các đoàn cựu chiến binh quay trở lại, thăm chiến trường xưa và những người đồng đội đã từng kề vai, sát cánh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Là những thế hệ trẻ về đây tìm hiểu lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc. Là những gia đình liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc về đây tìm lại người thân đã ngã xuống nơi đây. Và dù là ai đi nữa, trong mỗi trái tim của họ, mảnh đất Quảng Trị thật thân thương, và cùng chung một tâm niệm “Về Quảng Trị tri ân mùa tháng 7”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây