Top 9 món ăn nên thưởng thức khi đến Quảng Trị

Thứ bảy - 11/03/2023 22:58
Quảng Trị, nơi từng là toạ độ lửa khắc ghi bao công lao bảo vệ đất nước không chỉ có những phong cảnh tự nhiên hoang sơ, địa điểm tham quan mang đậm dấu ấn lịch sử mà còn có cả một nền ẩm thực phong phú, đa dạng, mang đậm khẩu vị đặc trưng của người dân ở xứ gió Lào cát trắng. Trong tập bút ký về “Ẩm thực Quảng Trị”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nhận định rằng tâm hồn ăn uống của người Quảng ít nhiều gắn bó với nét đặc trưng quê hương, phản ánh tinh thần chịu thương chịu khó của vùng đất anh hùng.
Dưới đây là những món ăn ngon ở Quảng Trị, mời bạn thưởng thức nếu có dịp du lịch đến vùng đất lịch sử hào hùng này nhé:
1. Cháo bột cá lóc
Cháo bột cá lóc (còn gọi là cháo vạt giường, cháo cá, bánh canh cá lóc) là đặc sản nức tiếng của Quảng Trị vì cách chế biến độc đáo. Dân ca Quảng Trị có câu: “Nhớ chi như cháo vạt giường/ Đứng mơ mùi ném, ngồi thương mùi hành” để diễn tả hương vị đặc trưng của món ăn này.
Hương vị thơm ngon, hấp dẫn một phần nhờ mùi ném, mùi hành. Hương củ ném (nén) và ruốc của Quảng Trị là thứ tạo nên mùi vị khác biệt cho cháo cá Quảng Trị so với những nơi khác. Hơn nữa, để nấu cháo cá, người ta dùng cá lóc (cá tràu, cá quả), cá lóc phải chọn con to thì thịt mới dày, săn chắc và nấu mới ngọt nước. Sơ chế cá xong luộc và lọc thịt cá cẩn thận, ướp với vị ném, tiêu, ớt bột, những đặc sản Quảng Trị khiến vị cá không bị tanh nồng.
 
     
Sợi cháo không chỉ làm bằng bột gạo, bột mì mà còn có cả bột lọc (làm từ bột sắn), khiến cháo có vị dai, ngon, đảm bảo không ở nơi nào sử dụng loại bột này. Khi ăn người Quảng Trị thường cho thật nhiều hành lá, tiêu, ớt bột để đậm vị. Thưởng thức 1 tô cháo cá trong những ngày se lạnh, cho chút ớt cay nồng, chút tiêu, hành lá có thể đánh bay những cơn cảm lạnh.

Cháo bột ở Quảng Trị đều có có hương vị chung, nhưng nổi tiếng nhất là cháo bột cá lóc Hải Lăng. Bên cạnh đó, cháo bột vịt cũng là một sự thay thế tuyệt vời cho những ai muốn trải nghiệm thêm về ẩm thực Quảng Trị.

2. Mít thấu
 Món mít thấu Quảng Trị là sự hòa quyện vị ngọt của mít non luộc, dai dai của miến, cộng thêm da heo giòn, đậu phụ chiên giòn và lạc rang thơm lừng khiến thực khách cứ muốn ăn hoài không thôi.
 

         
Mít phải chọn mít non, để nguyên quả rửa sạch rồi cho vào nồi đậy kín luộc khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ, để già lửa rồi được bào mỏng ra và đem xào lên để thêm đậm vị. Mít ăn cùng rau sống thêm phần tươi, ngon, đỡ bị ngán. Nước chan kèm theo để món ăn thêm phần hương vị đó chính là nước tương được nấu với các gia vị và thêm một vài trái ớt, phù hợp với của người dùng. Bạn cũng có thể thử món mít thấu theo phiên bản dành cho người ăn chay, rất lạ miệng để thử những món mới.


3. Bánh lọc
 

           
Có một món bánh dân dã, quen thuộc, mà mỗi người con Quảng Trị dù đi đâu về đâu cũng không thể nào quên: bánh lọc. Món ăn được làm từ bột sắn (ở nhiều nơi khác dùng bột năng). Nhưng bột sắn ở Quảng Trị thường có độ tươi, bởi được người thợ làm thủ công nên. Bên trong lớp bột có thể là tôm thịt, đậu xanh hay cả thịt gà. Và nếu được thưởng thức kèm nước mắm biển, phi một chút ném Quảng Trị để dậy mùi thì còn gì tuyệt vời hơn.


4. Bún hến Mai Xá
 Bún Hến Mai Xá là một đặc sản của làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị). Gọi là bún hến nhưng được làm từ một loài nhuyễn thể có tên là chắt chắt - một loài thuộc họ hến nhưng nhỏ và màu đậm hơn.
Chắt chắt phi thơm hành, gia vị đến săn lại rồi đổ nước vào, thêm vài miếng gừng là xong nồi nước dùng ngon lành, ít béo, lại hợp với túi tiền. Cho bún vào tô, thêm nhúm rau thơm, ngò lên trên và chan nước dùng nóng hổi.
 

