“Về nguồn” - về với đất thiêng Quảng Trị vào tháng tri ân

Thứ sáu - 21/07/2023 12:12
Tháng 7 - tháng tri ân, đối với dân tộc Việt Nam, tháng 7 về trong niềm rưng rưng và xúc động. Tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm hướng về những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới đã gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng còn dở dang. Có những dòng nhật ký với nét chữ mới vừa viết vội. Có những lá thư tình chưa kịp gửi trao. Có những dự định mãi không thể hoàn thành… Tất cả đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử mang tên anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, được Tổ quốc đời đời khắc ghi.
Vào những ngày đầu tháng 7, có lẽ Quảng Trị chính là “địa địa chỉ đỏ” để người dân trên khắp mọi miền đất nước trở về, để tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc. Và dưới đây là các địa điểm du lịch linh thiêng khi đến Quảng Trị vào dịp lễ 27/7 này:

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của hơn 10 nghìn người con thân yêu của Tổ quốc, những người đã anh dũng hi sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc.
 
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - Ảnh Phan Hoài An
 
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã phê chuẩn dự án xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Khu đồi Bến Tắt được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của liệt sĩ Trường Sơn. Nghĩa trang khởi công xây dựng vào ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Hằng năm, nơi đây còn là nơi hành hương của hàng triệu lượt người dân khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.  Đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tưởng nhớ công ơn các thế hệ cha, anh đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân đối với thế hệ trẻ ngày nay.

 
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 tọa lạc trên trục đường 9, phường 4, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Là nơi yên nghỉ của các anh hùng, liệt sỹ đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 - Ảnh Phan Hoài An
 
Nghĩa trang có tổng diện tích là 13 ha, quy tụ trên 1 vạn liệt sỹ, trong đó 3694 mộ liệt sỹ được xác định đầy đủ thông tin: tên, tuổi, quê quán, được mai táng theo từng tỉnh, thành; 701 mộ biết một phần thông tin; còn lại chưa rõ thông tin. Ðây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ quy mô lớn có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc và sự  tri ân của Ðảng và Nhà nước ta đối với những người con trên mọi miền tổ quốc đã hi sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Vào ngày 27/7 hằng năm, nhiều đoàn thể, đồng đội, thân nhân liệt sỹ và người dân đã đến Nghĩa trang để dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao của các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 
Thành cổ Quảng Trị
 
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào.”
_(Phạm Đình Lân)
 
Toàn cảnh thành cổ Quảng Trị - Ảnh Hoài An
 
Đó là những câu thơ mà ai trong chúng ta đều không khỏi xúc động khi nhắc đến Thành cổ Quảng Trị.
Thành cổ Quảng Trị - Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972 Thành cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt.
Ngày nay, Thành Cổ trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua mỗi khi du lịch Quảng Trị, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.
Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ nhìn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, tả, hữu mà là một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẩm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính vì vậy, Thành cổ trở thành mảnh đất thiêng, nơi hội tụ tình cảm của chiến sỹ, đồng bào cả nước.
Thành cổ Quảng Trị là một địa điểm du lịch, tham quan giúp ta trở về với không khí oai hùng của lịch sử. Đến nơi đây du khách còn được chiêm ngưỡng những di vật. Tất cả đều tái hiện lại tất cả lịch sử của thành cổ Quảng Trị.

 
Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải
Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải nằm trong cụm di tích đôi bờ Hiền Lương ở điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải; phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc suốt hơn 20 năm ròng rã.
 
Toàn cảnh Sông Bến Hải – Cầu Hiền Lương Ảnh Phan Hoài An

Cuộc kháng chiến hơn 20 năm bên bờ Hiền Lương là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ của quân và dân ta. Đất nước thống nhất hòa bình, người mất, người còn. Nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách khắc ghi. 
Để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động. Nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Quảng Trị của khách trong và ngoài nước. Du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.

 
Sông Thạch Hãn
 
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”
_(Lê Bá Dương)

Những câu thơ mỗi khi cất lên khiến ai trong chúng ta cũng rưng rưng khi nghe đến. Đúng như vậy, Thạch Hãn - dòng sông đã đi vào thơ ca như những trang sử bi tráng thấm đượm máu và hoa vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong 81 ngày đêm oanh liệt, bến sông Thạch Hãn đã đón nhận hàng vạn chiến sỹ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành Cổ, làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc. Những chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy đã gác lại những ước mơ và hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Có người mãi mãi để lại tuổi thanh xuân nơi dòng Thạch Hãn.
 
Đêm hoa đăng trên dòng Thạch Hãn - Ảnh Phan Hoài An
 
Năm tháng qua đi, sông Thạch Hãn vẫn âm thầm mang nước và phù sa về xuôi, bến sông Thạch Hãn vẫn còn đó như nhắc nhở về một thời chiến tranh ác liệt mà mỗi tấc đất, mỗi bến sông đều gắn với những chiến công hào hùng và sự hy sinh anh dũng. Thị xã nhỏ bé với một dòng sông bao quanh, điều thường thấy ở nhiều nơi, nhưng có lẽ ít ở nơi đâu, cạnh dòng sông lại có những đài tưởng niệm, những điểm thả hoa đăng, có tiếng chuông nguyện hồn vào ngày rằm, mồng một hay những ngày lễ, Tết.
Đến đây, du khách được hòa cùng dòng người lặng lẽ bước vào đài tưởng niệm thành kính dâng hương, nhận đóa hoa đăng xuống bờ sông thả vào dòng nước chảy. Dòng sông sáng rực ánh hoa đăng trôi chầm chậm như một lời tri ân sâu sắc gửi đến linh hồn những người chiến sĩ đã nằm lại nơi này, gửi một lời hứa từ tận đáy lòng của thế hệ sau nguyện tiếp nối thế hệ cha anh, xây dựng và gìn giữ đất nước.
Tháng 7, từ Bắc vào Nam, trên những địa danh lịch sử, những nghĩa trang liệt sĩ tấp nập những đoàn người thăm viếng. Hương và hoa hòa quyện, lan tỏa trong chốn linh thiêng như nghĩa cử tri ân thành tâm của bao người. Hàng triệu ngọn nến, hàng triệu nén tâm nhang được thắp lên, lung linh, huyền ảo trên hàng triệu nấm mộ liệt sĩ khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Như là sự tri ân, là nỗi nhớ thương và biết ơn của người ở lại đang cháy đỏ. Từ đây mỗi người dân được lắng nhịp tim mình về những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 
Tháng 7 ở lại, nhưng sự linh thiêng, tri ân luôn kết nối, lan tỏa. Và những nghĩa cử để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh vẫn đang tiếp tục. Đó cũng cũng chính là tình cảm, trách nhiệm và lẽ sống của mỗi chúng ta hôm nay và mai sau./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 120 trong 27 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 27 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây