Ở vị trí chiến lược quan trọng này, Vĩnh Linh luôn đối phó trực tiếp với các âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nhất là giai đoạn 1965 - 1972, với chiến tranh phá hoại, huỷ diệt của địch, chúng đã dội xuống nơi đây hàng trăm nghìn tấn bom đạn. Để bám đất giữ làng, bảo vệ đầu cầu giới tuyến, đặc biệt là bảo vệ vững chắc địa đầu miền Bắc XHCN một cách vững chắc, đánh trả kẻ thù, thực hiện nhiệm vụ chi viện cho đảo Cồn cỏ và chiến trường miền Nam; Với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng, mưu trí, sáng tạo bỏ ra hàng vạn ngày công để tạo nên một hệ thống làng hầm - địa đạo phân bố rộng khắp mảnh đất giới tuyến.
Một lối xuống của địa đạo Vịnh Mốc
Từ sau năm 1954, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn "xây dựng kinh tế kết hợp với các công trình quốc phòng", và chủ trương "quân sự hóa toàn dân, công sự hoàn toàn khu vực". Thực hiện chủ trương đó, nhân dân và lực lượng vũ trang ở Vĩnh Linh, một mặt ra sức ổn định, phát triển kinh tế, xã hội; mặt khác kế thừa các loại hầm như hầm bí mật được đào từ thời kháng chiến chống Pháp ở xã Vĩnh Hoàng để tiếp tục đào các loại hầm ếch, hầm rọ, hầm chữ A... và hệ thống giao thông hào để chuẩn bị cho việc trú ẩn, chủ động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu khi chiến tranh xảy ra.
Vào giai đoạn 1964 - 1965, khi tình hình vùng phi quân sự diễn biến phức tạp, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoạt ra miền Bắc, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh cho phát triển thêm một bước việc đào địa đạo: Giao cho Bộ chỉ huy quân sự Khu vực, công an vũ trang giới tuyến và Đảng ủy xã Vĩnh Giang đào thử các loại đường hầm sâu hơn, dài hơn. Sau khi nghiên cứu, công việc đào thử này đã diễn ra tại Thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang. Một địa đạo dài 50 mét, sâu cách mặt đất 6 - 7 mét đã hoàn thành. Từ địa đạo thí điểm đó không lâu, hầu hết các thôn có đất đỏ bazan trên toàn khu vực Vĩnh Linh tiến hành đào địa đạo, với hàng chục tiểu địa đạo ra đời.
Hội trường ở trong địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị
Tuy nhiên, học phí của sự thành bại trong chiến tranh không chỉ có mồ hôi mà còn có cả máu. Qua cuộc thử nghiệm trong cuộc đối đầu ác liệt ấy, hệ thống tiểu đạo này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trú ẩn, phục vụ chiến đấu một cách an toàn cho nhân dân vùng giới tuyến, thậm chí vẫn còn gây ra không ít tổn thất về tính mạng, như: địa đạo Đơn Thạch (Vĩnh Hòa) bị bom đánh sập 26/2/1967, làm chết 4 người; địa đạo Tân Lý - Xóm Cửa (Vĩnh Giang) bị bom dội lấp cửa địa đạo làm chết 61 người; địa đạo Xóm Bơợc (Vĩnh Thạch) bị bom đánh sập ngày 27/7/1967 làm chết 22 người; địa đạo Bình Minh (Vĩnh Hiền) bị sập ngày 10/9/1967 làm chết 39 người...
Căn hộ gia đình ở trong lòng địa đạo Vịnh Mốc
Địch càng điên cuồng hủy diệt, thì ý chí tồn tại và chiến thắng của con người nơi đây càng bất khuất, kiên cường. Với khẩu hiệu: "Một tấc không đi, một ly không rời" "Mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu", tất cả Vĩnh Linh rầm rộ tiến sâu vào lòng đất. Mọi nhà, mọi thôn, mọi người tham gia đào địa đạo.
Hệ thống hầm hào ở Vĩnh Linh không ngừng thay đổi để chống trả có hiệu quả hơn. Từ chỗ hầm sơ sài đến hầm chữ A, từ địa đạo nhỏ đến các hệ thống địa đạo có quy mô, phức tạp hơn... . Tính đến cuối năm 1968, 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đều có địa đạo. Địa đạo lúc này không còn đơn thuần là những đường hầm trú ẩn và chiến đấu như ở Củ Chi mà thực sự trở thành một không gian sinh tồn. Một số địa đạo được coi như một làng quê được tái tạo ở trong lòng đất, có nơi ở độ sâu hơn 30 mét.
Giếng nước trong lòng địa đạo
Khó khăn gian khổ chồng chất, trong điều kiện chiến tranh, bom đạn đánh phá ác liệt như vậy, bằng những phương tiện thô sơ như cuốc, xẻng và nghị lực phi thường quân và dân Vĩnh Linh tạo ra 114 địa đạo lớn nhỏ, với tổng chiều dài đường hầm hơn 40km. Trong ba năm (1966 - 1968), đã làm nên một công trình đồ sộ, một thành quả lao động vĩ đại: Huy động được 7.518.540 ngày công để đào trên 3.759.270m3 (1) đất đá tạo nên một hệ thống làng hầm địa đạo huyền thoại trong lòng đất. Trong đó, nhiều làng hầm có quy mô lớn như: Làng hầm địa đạo Vịnh Mốc, Mỹ - Tú, Thuỷ Trung, Hoà Lý, Nam Cường… Ngoài ra còn có một hệ thống giao thông hào dài hơn 2.000km nối thông các làng hầm, địa đạo với nhau; cùng với hệ thống hầm hào, tiểu đạo lên đến hàng chục chiếc. Tiêu biểu nhất là địa đạo Vịnh Mốc, bởi vì địa đạo Vịnh Mốc giống như một làng quê được tái tạo trong lòng đất. Địa đạo có cấu trúc, quy mô lớn về chiều dài lẫn độ sâu, có hệ thống đường hầm dài 1.701m và sâu cách mặt đất từ 10 - 23m. Địa đạo có trục đường chính dài 768m, cao từ 1,5 - 1,8m, rộng từ 1 - 1,2m. Từ trục chính toả ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có tất cả 13 cửa; 7 cửa thông ra phía biển và 6 cửa thông lên đồi, đây cũng chính là các còn đường dẫn vào “làng”. Hai bên trục đường hầm cứ cách 3 - 5m, thì khoét sâu từng ô nhỏ, đây là các căn hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt. Địa đạo chia làm 3 tầng: Tầng 1 là nơi sinh sống của nhân dân; tầng 2 là nơi đóng trụ sở của Đảng uỷ, Uỷ ban và Ban Chỉ huy lực lượng vũ trang; tầng 3 chủ yếu là nơi cất dấu hàng hoá, vũ khí phục vụ cho công tác chiến đấu chi viện cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam. Trung tâm địa đạo có hội trường với sức chứa 50 người - được coi là ngôi nhà chung của “làng”, dùng cho hội họp, biểu diễn văn nghệ… Ngoài ra, địa đạo Vịnh Mốc còn có đầy đủ những công trình thiết yếu để cho mọi người ổn định cuộc sống dưới lòng đất trong một thời gian dài như bếp, giếng nước, nhà vệ sinh, nhà trẻ… Tất cả đều được bố trí, tạo dựng một cách hợp lý, khoa học.
Du khách tham quan địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị
Trong những năm chiến tranh, việc ăn ở và những sinh hoạt phần lớn được duy trì dưới lòng địa đạo. Sống trong những đường hầm ẩm, tối, con người không chỉ ăn, ở, ngủ mà còn phải làm bao nhiêu công việc nặng nhọc khác như việc sinh nở, nuôi nấng trẻ con, sơ cứu thương binh, trực chiến, vận chuyển hàng hóa cho những chiến trường khác... Mọi hoạt động đều được diễn ra như làng chiến đấu ở trên mặt đất.
Nhờ hệ thống làng hầm - địa đạo mà quân và dân Vĩnh Linh đã đảm bảo an toàn lực lượng, vũ khí, kiên cường bám trụ, giữ vững mảnh đất địa đầu giới tuyến làm nên những chiến công lớn: bắn rơi 293 máy bay, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến các loại, loại khỏi vòng chiến đấu 26.739 tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh; vận chuyển hàng nghìn chuyến chở bộ đội, lương thục, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hệ thống làng hầm - địa đạo từ khi ra đời cho đến nay đã gần 50 năm, nhưng những giá trị và ý nghĩa lịch sử của nó ngày càng in đậm trong tâm khảm của người Việt Nam và bạn bè thế giới. Đây là những công trình phòng tránh có hiệu quả nhất trong điều kiện chiến tranh ác liệt; chứng minh cho sức mạnh của chiến tranh nhân dân; Biểu tượng sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá của người dân Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đây là công trình có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học – công nghệ, khoa học quân sự… đặc biệt xuất sắc của quân và dân Vĩnh Linh nói riêng và của nhân dân Quảng Trị nói chung. Với những giá trị lịch sử đó, ngày 31/12/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Đây là niềm tự hào không to lớn của của người Quảng Trị - Một di sản văn hóa mang tính thời đại: “Địa đạo Vịnh Mốc giống như một tòa lâu đài cổ kín, dấu biết bao nhiêu điều kỳ lạ của những con người làm ra nó và thời đại mà nó sinh ra”./.