         
Còn với những người thích ăn khô, một chén nước ruốc là không thể thiếu. Chan một ít nước ruốc vào món ăn, thêm nhiều rau sống và trộn lại với nhau vừa ngon, vừa đậm đà. Khi ăn, giã thêm chén muối ớt tươi cùng gừng, sao cho thật cay, thật nhuyễn để bên cạnh thưởng thức chung mới thật đúng với khẩu vị của người Quảng Trị.


5. Thịt trâu lá trơng
Món ăn mang tên hai nguyên liệu chính làm nên sự đặc biệt: thịt trâu và lá trơng (trơơng). Lá trơng là một loại lá mọc hoang có một thơm đặc biệt và một hương thơm nhè nhẹ. Còn thịt trâu được chọn lọc kỹ càng từ các con trâu non để đảm bảo sự tươi, dai mềm và bổ dưỡng cho sức khỏe. Chính vì thế, nơi nào cũng có cách chế biến thịt trâu nhưng dám chắc rằng không đâu có vị như ở Quảng Trị này.
 

 Sau khi ướp và làm chín, thịt trâu sẽ có vịt ngọt, mềm và dai nhẹ. Nếu nướng sẽ thơm mùi lá lốt ăn kèm lá trơng sống, trong khi xào lên thì hương trị thịt trâu và lá trơng sẽ cùng hòa quyện, tạo thành mùi thơm cay đặc trưng. Sự kết hợp giữa thịt trâu non và loại là rừng mọc hoang khắp Quảng Trị đem lại mùi thơm cay rất đặc trưng của món ăn. Đặc biệt thịt trâu lá trơng mà ăn vào những ngày mưa lạnh thì tuyệt.

6. Gỏi tép nhảy Bàu Trạng
Ai đã từng lớn lên từ đồng đất quê hương, quen với mùi rơm rạ, bùn đất hẳn vẫn còn nhớ trong mâm cơm gia đình không bao giờ thiếu sự hiện diện của loại sinh vật nhỏ, lành nhất, đó là tép. Dưới cái nắng tháng năm và tháng 3 chính là thời điểm sinh sôi của tép đồng, đặc sản của Bàu Trạng, Vĩnh Linh. Và đó chính là thời gian hợp lý nhất để thưởng thức món ăn Gỏi tép nhảy Bàu Trạng.
 

Điểm đặc biệt của món ăn này là cách chế biến món ăn này. Tép đánh bắt liền được ngâm với nước muối 10 phút trước khi được trộn với các nguyên liệu khác bao gồm: xoài xanh, ớt tiêu, tỏi, chanh và các loại rau thơm. Sau đó, vắt thêm một ít nước cốt chanh vào khiến tép nhảy loạn xạ ở trong tô nên phải dùng vung đậy lại và lắc đảo thật kỹ để tất cả thấm gia vị và thưởng thức sự tươi ngon này.

7. Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là loại bánh đặc sản Quảng Trị truyền thống không thể thiếu được trong các dịp lễ tết ở nơi đây. Khi mới ăn vào có cảm giác bánh dẻo dẻo, bùi bùi, thơm mùi lá gai hòa lẫn vị ngọt của nhân đậu và nếp. Bánh có màu đen của lá gai, trông rất độc đáo. Bánh ít lá gai mang đậm chất mộc mạc, bình dị như chính những con người nơi đây. Bánh thường được làm hoặc mua để đặt lên bàn thờ tổ tiên vào những ngày lễ Tết, giỗ chạp. Chỉ giản đơn vậy thôi nhưng cũng đủ làm người Quảng Trị nhớ nao lòng những lúc đi xa.
 


8. Bánh đúc rau câu rong biển
Món bánh đúc đã xuất hiện xuyên suốt dải đất Việt Nam với nhiều phiên bản khác nhau và người dân Quảng Trị chế biến món bánh đúc với một nguyên liệu vô cùng đặc biệt. Đó là rau câu rong biển, với tạo hình giống hình cái móc, bện thành từng lớp và bám vào đá ở dưới nước, dưới những chân sóng. Do đặc tính ấy, nên người dân muốn hái cây rau câu phải đợi những ngày gió lặng, nước thủy triều đã rút hết mới có thể hái được rau câu.
 

         
Bánh đúc rau câu có mùi rong phảng phất, người ăn lần đầu không quen sẽ nghe hơi tanh. Đó là lý do mà người ta chấm với ruốc Huế đậm mùi. Hương vị đặc biệt cùng hòa quyện với sự mặn mà của ruốc sẽ khiến bạn một lần ăn sẽ muốn ăn nữa.


9. Nem chợ Sãi
Người dân Quảng Trị có câu: “Nem chợ Sãi, vải La Vang”. Mỗi lần đến chợ Sãi lại không thể quên được những cây nem lụi trở mình trên than hồng thơm phức  Nem lụi chợ Sãi cũng là thịt xay được viên tròn, xâu vào que tre đem nướng, nhưng đặc sắc bởi cách ướp gia vị vào thịt viên để khi nướng lên.
 

Bên ngoài săn giòn, bên trong mềm tươi, rất ngọt. Nem nướng lên cuốn cùng bánh đa cùng với các loại rau sống, khế, xoài, dưa leo và được chấm với nước lèo – nước chấm được làm từ đậu phộng rang sền sệt, béo ngậy cùng với một ít ớt cay nồng sẽ khiến thực khách nhớ mãi.                                         

Tác giả bài viết: Tuệ Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây